Thứ 4, 24/04/2024, 14:22[GMT+7]

Bước chuyển mình của giao thông Thái Bình

Chủ nhật, 22/01/2023 | 02:47:30
10,938 lượt xem
Ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, Thái Bình đã từng được coi như một ốc đảo, khó khăn trong thông thương và đi lại với các tỉnh lân cận. Thế nhưng những năm gần đây, xác định được tầm quan trọng, vai trò của “giao thông đi trước mở đường”, tỉnh Thái Bình đã có những bước đi, cách làm đột phá, sáng tạo, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhờ đó mạng lưới giao thông tại Thái Bình đã có những bước chuyển mình rõ rệt, phát triển một cách đồng bộ, hiện đại hơn, góp phần đưa “quê hương năm tấn” vươn lên trở thành tỉnh phát triển trong khu vực duyên hải Bắc Bộ.

Hoàn thiện hạ tầng giao thông “đối nội”

Những năm qua, tỉnh Thái Bình đã quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông “đối nội”. Trên cơ sở các tuyến đường cũ, tỉnh nâng cấp, cải tạo, mở rộng nhiều tuyến đường có ý nghĩa quan trọng để trở thành tỉnh lộ nhằm giúp kết nối và đẩy mạnh thông thương hàng hóa giữa các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 34 tuyến đường tỉnh, với tổng chiều dài trên 340km. Trong đó, có một số tuyến tỉnh lộ mới được nâng cấp như ĐT.452, đường 221A, ĐT.454 từ thành phố Thái Bình qua cầu Tịnh Xuyên đến huyện Hưng Hà, ĐT.455 (đường 216 cũ).

Bên cạnh đó, Thái Bình đã và đang hoàn thiện hệ thống trục giao quan trọng thúc đẩy sự phát triển của tỉnh như tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, tuyến đường từ thành phố đi cồn Vành, tuyến đường trục trong Khu kinh tế Thái Bình, đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình và một số tuyến giao thông quan trọng khác.

Hàng năm, các huyện, thành phố cũng quan tâm đầu tư nguồn ngân sách để tập trung cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông cơ sở. Cùng với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hàng nghìn ki-lô-mét đường giao thông nông thôn đã được nhà nước hỗ trợ xi măng để đổ bê tông, qua đó giúp việc đi lại, giao thương thuận tiện hơn, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt...

Đẩy mạnh phát triển giao thông đối ngoại

Hệ thống giao thông đối ngoại của Thái Bình được quan tâm đầu tư và từng bước phát triển mạnh mẽ trong khoảng 10 năm trở lại đây. Điều này được minh chứng qua các dự án có ý nghĩa quan trọng, tạo thế giao thông liên hoàn, phá thế ốc đảo vốn ngăn cách Thái Bình với các tỉnh, thành phố lân cận như cầu Tân Đệ, đường và cầu Thái Hà, đường 39, cầu Triều Dương, cầu Nghìn, cầu Hiệp, cầu La Tiến, cầu sông Hóa...

Một trong ba đột phá phát triển được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là ưu tiên xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, qua đó góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực.

Hạ tầng giao thông phát triển mạnh không chỉ tạo diện mạo mới cho tỉnh mà còn là động lực để Thái Bình trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, tạo thêm đà phát triển kinh tế - xã hội. Để Khu kinh tế Thái Bình với quy mô hơn 30.500ha tại khu vực ven biển của 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải sớm đi vào hoạt động, tỉnh đã và đang xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông, nhất là các tuyến giao thông kết nối giữa các trục giao thông đầu mối trong tỉnh và kết nối khu vực ven biển. Trong đó, tỉnh quy hoạch và huy động mọi nguồn lực đầu tư để xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình, hệ thống đường trục trong Khu kinh tế Thái Bình, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Khi những tuyến đường trên hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo ra hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối Khu kinh tế Thái Bình với các vùng kinh tế trọng điểm lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh.

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Mặc dù đã có nhiều đổi thay mạnh mẽ trong thời gian gần đây nhưng nhìn chung nhiều tuyến đường huyết mạch trong tỉnh có quy mô nhỏ hẹp, các tuyến đường mang tính kết nối vùng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chưa có các tuyến đường đáp ứng nhu cầu vận tải lớn, tốc độ cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát huy truyền thống “đi trước, mở đường”, trong thời gian tới, ngành giao thông vận tải sẽ tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đề ra, xứng đáng với truyền thống của ngành, góp phần thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh, đồng thời tạo lập vị thế mới cho Thái Bình trong thời kỳ hội nhập. Trong đó, ngành giao thông vận tải sẽ tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Tiếp tục phát triển vận tải hàng hóa, vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân...

Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh có tổng chiều dài trên 9.300km, trong đó quốc lộ 151km với 4 tuyến, 25 cầu; đường tỉnh dài trên 340km với 34 tuyến, 102 cầu, còn lại là đường huyện, đường đô thị, chuyên dùng; hệ thống đường giao thông nông thôn được xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải, đi lại của nhân dân.

Nguyễn Thơi