Thứ 5, 16/01/2025, 02:47[GMT+7]

Đồng bằng sông Hồng phải trở thành khu vực dẫn dắt nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng của đất nước

Chủ nhật, 12/02/2023 | 19:36:35
15,757 lượt xem
Đó là một trong những chỉ đạo của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng, diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh vào sáng ngày 12/2.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị.

Video: 120223-DONG_BANG_SONG_HONG_NEN_KINH_TE.mp4?_t=1676214635

Các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo đại diện một số bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng dự hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà điều hành hội nghị.

Về phía tỉnh Thái Bình, các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan, lãnh đạo các doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh dự hội nghị.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu dự hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị.  

Với chủ đề “Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và bền vững”, hội nghị đã triển khai các nội dung chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị với 21 mục tiêu, 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. 

Hội nghị cũng nghe đại diện một số bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham luận làm rõ thêm những tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương và đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của vùng. 

Đóng góp vào chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Thái Bình có tham luận về thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành các cụm liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng phân tích, chỉ rõ những tiềm năng, thế mạnh, thuận lợi và những khó khăn, hạn chế của các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng trong phát triển kinh tế - xã hội. Để cụ thể hóa, hiên thực hóa chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, bên cạnh thực hiện tốt các mục tiêu, nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã nêu trong chương trình hành động, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương vùng đồng bằng sông Hồng cần triển khai tốt một số nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải có những cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời, phát huy mạnh mẽ nguồn lực, kết hợp hài hòa giữa nội lực và ngoại lực, nguồn lực công và tư, phát huy cao độ tính tự lực, tự cường. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, liêm chính, dân chủ, hành động thiết thực, hiệu quả, hiệu lực, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó. Cả nước vì đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng cả nước và vì cả nước. Các địa phương phải xây dựng chương trình hành động của mình, tập trung xây dựng thể chế, chính sách liên kết vùng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế biển; nhiệm vụ của vùng là phải dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại ngành công nghiệp, nông nghiệp phù hợp với lợi thế, cơ hội, sức mạnh cạnh tranh. Về quốc phòng, an ninh phải giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường trấn áp các loại tội phạm, chủ động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng. Quốc phòng phải xây dựng phòng thủ vững chắc, kinh tế phải xây dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh. Chúng ta phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Về xúc tiến đầu tư, Thủ tướng gợi mở các bộ, ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối; tích cực hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; có cơ chế ưu tiên; có thái độ bình đẳng, thể hiện tư tưởng chỉ đạo lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, luôn luôn lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư...

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận,  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh  trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Compal (Việt Nam). 

 Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty ET Solar Power HongKong Limited.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý.

Tại hội nghị, Thủ tướng và các đại biểu đã chứng kiến lễ công bố và trao các Quyết định Quy hoạch cho tỉnh Quảng Ninh; công bố Thỏa thuận hợp tác/Thư bày tỏ quan tâm tài trợ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đối tác phát triển; trao 18 chứng nhận đầu tư, 4 quyết định chủ trương đầu tư và 4 biên bản ghi nhớ với tổng số vốn đầu tư khoảng 148 nghìn tỷ đồng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư gồm: Công ty TNHH Compal (Việt Nam) với dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gia công linh kiện điện tử, linh kiện máy tính, thiết bị thông minh, tổng mức đầu tư 6.467 tỷ đồng; Công ty ET Solar Power HongKong Limited với dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tấm bán dẫn Silic tinh thể dùng để sản xuất tấm tế bào quang điện, tổng mức đầu tư 3.490,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý với dự án đầu tư nhà máy kéo sợi công nghệ cao công suất 15.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 736,69 tỷ đồng.

Khắc Duẩn