Thứ 5, 26/12/2024, 22:57[GMT+7]

Thái Thụy: Khai thác tiềm năng phát triển du lịch

Thứ 4, 28/12/2022 | 08:29:10
6,495 lượt xem
Với những tiềm năng, lợi thế của huyện ven biển, những năm qua, Thái Thụy đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước tăng tỷ trọng ngành du lịch, dịch vụ, phát triển các sản phẩm du lịch tiêu biểu. Mong muốn của huyện là thu hút nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm để khai phá, phát huy tốt nhất thế mạnh, tiềm năng về du lịch của địa phương.

Lễ hội bơi trải tại thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy).

Một trong những lợi thế nổi trội của Thái Thụy là du lịch biển, du lịch sinh thái với 27km đường bờ biển, hơn 2.500ha rừng ngập mặn, phát triển nghề muối gắn với du lịch tâm linh. Thái Thụy là điểm đến trải nghiệm cho nhiều du khách như tại khu du lịch sinh thái Cồn Đen (Thái Đô) và rừng ngập mặn xã Thụy Trường. Trong đó, khu du lịch sinh thái Cồn Đen sở hữu bãi biển trải dài, rừng ngập mặn, thảm thực vật tự nhiên đa dạng, phong phú với nhiều sinh vật quý hiếm và nguồn hải sản dồi dào. Rừng ngập mặn Thụy Trường có diện tích trên 1.400ha với hệ sinh thái động thực vật đa dạng, có nhiều loài chim quý hiếm; biển vô cực xã Thụy Hải đang là điểm khám phá hút khách nhờ vẻ đẹp tựa tấm gương khổng lồ phản chiếu bầu trời lúc sớm bình minh; khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại thị trấn Diêm Điền. 

Chị Nguyễn Thị Hà, du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại khu du lịch sinh thái Cồn Đen chia sẻ: Đây là lần thứ hai tôi và gia đình đến tham quan, nghỉ dưỡng tại khu du lịch sinh thái Cồn Đen. Sau những ngày làm việc vất vả, khi đến đây tôi cảm thấy rất thoải mái, dễ chịu. Ngoài điểm du lịch này, tôi và gia đình còn lựa chọn đi trải nghiệm, khám phá trong khu rừng ngập mặn Thụy Trường, buổi sáng sớm đi chụp ảnh tại biển vô cực xã Thụy Hải..., đây đều là những điểm đến rất lý tưởng.

Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Phú (đơn vị quản lý khu du lịch sinh thái Cồn Đen) cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển du lịch bền vững, Công ty đã tập trung xây dựng Cồn Đen thành một điểm du lịch xanh gần gũi với thiên nhiên, thích hợp để nghỉ dưỡng, khám phá. Mọi hạng mục vui chơi nghỉ dưỡng trong quần thể du lịch sinh thái tại Cồn Đen đều được xây dựng dựa trên tiêu chí đó. Hiện nay, khu du lịch có đầy đủ các dịch vụ, tiện ích cho khách đến tham quan, nghỉ dưỡng như hệ thống nhà hàng ẩm thực, khu nhà nghỉ dưỡng 3 sao, khu giải trí karaoke, massage, quầy hàng lưu niệm, hồ câu cá, trung tâm tổ chức sự kiện, khu vực rừng cắm trại và nghỉ qua đêm tại rừng ngập mặn...

Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên, Thái Thụy còn nổi tiếng với nhiều món ăn ngon, độc đáo như  gỏi nhệch, nộm sứa, bánh cuốn tôm (thị trấn Diêm Điền và xã Thụy Xuân), cá nướng (Thái Xuyên), nem chạo Vị Thủy (Dương Hồng Thủy)... Thái Thụy còn là huyện có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Toàn huyện có 477 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 28 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 92 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Đến nay, huyện đang bảo tồn và duy trì hoạt động 96 lễ hội dân gian truyền thống; các lễ hội dân gian được tổ chức định kỳ với nhiều loại hình đa dạng và phong phú, phản ánh tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước trong lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ cư dân trên vùng quê lúa. Một số lễ hội đã ăn sâu vào tâm thức của nhân dân và mang tính chất lễ hội vùng như: lễ hội đền Hệ (Thụy Ninh), lễ hội đền Chòi (Thụy Trường), đền Hét (Thái Thượng), lễ hội bơi trải (thị trấn Diêm Điền), đặc biệt lễ hội múa ông Đùng bà Đà (Thụy Hải) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016, là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của huyện. 

Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Những năm qua, huyện đã huy động mọi nguồn lực hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nhằm tạo bước chuyển mình mạnh mẽ cho ngành du lịch. Mỗi năm, huyện thu hút được hàng chục nghìn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng với doanh thu từ các dịch vụ du lịch đạt hơn 6 tỷ đồng. Huyện phấn đấu đến năm 2025 xây dựng khu du lịch sinh thái Cồn Đen là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện; phấn đấu đón trên 5 triệu lượt khách du lịch với tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 10 tỷ đồng/năm; đóng góp cho GRDP từ 6% trở lên; tạo việc làm trực tiếp trong lĩnh vực du lịch cho trên 10.000 lao động. Đến năm 2030, hoàn thiện các tiêu chí khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Thụy Trường là khu du lịch sinh thái của tỉnh.

Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, huyện xác định một số giải pháp cụ thể như: mở rộng liên kết vùng để hình thành các tour, tuyến du lịch kết hợp lịch sử với văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng và nằm trong hành lang các tour, tuyến du lịch quan trọng của tỉnh; đẩy mạnh công tác xúc tiến và chuyển đổi số trong hoạt động du lịch tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển du lịch. Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để huyện tiếp tục đưa ra các định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới.


Trần Tuấn