Thứ 4, 18/09/2024, 02:43[GMT+7]

Tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp Việt Nam và Lào hợp tác đầu tư hiệu quả

Thứ 5, 12/01/2023 | 15:19:16
1,511 lượt xem
Sáng 12/1, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Sonexay Siphandone dự Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào tổ chức. Đây là sự kiện quan trọng trong chuyến thăm và là hoạt động ý nghĩa mở đầu chuỗi các hoạt động hợp tác Việt Nam-Lào trong năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào.

Hội nghị tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Lào; giới thiệu cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài của Lào; định hướng và giải pháp mới trong hợp tác đầu tư giữa hai nước; giải đáp vấn đề liên quan và bàn về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh tại Lào; thúc đẩy các cơ hội và dự án đầu tư mới.

Ngoài ra, Hội nghị còn tổ chức các hoạt động trưng bày sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam-Lào và hoạt động kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, đến nay tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam sang Lào đạt 5,34 tỷ USD. Lào luôn duy trì vị trí thứ nhất trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam cũng luôn nằm trong tốp 3 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Lào. Đầu tư của Việt Nam vào Lào tiếp tục xu hướng tăng cao và bền vững hơn.

Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 118,3 triệu USD, tăng 33,3% so với năm 2020. Năm 2022, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 180 triệu USD, tăng 52,5% so với năm 2021. Một số dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào làm ăn có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong năm 2023.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. 

Nhiều dự án hiện nay đã đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội Lào, nộp ngân sách lớn, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương, được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương Lào ghi nhận và đánh giá cao.

Ở chiều ngược lại, Lào hiện có 10 dự án đầu tư đang triển khai ổn định tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt trên 71 triệu USD. Doanh nghiệp Lào được các cơ quan chức năng của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam...

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với các doanh nghiệp những khó khăn trong đại dịch Covid-19 vừa qua; ngay sau đó, chúng ta lại chịu tác động kép tiêu cực đến 2 nền kinh tế khiến Chính phủ, nhân dân và doanh nghiệp hai nước đều khó khăn. Thủ tướng bày tỏ vui mừng vì hội nghị này có sự hiện diện rất đông đảo, thể hiện khí thế của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, vấn đề là chúng ta phải chuyển thành động lực, cảm hứng để ra được thực tiễn, sản phẩm để doanh nghiệp hai nước hợp tác hiệu quả hơn.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. 

Theo Thủ tướng, Việt Nam và Lào hợp tác là yêu cầu khách quan từ lịch sử, đường lối, vấn đề là chúng ta thực hiện như thế nào để biến thành của cải vật chất, nhân dân hai nước hùng cường, ấm no, hạnh phúc. Đảng, Nhà nước luôn luôn mong muốn mang lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Lịch sử đã chứng minh chúng ta không thể thiếu nhau.

Thủ tướng cho rằng, quan hệ chính trị, ngoại giao hai nước phát triển rất tốt đẹp trong khi quan hệ kinh tế phát triển chưa tương xứng, trong khi dư địa hợp tác trong lĩnh vực này còn lớn? Chỉ có chúng ta trả lời câu hỏi này. Chính phủ hai nước cũng rất trăn trở, cho rằng phải có đổi mới, cải tiến, làm trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng cho rằng, Chính phủ hai nước phải hợp tác, hoàn thiện thể chế cho ổn định để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn; giữ ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì các nhà đầu tư mới yên tâm trong đó có cả nhà đầu tư Lào, Việt Nam và các nước khác; không nhất quán về chính sách thì không thể đầu tư được; môi trường đầu tư không thông thoáng, phù hợp từng giai đoạn thì không thu hút được; phải có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào các ngành nghề. Hai bên chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau xây dựng có nền kinh tế độc lập, tự chủ, hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường kết nối.

Về hạ tầng cứng, cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, kinh tế-xã hội, văn hóa. Hai Chính phủ đang lựa chọn các vấn đề để làm, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống giao thông, giảm chi phí đầu vào. Chúng ta phải tìm ra lời giải cho vấn đề này, trong đó có việc phát triển hệ thống đường sắt, cảng biển, đường bộ.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng đề nghị phải kinh doanh đúng pháp luật, cạnh tranh lành mạnh căn cứ vào cung cầu, góp phần cùng hai Chính phủ hoàn thiện thể chế. Qua thực tiễn của doanh nghiệp mới có thể rút ra được cần tháo gỡ thể chế ở đâu. Ngoài sứ mệnh doanh nghiệp phải có lợi nhuận, hiệu quả, nhưng doanh nghiệp Việt Nam có sứ mệnh, nhiệm vụ chính trị đóng góp củng cố tình hữu nghị Việt Nam-Lào, góp phần ổn định chính trị, cải thiện đời sống nhân dân, làm tốt công tác an sinh xã hội.

