Thứ 6, 22/11/2024, 05:19[GMT+7]

Kon Tum: Nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng

Thứ 5, 19/01/2023 | 11:24:34
3,080 lượt xem
Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, 5 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, chủ trì và chỉ đạo triển khai biên soạn mới, rà soát, bổ sung, chỉnh sửa nhiều công trình lịch sử.

Họp Ban tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum” (Ảnh: Nguyễn Đảm)

Cụ thể, tái bản lần 2 sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum, tập I (1930-1975)” (phát hành cuối tháng 12-2019); biên soạn, xuất bản sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum, tập III (2001-2020)” và sách ảnh “Đảng bộ tỉnh Kon Tum, một chặng đường phát triển (2015-2020)” (năm 2020); biên soạn và phát hành sách “Chân dung các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân tỉnh Kon Tum (tập 2)” (năm 2021); xây dựng kế hoạch và triển khai công tác biên soạn, biên tập bổ sung sách “Biên niên các sự kiện lịch sử tỉnh Kon Tum, giai đoạn 1471-2021”. 

Ngoài ra, giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp, cung cấp tài liệu và nội dung tham luận có liên quan để Ban Tuyên giáo thành phố Hồ Chí Minh tái bản bộ sách "Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam" (năm 2020). Xây dựng nội dung văn bia và câu đối tại Khu di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh uỷ Kon Tum (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông).

Phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trương Quang Trọng tại Quảng Ngãi (năm 2018); Phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự - Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 - 24/4/2022) với chủ đề “Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” tại tỉnh Kon Tum (năm 2022).

Chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tham mưu và tham gia một số tham luận tại các Hội thảo, như: Hội thảo 50 năm cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968-2018) do Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức (năm 2018); Hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức (năm 2019); Hội thảo 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức (năm 2020); Hội thảo “Chiến thắng Tây Nguyên - mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975” với chủ đề “Quân và dân Kon Tum trong chiến dịch Tây Nguyên” do Quân đoàn 3 tổ chức (năm 2020).

Thẩm định, tham gia ý kiến đối với các công trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử của các sở, ban, ngành cấp tỉnh: Thẩm định nội dung 06 tập sách lịch sử truyền thống, lịch sử đảng bộ các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh: “Lịch sử Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum (1963-2018)”; “Lịch sử Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum (1963-2018)”; “Phong trào chiến tranh du kích trên chiến trường tỉnh Kon Tum (1945-1975)”; “Lịch sử công tác dân tộc tỉnh Kon Tum (1930-2015)”; “Lịch sử phong trào công nhân viên chức lao động và công đoàn tỉnh Kon Tum, tập I (1930-2000)”; “Trường Chính trị tỉnh Kon Tum quá trình hình thành và phát triển, giai đoạn 1954-2020”.

Cùng các ấn phẩm có yếu tố lịch sử (phóng sự, ký sự về các đồng chí lãnh đạo địa phương): Phóng sự về chân dung đồng chí Sô Lây Tăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Phóng sự về chân dung Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Y Buông; Phóng sự về chân dung đồng chí Ka Ba Tơ, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và tham gia ý kiến đối với đề xuất thực hiện ký, phóng sự chân dung một số đồng chí nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và tập thể, cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ biên soạn lịch sử cho các đơn vị.

Một số ban, ngành đã tích cực triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống ngành như: Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh biên soạn, xuất bản sách “Lịch sử Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum (1963-2018)” và sách “Lịch sử Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum (1963-2018)”; chỉ đạo các Đồn Biên phòng biên soạn và xuất bản sách biên niên sự kiện lịch sử. Đảng ủy Công an tỉnh tiến hành biên soạn công trình biên niên sự kiện lịch sử sau mỗi kỳ Đại hội; tiến hành biên soạn “Biên niên các sự kiện lịch sử Công an tỉnh, giai đoạn 2000-2020”. Đảng ủy Quân sự tỉnh hoàn thành xuất bản sách “Phong trào chiến tranh du kích trên chiến trường tỉnh Kon Tum (1945-1975)”; triển khai biên soạn “Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh (1945-2020)”; chỉ đạo biên soạn Biên niên sự kiện Trung đoàn 990. Ban Dân tộc tỉnh xuất bản sách “Lịch sử công tác dân tộc tỉnh Kon Tum (1930-2015)”. Liên đoàn Lao động tỉnh hoàn thành tái bản lịch sử truyền thống ngành tập 1, giai đoạn 1930-2000; triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn tập 2, giai đoạn 2000-2020. Trường Chính trị tỉnh bổ sung, tái bản sách “Lịch sử Trường Chính trị Kon Tum, giai đoạn 1954-2020”; Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai biên soạn sách “Lịch sử Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum (1968-2023)”; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai nghiên cứu, biên soạn lịch sử ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum (1945-2020). Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban biên soạn tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum cấp tiểu học, trung học. Các đơn vị Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã xây dựng Đề cương và đang tiến hành biên soạn, biên tập lịch sử truyền thống ngành, đơn vị.

Các huyện ủy, thành ủy đã tích cực chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn sách lịch sử đảng bộ cấp huyện, cấp xã và lịch sử truyền thống cách mạng. Đến nay, hầu hết các địa phương cấp huyện đã có từ 04-06 đơn vị cấp xã tiến hành nghiên cứu, biên soạn sách lịch sử đảng bộ; một số địa phương đang tiến hành nghiên cứu, biên soạn sách lịch sử đảng bộ cấp huyện, cấp xã và lịch sử lực lượng vũ trang huyện. Trong đó, một số đơn vị đạt và vượt chỉ tiêu đề ra tại Kế hoạch 73-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, như: Thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông, Đăk Hà, Sa Thầy...

Công tác sưu tầm, khai thác các nguồn tư liệu cũng được chú trọng. Từ năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Hội đồng giải mật mã tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ lịch sử Đảng bộ cấp tỉnh để phục vụ công tác nghiên cứu các tài liệu lưu trữ lịch sử Đảng. Đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động triển khai sưu tầm tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, tuyên truyền, giáo dục lịch sử trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn các địa phương, đơn vị sưu tầm, khai thác các nguồn tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử.

Nhìn chung, các cấp uỷ đã nhận thức đúng đắn và tích cực lãnh đạo triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ và lịch sử truyền thống của các đơn vị... Hầu hết các cấp ủy đã xem việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Một số cấp ủy đã đưa nội dung lãnh đạo việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử vào các nghị quyết, chương trình công tác để triển khai thực hiện; sử dụng đội ngũ cộng tác viên nguyên là cán bộ chuyên môn làm công tác lịch sử; tranh thủ ý kiến tham gia của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các đồng chí lão thành cách mạng... để tổ chức nghiên cứu, biên soạn lịch sử./.

Theo dangcongsan.vn