Thứ 6, 22/11/2024, 03:24[GMT+7]

“Ánh sáng” của người khiếm thị

Thứ 7, 18/02/2023 | 11:44:38
7,126 lượt xem
Vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm là chương trình có ý nghĩa thiết thực đối với các đối tượng yếu thế nói chung, người khiếm thị nói riêng. Sau 30 năm triển khai thực hiện chương trình (1992 - 2022), nhiều người khiếm thị trên địa bàn tỉnh đã có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nguồn vốn vay từ quỹ quốc gia về việc làm đã giúp gia đình ông Nguyễn Ngọc Thắm, xã Thụy Liên (Thái Thụy) phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Trao “cần câu”...
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Ngọc Thắm, xã Thụy Liên (Thái Thụy) có hoàn cảnh rất khó khăn. Cả hai vợ chồng ông đều là người khiếm thị, cuộc sống của gia đình bữa đói bữa no. Quyết tâm không là gánh nặng cho vợ con dù đã mất đi ánh sáng, năm 1998, ông Thắm đã vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi. Ông Thắm chia sẻ: Từ ngày được vay vốn, tôi đã đầu tư chăn nuôi ngay trên mảnh đất của gia đình mình. Con trai tôi cũng không phải đi làm thuê xa nhà mà ở nhà tăng gia sản xuất cùng tôi. Sau lần vay vốn đầu tiên sản xuất hiệu quả, với sự giúp đỡ của Hội Người mù huyện Thái Thụy, gia đình tôi được tạo điều kiện vay vốn trong những năm tiếp theo. Từ số vốn vay của quỹ quốc gia về việc làm và tích góp của gia đình, năm 2015, gia đình tôi đã mở rộng trang trại rộng hơn 1ha. Hiện tại, gia đình tôi nuôi hơn 20 con bò, 5 con dê, 20 cặp chim bồ câu, hơn 10 con lợn và thả cá. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu lãi khoảng 100 triệu đồng từ mô hình trang trại, có của ăn của để, kinh tế ổn định.

Cũng như gia đình ông Thắm, nhờ chương trình vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm, chị Bùi Thị Thơi, thành phố Thái Bình đã mạnh dạn mở cơ sở dịch vụ tẩm quất, phát triển kinh tế. Chị Thơi bộc bạch: Biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn nên Hội Người mù thành phố đã hỗ trợ cho vay vốn từ nguồn quỹ với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế. Giờ đây, kinh tế gia đình tôi rất ổn định, cơ sở dịch vụ tẩm quất của tôi tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động là người khiếm thị.

Những năm qua, không chỉ có gia đình ông Thắm, chị Thơi mà nhiều người khiếm thị trên địa bàn tỉnh ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay của quỹ quốc gia về việc làm. Có vốn, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư làm trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, tiêu biểu như ông Lại Hồng Điều (Vũ Thư), ông Trần Thăng Mẫn (Hưng Hà), ông Phạm Văn Tân (Tiền Hải)... thu lãi mỗi năm từ 70 - 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, một số hội viên trẻ tuổi sau khi được học nghề tẩm quất đã mạnh dạn mở cơ sở dịch vụ, tạo việc làm cho nhiều người khiếm thị, thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, tiêu biểu như anh Phạm Ngọc Khuê, Phạm Văn Cường (Kiến Xương); chị Nguyễn Thị Tiến (Đông Hưng)...

...tạo cơ hội đổi đời
Ông Bùi Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: Hiệu quả của chương trình vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm dành cho người khiếm thị là rất lớn. Nhờ nguồn vốn này, kinh tế của gia đình người khiếm thị không chỉ phát triển, mà tư duy, nhận thức của người khiếm thị đã có nhiều thay đổi, không trông chờ ỷ lại như trước đây. Có vốn, người khiếm thị làm ra của cải vật chất, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội. Từ đó, đời sống của người khiếm thị được cải thiện, nhiều người xóa được đói, giảm được nghèo và vươn lên có cuộc sống ngang với mức sống trung bình của người dân địa phương.

Hội Người mù tỉnh hiện có 2.376 hội viên với 217 chi hội, trong đó 9,5% hội viên thuộc diện hộ nghèo, 8,5% hội viên thuộc diện hộ cận nghèo. Những năm qua, các cấp hội đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình để chăm sóc, giúp đỡ hội viên, đặc biệt là những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, trong đó hỗ trợ vốn vay cho người khiếm thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong 30 năm (1992 - 2022), các cấp hội đã phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội, các đơn vị cho vay vốn lập 480 dự án cho 13.737 lượt người vay với số vốn quay vòng là hơn 36,2 tỷ đồng. Tất cả các dự án đều được giải ngân nhanh gọn và thu hồi vốn đúng kỳ hạn, không có vốn thất thoát, tồn đọng.

Để bảo đảm nguồn vốn đến tận tay người khiếm thị, các cấp hội đã đến tận nhà hội viên để khảo sát, hướng dẫn cách thức vay vốn, đồng thời mở các lớp tập huấn để tư vấn cho hội viên cách sử dụng đồng vốn hiệu quả. Thường xuyên phổ biến những quy định, điều kiện, mục đích vay vốn tới từng hội viên. Theo dõi, nhắc nhở người vay sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc người vay trả vốn đúng thời hạn. Ông Bùi Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết thêm: Để tiếp tục thực hiện tốt chương trình vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm cho người khiếm thị, các cấp hội người mù trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa và mục tiêu của chương trình với phương châm: Giáo dục, động viên người khiếm thị vươn lên dựa vào sức mình là chính, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, ngành và chính quyền địa phương. Tiếp tục điều tra, khảo sát tình hình đời sống và nhu cầu vay vốn của hội viên. Phối hợp chặt chẽ với ngành lao động - thương binh và xã hội, các đơn vị cho vay vốn tạo điều kiện thuận lợi để người khiếm thị vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, bảo đảm 100% hội viên trong độ tuổi lao động có nhu cầu được vay vốn. Kịp thời biểu dương, tôn vinh những tấm gương hội viên làm kinh tế giỏi từ nguồn quỹ. Quỹ quốc gia về việc làm đã trở thành “ánh sáng” của người khiếm thị, giúp người khiếm thị xóa bỏ tự ti, cải thiện cuộc sống, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thu Hoài