Thứ 2, 25/11/2024, 18:48[GMT+7]

Thị trường hàng hóa đón nhận lực mua tích cực trong tuần giao dịch cuối năm 2022

Thứ 4, 04/01/2023 | 09:13:35
2,664 lượt xem
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa tuần giao dịch cuối cùng trong năm 2022 với lực mua chiếm ưu thế. Đà tăng mạnh của một số mặt hàng quan trọng đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng 0,51%, chốt năm 2022 ở mốc 2.445, cao hơn 107 điểm so ngày đầu tiên của năm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Mặc dù giá trị giao dịch ngày cuối năm có sự sụt giảm, đạt hơn 2.600 tỷ đồng; tuy nhiên, tính trung bình trong năm 2022, dòng tiền đầu tư đến thị trường đã đạt mức gần 4.700 tỷ đồng mỗi ngày. Điều này cho thấy thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đã khẳng định vị thế và trở thành một trong những thị trường đầu tư không thể thiếu đối với nhà đầu tư Việt Nam; ngay trong bối cảnh hàng loạt các biến số kinh tế và địa chính trị liên tục tác động mạnh mẽ đến xu hướng giá.

Dầu thô tăng tuần thứ ba liên tiếp

Thị trường dầu thô kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022 trong sắc xanh. Giá dầu thô WTI tăng 0,88% lên 80,26 USD/thùng, và giá dầu thô Brent tăng 1,67% lên mức 85,91 USD/thùng.

Năm 2022 là một giai đoạn đáng nhớ của thị trường dầu thô với điểm nhấn là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, khiến tình trạng mất cân bằng cung-cầu trở thành chất xúc tác chính cho thị trường trong phần lớn thời gian của năm. Giá dầu thô WTI có mức tăng theo năm là gần 6% còn giá dầu thô Brent cao hơn so một năm trước gần 9%. 

Xét riêng trong tuần giao dịch trước, mức độ rủi ro của thị trường dầu gia tăng bởi thanh khoản giảm mạnh khi các nước phương Tây bước vào kỳ nghỉ năm mới. Giá tăng trong phiên đầu tuần do lo ngại về đợt bão tuyết kỷ lục gây đóng băng và làm gián đoạn các hoạt động sản xuất nhiên liệu. 

Tuy nhiên, sau đó diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 một lần nữa gây sức ép và làm cho giá dầu không còn giữ được đà tăng.

Cuối tuần trước, Trung Quốc cũng công bố chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) sản xuất và phi sản xuất đều giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Tin tức này cho thấy sự suy yếu nghiêm trọng của nền kinh tế thứ hai toàn cầu, và có thể khiến nhu cầu tiêu thụ dầu khó phục hồi mạnh như kỳ vọng, ngay cả khi nền kinh tế mở cửa từ ngày 8/1 sắp tới. 

Một yếu tố khác cũng làm gia tăng sức bán trên thị trường dầu là việc báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại tăng 0.7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/2. Giá dầu thô Brent được hỗ trợ nhiều hơn so giá dầu thô WTI trong bối cảnh, Nga sẽ ngừng cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm lọc dầu cho các quốc gia tham gia áp dụng mức giá trần. 

Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá cả hai mặt hàng dầu thô đều hồi phục khi các nhà đầu tư bớt lo ngại và phản ứng tích cực hơn với thông tin tiêu thụ từ báo cáo của EIA. Tổng các sản phẩm nhiên liệu được cung cấp cũng tăng lên 2,8 triệu thùng, cao hơn mức trung bình 4 tuần. 

Về phía nguồn cung của Mỹ, số lượng giàn khoan dầu khí trong tuần vừa qua giữ nguyên ở mức 779 giàn, và vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch. Mức tăng nhỏ giọt phản ánh sự khó khăn nhất định trong năng lực gia tăng nguồn cung của Mỹ. 

