Thứ 2, 25/11/2024, 23:42[GMT+7]

Tục đánh cồng đêm 30 tết

Thứ 7, 21/01/2023 | 23:00:55
10,525 lượt xem
Quần thể chùa Hội (còn tên gọi là chùa Lạng hay chùa Phúc Thắng) và đền Thượng của làng Lạng, nay thuộc xã Song Lãng, huyện Vũ Thư vốn được xây dựng trên nền hành cung của vua Lý Thánh Tông. Đền Thượng thờ thiền sư Đỗ Đô, một quốc sư có danh vọng ở triều Lý và là tổ sư của giáo phái Hoàng Giang. Tương truyền tục đánh cồng vào đêm 30 tết Nguyên đán tại đền Thượng xuất hiện từ sau khi thiền sư Đỗ Đô qua đời và đã được duy trì đến tận ngày nay.

Theo các nguồn sử liệu, Đỗ Đô sinh năm 1042, tại phường Hoàng Giang, nay thuộc tỉnh Hải Dương. Năm 18 tuổi, xuất giá tu hành, sớm đắc đạo. Năm 1066, đỗ đầu khoa thi Bạch Liên ở Trung Quốc, về nước được Lý Thánh Tông mời tham gia triều chính. Khi hộ giá nhà vua đi tuần thú xuống vùng Bố Hải khẩu, Đỗ Đô đã tâu trình việc xây dựng hành cung ở trang Ngoại Lãng (làng Lạng), phía bên trái hành điện có viện đọc kinh sau là Phúc Thắng tự (chùa Hội). Với vai trò là một quốc sư tham gia công việc triều chính nhưng Đỗ Đô thường tu luyện tại viện đọc kinh ở Ngoại Lãng để hoằng dương Phật pháp với cương vị là giáo chủ giáo phái Hoàng Giang và tạo những tiền đề cho thiền phái Trúc Lâm ra đời.

Khi vua Lý Thánh Tông ốm nặng, biết mình không qua khỏi đã cho vời Thái tử Kiền Đức đến bên mà trăng trối: “Ta rất quý trọng bậc thượng nhân là giáo chủ Hoàng Giang phái, vừa có tài vừa có đức. Người ấy sẽ giúp con phụ chính, con phải mời người ấy làm bậc thầy, lấy lễ đối xử, không được sai lệnh trẫm”. Nói dứt lời, vua băng hà. Thái tử Kiền Đức lên ngôi Lý Nhân Tông, triều đình cử các quan đón Đỗ Đô từ Ngoại Lãng về triều giúp vua với vai trò một người thầy làm phụ chính. Tại đền Thượng còn lưu giữ được câu đối cổ tụng ca Đỗ Đô: Chiếm Bạch Liên khoa, Lý thế nhị tông suy thượng phụ/ Diễn Hoàng Giang phái, Trúc Lâm tam tổ nhận tiền sư. Nghĩa là: Đỗ đầu khoa Bạch Liên, hai vua Lý (Thánh Tông, Nhân Tông) suy tôn là bậc thượng phụ/ Diễn giảng giáo lý phái Hoàng Giang, ba vị tổ phái Trúc Lâm nhận ông là bậc thầy đi trước.

Ngoại Lãng là một trong những vùng đất cổ nhất của tỉnh Thái Bình đồng thời là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam vào thời Lý. Cho đến nay, nhiều lễ thức, tục lệ cổ xưa còn được dân làng Lạng duy trì nghiêm cẩn tại quần thể di tích chùa Hội và đền Thượng, trong đó có tục đánh cồng đêm 30 tết Nguyên đán tại đền Thượng.
Trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện nay chỉ duy nhất có đền Thượng của xã Song Lãng còn giữ được chiếc cồng cổ.

Tương truyền chiếc cồng đúc từ thời Lý đã bị giặc Minh cướp đi từ thế kỷ XV. Chiếc cồng hiện còn được đúc vào năm Quý Dậu (1693). Hình dáng và kích thước của chiếc cồng này không giống cồng của đồng bào Tây Nguyên mà mang dáng dấp loại cồng cổ của dân tộc Mường. Theo quan niệm từ cổ xưa thì cồng vừa là một loại pháp khí, nhạc khí dùng trong khoa cúng, vừa là lệnh cụ (dụng cụ phát lệnh), vừa là nhạc cụ trong diễn xướng dân gian.

Tục đánh cồng vào đêm 30 tết Nguyên đán hiện cũng chỉ còn thấy duy trì ở đền Thượng. Hàng năm, vào tối 30 tết Nguyên đán hầu như mọi người dân làng Lạng đều chờ đón tiếng cồng phát đi từ đền Thượng nơi thờ thiền sư Đỗ Đô với tâm trạng hồi hộp, cung kính và rạo rực niềm hy vọng về một năm mới.

Chuẩn bị vào thời khắc giao thừa, ông coi đền được ủy nhiệm của hội chủ đánh ba hồi cồng báo cho dân làng đến lễ Phật, lễ Thánh lấy lộc rồi về xông nhà. Vào thời điểm linh thiêng ấy, tiếng cồng vừa mang chức năng phát lệnh vừa là pháp khí biểu đạt ngôn ngữ của con người giao tiếp với tiên tổ, với thần linh và các đấng siêu nhiên để thể hiện ước vọng của mình, đồng thời cũng là để xua đuổi ma quỷ, giành lấy cuộc sống yên bình cho mỗi người, mỗi gia đình, gia tộc và cả cộng đồng làng xã.

Khi chuẩn bị đánh cồng, người coi đền phải thật tĩnh tâm, ăn mặc nghiêm trang, tay phải cầm dùi làm bằng gốc cây dứa dại, đứng bên giá treo cồng, miệng đọc thần chú. Câu thần chú khắc trên mặt cồng bằng chữ Hán. Phiên âm là:

Nguyện đả thử cồng thanh
Tam bảo tiền chứng minh
Tam hồi tam canh điểm
Bán dạ bán canh hành
Quần ma giải tẩu tán
Chúng quỷ tận bôn kinh
Bách thần lai hộ vệ
Đồng xã đắc an ninh
Nam vô thiên thủ thiên nhãn
Linh cảm ngũ bách danh
Quan Thế Âm Bồ Tát!

Nghĩa là:

Nguyện đánh tiếng cồng này
Chứng minh trước tam bảo
Canh ba đánh một hồi
Giữa canh nửa đêm đánh
Bọn ma đều tẩu tán
Lũ quỷ sợ chạy hết
Các thần đến hộ vệ
Toàn xã được an ninh
Nam vô thiên thủ thiên nhỡn
Linh cảm năm trăm đức Phật
Quan Thế Âm Bồ Tát!

Tục lệ cổ truyền đánh cồng đêm 30 tết Nguyên đán tại đền Thượng xã Song Lãng là một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo và chiếc cồng cổ này cũng là một bảo vật độc đáo của Thái Bình rất cần được gìn giữ.

Nguyễn Thanh