Chủ nhật, 30/06/2024, 03:12[GMT+7]

Lửa thử vàng...

Chủ nhật, 26/02/2023 | 20:32:56
13,992 lượt xem
Năm 2023 dự báo sẽ có nhiều cơ hội và cả những thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp. Ngay từ những tháng đầu năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 6/2/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và với tinh thần xung kích, sáng tạo, các doanh nhân Thái Bình quyết tâm vươn lên hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.

Sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại Tấn Thành (khu công nghiệp Phúc Khánh, thành phố Thái Bình).

Trước những khó khăn

Đến thăm Công ty TNHH Thương mại Tấn Thành (khu công nghiệp (KCN) Phúc Khánh, thành phố Thái Bình) - doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp xe máy điện, những ngày này không khí sản xuất, kinh doanh luôn hối hả. 

Ông Phạm Đình Phú, Phó Giám đốc Công ty chia sẻ: Từ đầu năm đến nay chúng tôi nỗ lực duy trì sản xuất bảo đảm việc làm cho hơn 100 lao động. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn về tuyển dụng lao động; sức mua thị trường giảm, lãi suất ngân hàng tăng cao khiến hoạt động đầu tư phát triển của doanh nghiệp bị chậm lại.

Không riêng doanh nghiệp Tấn Thành, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực như may mặc, vật liệu xây dựng, cơ khí, chế biến nông sản... cũng phải đối diện với không ít khó khăn. 

Ông Hà Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc cho biết: Với các doanh nghiệp chế biến gạo như chúng tôi hiện đang gặp hai trở ngại lớn là giá cả biến động lớn khó cho việc đặt hàng thu mua nguyên liệu; số lượng và chất lượng thóc của các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu để chế biến xuất khẩu.

Còn ông Nguyễn Quốc Phòng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu cho biết: Thị trường bất động sản trầm lắng, nhu cầu tiêu dùng vật liệu xây dựng giảm nên sức tiêu thụ của thị trường ngành hàng gốm, sứ rất chậm. Thêm vào đó, Trung Quốc mở cửa hàng hóa thông quan biên giới, nguy cơ gian lận thương mại xảy ra tạo áp lực kinh doanh cho doanh nghiệp gốm sứ trong nước.

Thực tế từ đầu năm 2023 đến nay những khó khăn ập đến khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng rõ rệt. Trong tháng 1, ước tính chỉ số công nghiệp của tỉnh giảm 14,6%, giá trị sản xuất công nghiệp giảm 22,2%, kim ngạch xuất khẩu giảm tới hơn 30% so với tháng 12/2022.

Vàng không sợ lửa

Khó khăn là vậy nhưng cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình không chùn bước, vẫn đặt quyết tâm tăng trưởng trong năm 2023. Với Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu, Công ty đề ra chủ trương giữ vững sản xuất sứ vệ sinh, sứ dân dụng, tập trung phát triển mạnh sứ mỹ nghệ. 

Ông Nguyễn Quốc Phòng, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Năm 2023, bên cạnh tiếp tục đầu tư đổi mới máy móc, công nghệ, nâng cao năng suất và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, chúng tôi cũng đầu tư mở rộng dự án sản xuất sứ mỹ nghệ cao cấp. Đây chính là giải pháp để Công ty đa dạng hóa thị trường góp phần tăng doanh thu đạt mục tiêu tăng trưởng từ 20% trở lên trong năm 2023.

Còn ông Phạm Đình Phú, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tấn Thành cho biết: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023, Công ty đã chuẩn bị tuyển dụng lao động, đàm phán với các tổ chức tín dụng bảo đảm đủ nguồn vốn, làm việc với nhà cung cấp bảo đảm nguyên liệu đầu vào sản xuất. Vấn đề chăm sóc khách hàng, thị trường đầu ra, chương trình khuyến mại, marketing và nghiên cứu cải tiến mẫu mã sản phẩm cũng được Công ty tích cực triển khai.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn bủa vây, muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng, các doanh nghiệp không còn con đường nào khác ngoài chủ động có chiến lược, giải pháp cụ thể, căn cơ. 

Ông Vũ Mạnh Hoàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Để thích ứng với tình hình mới, mỗi doanh nghiệp phải cơ cấu lại từ mô hình quản trị, sắp xếp nhân sự tới đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ 4.0, gắn sản xuất với mở rộng thị trường. Điều đáng mừng là thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình được các đồng chí lãnh đạo tỉnh quan tâm động viên, khích lệ, lắng nghe, nắm bắt những khó khăn và có chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ cho doanh nghiệp về đầu tư, sản xuất, giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư..., tạo niềm tin và động lực cho doanh nghiệp vươn lên.

Chi nhánh Công ty TNHH Toyoda Gosei Hải Phòng tại Thái Bình tập trung đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu trong quý I năm 2023.

Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu GRDP tăng từ 11% trở lên; giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,2% trở lên, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng từ 16,5% trở lên, giá trị thương mại, dịch vụ tăng 7% trở lên so với năm 2022. Mục tiêu đặt ra là rất lớn và nặng nề nhưng với khí thế thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ngay những tháng đầu năm, sự đồng hành, chia sẻ của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở, mỗi doanh nhân Thái Bình đang vững tay chèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua sóng cả, tin tưởng những mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023 sẽ sớm đạt được.

Khắc Duẩn