Thứ 6, 22/11/2024, 22:58[GMT+7]

Giữ nét đẹp cổ truyền ngày tết ông Công, ông Táo

Thứ 7, 14/01/2023 | 08:38:18
15,148 lượt xem
Khởi đầu cho mùa tết Nguyên đán, ngày tết ông Công, ông Táo vào 23 tháng Chạp hàng năm mang nhiều ý nghĩa trong truyền thống văn hóa đã được gìn giữ và lưu truyền đời nối đời biết bao thế hệ người dân đất Việt. Giữa nhịp sống hối hả thường nhật, làm sao để gìn giữ nét đẹp trong ngày tết này là điều cần được suy ngẫm.

Nét đẹp cổ truyền
Theo quan niệm của người Việt, Táo quân, còn gọi là vua bếp đã tồn tại trong tín ngưỡng dân gian từ lâu. Ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ. Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm và đến đêm giao thừa Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình. Bởi vậy, ngày tết ông Công, ông Táo vào 23 tháng Chạp, các gia đình đều làm mâm cơm tươm tất để bày tỏ lòng biết ơn, thực hành nghi lễ thả cá chép tiễn ông Táo chầu trời.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc cúng lễ tuy có nhiều thay đổi, đơn giản hơn so trước đây nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống. Tại các gia đình, phần lớn mâm cơm cúng ông Táo không quá cầu kỳ nhưng được chuẩn bị chu đáo, trang trọng, thể hiện lòng thành kính của gia chủ. Năm nay, ngày tết ông Công, ông Táo diễn ra vào dịp cuối tuần nên các gia đình đều thực hành nghi lễ này vào đúng ngày. Lễ cúng được tiến hành trước 12 giờ trưa bởi dân gian quan niệm sau thời điểm này là Táo quân lên chầu trời. Vật phẩm không thể thiếu trong ngày lễ này là cá chép. Một số gia đình có thể mua cá chép giấy (đốt cùng vàng mã sau khi cúng), xôi gấc hình cá chép, tuy nhiên phần lớn thường mua 3 con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cúng, khi làm lễ xong đem ra sông thả, ngụ ý cá chép sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời. Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.

Sinh sống và làm việc tại miền Nam nhưng năm nào cũng vậy, bà Phạm Thị Hường, xã Hồng Phong (Vũ Thư) đều giữ thói quen trở về quê vào đúng dịp tết ông Công, ông Táo. Bà Hường chia sẻ: Đây là ngày tết cổ truyền nên cứ tới dịp này là con cháu trong đại gia đình đều quây quần, tụ họp, cùng tiễn Táo quân chầu trời. Sau tết ông Công, ông Táo là rất nhiều công việc chuẩn bị cho ngày tết Nguyên đán, gia đình sum họp bên nhau chuẩn bị một năm mới cận kề.

Còn bà Nguyễn Ánh Tuyết, phường Quang Trung (thành phố Thái Bình) cho biết: Gia đình tôi 3 thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà nên ngày tết ông Công, ông Táo được chuẩn bị tươm tất, là dịp để tôi có thể giảng giải và chia sẻ với các con, cháu về tập tục truyền thống, ý nghĩa thiêng liêng của ngày tết này. Sau lễ cúng tại gia đình, tôi và các cháu cùng đi thả cá, tiễn Táo quân, bởi vậy trẻ nhỏ sẽ hiểu và yêu hơn truyền thống dân tộc và có thêm vốn sống từ câu truyện cổ tích về Táo quân.

Cá chép đỏ là vật phẩm không thể thiếu trong lễ tiễn Táo quân về chầu trời.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Về phong tục thả cá chép trong ngày lễ này, cá chép không chỉ được cho là phương tiện giúp Táo quân chầu trời, mà xét từ góc độ Phật giáo, phóng sinh cá chép thể hiện sự từ bi cũng như truyền thống nhân đạo của nhân dân ta, xét về khía cạnh môi trường, việc thả cá chép còn góp phần làm đa dạng sinh học tại những khu vực cá được thả. Tuy nhiên, việc thả cá chưa đúng cách cùng với ý thức chưa tốt của một bộ phận dân cư lại gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

Tại thành phố Thái Bình, bờ sông Trà Lý được nhiều người dân lựa chọn làm nơi phóng sinh cá chép. Tuy nhiên, những năm gần đây, trước tình trạng người dân khi đi thả cá thường thả cả túi nilon, thậm chí cả đồ cúng lễ như tiền vàng, đồ thờ xuống sông Trà Lý, Đoàn Thanh niên phường Lê Hồng Phong đã tổ chức túc trực tại các điểm thả cá dọc theo bờ sông Trà Lý để thu gom rác thải, tuyên truyền, nhắc nhở người dân khi thả cá nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp người dân đứng từ trên cầu để thả cá, đồng thời thả theo cả túi nilon, chân nhang, vàng mã... khiến cho việc thu gom rác dưới dòng sông rất khó khăn. Cũng đã có năm, giá cá chép đỏ tăng cao, xuất hiện đội thuyền túc trực trên sông Trà Lý ngang nhiên vớt cá chép vừa được phóng sinh. 

Chị Đặng Duy Phương, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Lê Hồng Phong cho biết: Từ đầu giờ sáng đến sau giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, Đoàn Thanh niên phường có 10 - 15 đoàn viên thường xuyên túc trực tại bờ sông Trà Lý và trên thành cầu, cùng đoàn thanh niên các phường trên địa bàn thành phố nhắc nhở người dân đến thả cá không thả túi nilon, bỏ rác đúng nơi quy định, đồng thời phối hợp dọn dẹp bờ sông, vớt rác thải dưới sông... Số lượng đoàn viên đông hơn mọi năm, địa điểm túc trực, triển khai các phần việc cũng nhiều hơn mọi năm vì vậy việc bảo vệ môi trường sẽ tốt hơn.

Mong rằng mỗi người dân hãy gìn giữ và phát huy nét đẹp cổ truyền phóng sinh cá chép trong ngày 23 tháng Chạp song hành với ý thức bảo vệ môi trường, giữ cho các dòng sông thêm sạch, đẹp.

Tú Anh