Thứ 5, 26/12/2024, 23:56[GMT+7]

Để kinh tế bứt phá năm bản lề

Thứ 7, 31/12/2022 | 10:10:59
10,779 lượt xem
Thực hiện nhiệm vụ năm 2022 trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước biến động phức tạp và khó khăn sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực do xung đột vũ trang và vấn đề địa chính trị trên thế giới, cũng như các địa phương trong cả nước, Thái Bình gặp rất nhiều khó khăn trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt trong tổ chức thực hiện, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định và đạt được một số kết quả tích cực.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chứng kiến lễ kí kết thỏa thuận nguyên tắc cho thuê lại đất và cơ sở hạ tầng giữa Công ty Cổ phần Green i-Park và Công ty TNHH Zenith International Việt Nam ngày 6/7/2022.

Tiếp đà phục hồi, tăng trưởng 

Mở đầu năm 2022 với đợt bùng phát dịch Covid-19 trên diện rộng ngay sau tết Nguyên đán Nhâm Dần, trong điều kiện khó khăn của tỉnh dân số đông, mật độ dân số cao, tuy nhiên bằng các giải pháp chủ động, linh hoạt, hiệu quả, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã sớm được kiểm soát. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch 21/23 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. GRDP tăng 9,52% so với năm 2021, đứng thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 190.530 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2021. 

Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì ổn định, đạt kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp và xây dựng tiếp tục tăng trưởng khá, giá trị sản xuất ước đạt trên 128.400 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2021; trong đó: giá trị ngành công nghiệp ước đạt trên 95.600 tỷ đồng, tăng 17%; ngành xây dựng ước đạt trên 32.800 tỷ đồng, tăng 7,9% 

Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh tiếp tục được quan tâm, chú trọng và có nhiều đổi mới. Tỉnh đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh, thành lập tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư từ Hàn Quốc của tỉnh (Korea Desk Thai Binh), khai trương Văn phòng Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Thái Bình tại Hàn Quốc, vận hành chính thức trang thông tin điện tử Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp trên ứng dụng zalo; tổ chức các hội nghị, hội thảo, các cuộc làm việc, đàm phán với các công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước; tổ chức đoàn công tác của tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Pháp, Ý, Nhật Bản, Đài Loan; tổ chức thành công hội nghị kết nối Thái Bình - Hàn Quốc tại tỉnh, hội nghị kết nối cung cầu... Tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với các dự án ngoài ngân sách đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng chưa đi vào hoạt động; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hết năm 2022, tổng số vốn đầu tư đăng ký vào tỉnh ước đạt khoảng 31.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2021. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt trên 660 triệu USD; ký bản ghi nhớ hợp tác (MOU) đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình với tổng số vốn trên 800 triệu USD. Đã trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường để thúc đẩy thành lập doanh nghiệp mới, năm 2022 là năm đầu tiên vượt mốc 1.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. 

Công tác thu ngân sách được quan tâm chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước thực hiện trên 27.900 tỷ đồng, đạt 155% dự toán, tăng 26,7% so với năm 2021. Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 12.468,6 tỷ đồng, đạt 147,5% dự toán, tăng 18,4% (là năm đầu tiên thu nội địa đạt trên 12.000 tỷ đồng). Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt khá, là năm thứ hai liên tiếp thuộc tốp đầu cả nước; đến hết tháng 11/2022, tỷ lệ giải ngân đạt 113,4% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, được Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 320 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2022. Bên cạnh đó, năm 2022, các địa phương trong tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Công tác giải phóng mặt bằng được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đặc biệt là các dự án trọng điểm trên địa bàn. Công tác tổ chức lập quy hoạch, nhất là các quy hoạch quan trọng của tỉnh được ưu tiên triển khai thực hiện. Tỉnh đang tập trung cao độ để hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiến độ và có tầm nhìn dài hạn, đã trình Hội đồng thẩm định quốc gia. 

Tận dụng cơ hội, bứt phá đi lên

Sau 2 năm thực hiện kế hoạch 5 năm, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số chỉ tiêu đạt khá thấp so với mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 2021 - 2025, cũng như chưa hoàn toàn đáp ứng kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh. Xác định kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm bản lề 2023 sẽ là nền tảng, là động lực, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đề ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, trong nước cũng như trong tỉnh năm 2023 được dự báo tiếp tục có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 với mức tăng trưởng GRDP tăng từ 11% trở lên, cũng như tạo tiền đề bứt phá kinh tế - xã hội cho các năm tiếp theo, những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong thời gian tới là hết sức nặng nề. Trong năm 2023, tỉnh có nhiều thuận lợi từ những thành quả và kinh nghiệm đã đạt được trong quá trình đổi mới, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đi vào hoạt động, Khu kinh tế Thái Bình, khu công nghiệp Liên Hà Thái, khu công nghiệp Hải Long và nhiều dự án lớn, trọng điểm đang triển khai thực hiện, mở ra cơ hội mới, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… 

Phát biểu tại kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra vào đầu tháng 12/2022, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh đặt quyết tâm cao nhất, quyết liệt trong hành động; phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm; đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức làm việc để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đồng chí yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác chỉ đạo, điều hành. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; gắn việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, từng cán bộ, công chức với chủ đề năm 2023 “Trách nhiệm, kỷ cương, tăng cường cải cách, tận dụng cơ hội, bứt phá đi lên”; chủ động theo dõi, dự báo sát tình hình thực tiễn, quyết liệt trong hành động, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. 

Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, hiệu quả của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tỉnh sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, góp phần hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đề ra. 


Nhóm phóng viên