Chủ nhật, 05/05/2024, 22:18[GMT+7]

Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) Văn kiện mang tầm vóc cương lĩnh về văn hóa

Thứ 6, 17/02/2023 | 10:33:58
10,591 lượt xem
Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), Báo Thái Bình thực hiện loạt bài (đăng tải các số chủ nhật và thứ tư hàng tuần) nhằm ôn lại ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương văn hóa; quá trình vận dụng, phát triển những nội dung cốt lõi của văn kiện, từ đó phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tháng 2/1943, Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội). Ảnh tư liệu

Năm 1943, trong bối cảnh tình hình thế giới, Đông Dương cũng như trong nước đang diễn ra căng thẳng, Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo ra đời, đáp ứng yêu cầu của lịch sử, mang tính định hướng cho việc xây dựng một nền văn hóa mới, được xem như “cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa”. Trải qua chặng đường 80 năm, những định hướng cơ bản về tư tưởng, nội dung và những nguyên tắc của nền văn hóa mới vẫn còn mang ý nghĩa lớn, góp phần tạo sức mạnh, nguồn lực nội sinh để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Bối cảnh ra đời

Trong bối cảnh chiến tranh thế giới lần thứ hai đang lan rộng và ngày càng ác liệt, ở Việt Nam, tình hình kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa - xã hội rất phức tạp, mâu thuẫn giai cấp và dân tộc ngày càng sâu sắc. Nhân dân ta nói chung, trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên yêu nước nói riêng đã đứng lên đấu tranh chống lại phát xít Nhật và thực dân Pháp, đòi lại quyền tự do, độc lập cho dân tộc. Tuy nhiên, thực dân Pháp đã cấu kết với bè lũ tay sai, dùng các thủ đoạn dã man, tàn ác, kể cả thủ đoạn “trói buộc văn hóa và giết chết văn hóa Việt Nam” để thực hiện mưu đồ xâm lược. Vì vậy, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa giữa các lực lượng yêu nước với phát xít Nhật và thực dân Pháp diễn ra rất quyết liệt và gay gắt. Tại Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng từ ngày 25 - 28/2/1943, Đảng ta nhận định: Trong lúc này, Đảng cần phải có các tổ chức và đội ngũ cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hóa để gây dựng và thúc đẩy phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc nhằm chống lại văn hóa phong kiến bảo thủ, lạc hậu, đoàn kết các nhà văn hóa, trí thức...

Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời trong bối cảnh đó đã đáp ứng được yêu cầu tập hợp đội ngũ trí thức để chống phát xít Nhật, thực dân Pháp. Nội dung tổng thể của Đề cương bao gồm 5 vấn đề lớn: Cách đặt vấn đề; Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam; Nguy cơ văn hóa dưới ách phát xít Nhật - Pháp; Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam; Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mácxít Việt Nam.

Mỗi vấn đề bao gồm những nội dung cơ bản được trình bày ngắn gọn, súc tích, gắn quyện với nhau để chỉ ra ở Việt Nam tất yếu phải tiến hành cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa. Ngay trong phần đầu tiên, Đề cương khẳng định: “Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”. Trong phần “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam”, Đề cương định hướng: “Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung. Chính vì thế nó cách mạng nhất và tiến bộ nhất ở Đông Dương trong giai đoạn này”. Đây là văn kiện đầu tiên Đảng ta trình bày rõ ràng những quan điểm cơ bản của mình về văn hóa, về vị trí của văn hóa trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc, về sự tất yếu phải tiến hành cách mạng tư tưởng - văn hóa.

Ba nguyên tắc bao trùm nền văn hóa mới

Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 xác định 3 nguyên tắc cuộc vận động văn hóa trong giai đoạn này: dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ). Ba nguyên tắc kể trên đã vạch ra những đường hướng cơ bản cho một nền văn hóa mới ở mục tiêu phải đạt đến, tính chất phải có và những nội dung cơ bản với mục đích chính trị là tham gia trực tiếp vào một cuộc cách mạng xã hội đang chuẩn bị đến thời kỳ cao trào. Đề cương khẳng định: “Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm...”. Có thể thấy, ba nguyên tắc trên là sự trả lời đúng đắn và kịp thời cho các nhu cầu cấp thiết nổi lên trong một thời điểm trọng đại của lịch sử. Dân tộc, đại chúng, khoa học đã trở thành tính chất, đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam -  nền văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc, giàu bản sắc do nhân dân sáng tạo với khát vọng không ngừng hướng đến tiến bộ, văn minh.

Cho đến ngày nay, những phương châm dân tộc, đại chúng, khoa học vẫn mang tính chất đúng đắn. Trải qua bao thăng trầm, con đường trở về với truyền thống di sản của ông cha, gắn bó chặt chẽ với đời sống nhân dân, mang tư tưởng tiến bộ, khoa học là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho văn hóa dân tộc phát triển. Thái độ nhất quán và những nguyên tắc của Đảng về một nền văn hóa mới đã đáp ứng được những yêu cầu của cuộc cách mạng xã hội vì dân tộc, vì nhân dân. Coi văn hóa là một trong ba mặt trận, trong Đề cương khẳng định “Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội” đã cho thấy nhìn nhận đúng đắn của Đảng đối với văn hóa dân tộc.
Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 mang sứ mệnh lịch sử đặc biệt. Bởi, ở bất cứ giai đoạn nào, nền văn hóa vì dân tộc, nhân dân, mang nhãn quan khoa học cũng luôn có sức hút, khả năng quy tụ, tập hợp những trí thức tâm huyết với đất nước.

Thanh Hằng

(Tổng hợp)