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong năm 2023 thúc đẩy giá dầu cọ thô tăng mạnh

Kết thúc tuần giao dịch 26/12-31/12, sắc đỏ hoàn toàn áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Nổi bật là đà tăng mạnh gần 9% của dầu cọ thô. 

Trái với xu hướng giá giảm của hầu hết các mặt hàng trong nhóm, dầu cọ trong tuần qua có sự bật tăng mạnh với 342 MYR, đưa giá về trên 4.100 MYR. Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng, chống sự lây lan của Covid-19, giúp thị trường kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thực vật nói chung và dầu cọ nói riêng sẽ tích cực hơn trong thời gian tới, từ đó hỗ trợ giá. Bên cạnh đó, thông tin Indonesia, quốc gia xuất khẩu dầu cọ số 1 thế giới sẽ hạn chế lượng dầu cọ mà các công ty có thể xuất khẩu xuống còn 6 lần khối lượng đã bán trong nước, thay vì 8 lần như hiện tại cũng góp phần khiến giá mặt hàng này tăng mạnh trong tuần qua. 

Ở chiều ngược lại, cả 2 mặt hàng cà-phê đều ghi nhận sự suy yếu. Tỷ giá USD/Brazil Real tăng hơn 2% đã thúc đẩy việc bán hàng của nông dân Brazil, góp phần khiến lực mua gia tăng và gây áp lực lên giá. Tuy nhiên, những lo ngại về nguồn cung cà phê trong niên vụ tới tại Brazil khi mưa lớn cục bộ xuất hiện tại Minas Gerais đã hạn chế đà giảm, đóng cửa giá Arabica giảm gần 3%. 

Robusta ghi nhận mức giảm mạnh hơn với 4,05% trong tuần qua do lực bán giá tăng.

Hai mặt hàng đường cũng có tuần giảm mạnh với mức giảm quanh mốc 4% do nguồn cung tích cực tại Brazil. Theo dữ liệu được công bố bởi Ban Thư ký Ngoại thương (SECEX), tổng lượng đường xuất khẩu tính đến tuần thứ 4 của tháng 12 đạt gần 2 triệu tấn, vượt tổng lượng đường xuất khẩu trong tháng 12/2021. Cùng với đó, Cơ quan Cung ứng mùa vụ Brazil (CONAB) dự đoán sản lượng mía đường trong niên vụ 2022/23 của Brazil đạt 598,3 triệu tấn, kéo theo tổng lượng đường dự kiến đạt 36,4 triệu tấn, tăng 4,1% so niên vụ 2021/22, đồng thời cao hơn mức dự đoán 33,89 triệu trong báo cáo trước đó của cơ quan này. Điều này đã góp phần đẩy giá giảm sâu. 

Những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ sẽ suy yếu do lo ngại suy thoái kinh tế cũng như tình trạng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc tiếp tục gây sức ép khiến giá bông giảm hơn 2% trong tuần qua. Theo đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán lượng bông nhập khẩu trong niên vụ 2022/23 của Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 1,4 triệu tấn so với mức 1,7 triệu tấn trong báo cáo cung-cầu đầu tháng 12. 

Xuất khẩu cà-phê nước ta tăng mạnh mẽ trong năm 2022

Trên thị trường nội địa, theo thống kê, nông dân Việt Nam đã thu hoạch được khoảng 85% diện tích niên vụ hiện tại, kết hợp với nhu cầu đẩy hàng tăng mạnh trước dịp Tết Nguyên Đán đã thúc đẩy lực bán gia tăng trên thị trường và gây sức ép lên giá. Bên cạnh đó, ước tính số liệu xuất khẩu trong năm 2022 của Việt Nam đạt 1,72 triệu tấn, tăng mạnh so năm trước cũng góp phần tạo áp lực khiến giá đi xuống trong tuần qua. 

Ghi nhận trong ngày cuối cùng của năm 2022, giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động trong khoảng 38.600-39.300 đồng/kg, giảm tương đối mạnh 500 đồng/kg so ngày trước đó.

Theo Nhân Dân