Thủ tướng cũng vui mừng được biết, có nhiều dự án của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh tốt, đóng góp tích cực nhiều mặt cho kinh tế-xã hội Lào; đồng thời tạo việc làm cho hàng vạn lao động, tạo thu nhập, cải thiện đời sống, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào (trung bình khoảng 200 triệu USD mỗi năm). Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã tham gia tài trợ cho cộng đồng, tổng giá trị lũy kế đến nay đạt hơn 100 triệu USD, để xây dựng trường học, bệnh xá, đường, nhà tái định cư... cho người dân vùng dự án, bà con nghèo vùng sâu, vùng xa. Các nhà đầu tư hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp với tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”.

Thủ tướng nhấn mạnh, tình hữu nghị của hai nước là “có một không hai”, do đó phải phát triển quan hệ kinh tế tương xứng, phải ý thức được trách nhiệm của các bên; mong khí thế của hội nghị này cũng như Kỳ họp lần thứ 45 truyền tải ra bên ngoài, mang lại lợi ích cụ thể, thiết thực cho đất nước, nhân dân hai nước. Thủ tướng hy vọng, đến sang năm, khi tổ chức hội nghị mới thì kết quả hợp tác đầu tư phải lớn hơn năm nay.

Thủ tướng Sonexay Siphandone phát biểu ý kiến tại Hội nghị. 

Tại hội nghị, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhấn mạnh, sự kiện này diễn ra trong bầu không khí hai nước đang tổ chức Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022 với nhiều hoạt động sôi nổi. Thủ tướng đánh giá cao ý kiến phát biểu của các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước; đối với các nội dung đã được kiến nghị đều thể hiện cho thấy cộng đồng doanh nghiệp hai nước đang gặp phải.

Chính phủ Lào với trách nhiệm của mình sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đóng góp, tìm giải pháp giải quyết giúp các nhà đầu tư Việt Nam vượt qua khó khăn, kinh doanh hiệu quả, làm ăn ngày càng vững mạnh trên đất nước Lào, đạt các mục tiêu đề ra.

Thời gian qua, hai Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo trong hai ngày qua để các bộ ngành hai nước quan tâm đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh thêm về công tác xúc tiến, khuyến khích đầu tư: đó là giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu chính sách, thủ tục, quy trình về đầu tư nước ngoài đồng bộ, hiện đại; tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, giải quyết các kiến nghị của các nhà đầu tư; nâng cao tinh thần sẵn sàng phục vụ doanh nghiệp thực hiện các dự án hiệu quả; tiếp thu các kiến nghị của các doanh nghiệp trong khâu cấp phép, đôn đốc, kiểm tra, giám sát; giải quyết mọi vấn đề vướng mắc, điểm nghẽn trong đầu tư kinh doanh ở Lào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Sonexay Siphandone tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của Lào tại Hội nghị.

Chính phủ Lào kiên định các nguyên tắc thực hiện nghiêm ngặt, cởi mở, công khai, minh bạch. Cán bộ công chức phải chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lớn của Việt Nam sang đầu tư vào các lĩnh vực mà Lào có thế mạnh, tiềm năng như nông nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, dịch vụ, du lịch, logistics; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương giám sát tiến độ giải quyết các vấn đề thương mại, đầu tư, nghiên cứu có biện pháp thúc đẩy nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh kịp thời nhất là thương mại song phương; giao Bộ Công chính và Vận tải có kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng để phối hợp chặt chẽ với Việt Nam phát triển hệ thống đường giao thông, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá, giảm chi phí vận chuyển và tạo điều kiện thuận lợi; kết nối ngắn nhất các tuyến đường.

Hai Bộ Giao thông sẽ nghiên cứu và báo cáo hai Chính phủ; giao Bộ Phúc lợi xã hội nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài với tinh thần thu hút lao động có tay nghề, chất lượng; giao hai Đại sứ làm giám sát, đôn đốc thực hiện các dự án của hai nước triển khai thuận lợi; báo cáo Chính phủ hai nước 2 quý/lần. Những kết quả thành công của hội nghị này tiếp tục đóng góp khuyến khích thu hút đầu tư vào Lào ngày càng được kiện toàn và có bước tiến tích cực.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày