Chủ nhật, 19/05/2024, 07:41[GMT+7]

Y tế Thái Bình không ngừng đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng dịch vụ

Thứ 2, 27/02/2023 | 08:27:41
1,825 lượt xem
Năm 2022 là năm ngành y tế Thái Bình tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp những tháng đầu năm, sự gia tăng một số bệnh không lây nhiễm và tình trạng thiếu, gián đoạn thuốc, vật tư y tế. Song, với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, mục tiêu phòng dịch, kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch chồng dịch; phục hồi, duy trì, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác phòng, chống khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Những tháng đầu năm 2022, không chỉ riêng Thái Bình, số ca mắc Covid-19 mới, ca nhập viện, ca nặng đều gia tăng ở các tỉnh, thành phố. Trước bối cảnh ấy, cả hệ thống chính trị và nhân dân các địa phương trong tỉnh đã tích cực vào cuộc, đồng lòng, quyết tâm phòng, chống dịch. Với vai trò của mình, ngành y tế đã kịp thời tham mưu các văn bản, kịch bản chống dịch Covid-19, tập trung mọi nguồn lực chủ động cho công tác phòng, chống dịch bệnh; bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản ứng phó, tiến hành truy vết, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, bảo đảm tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị, cách ly người bệnh theo đúng quy định. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn, các điểm tiêm cố định và lưu động được thiết lập phù hợp với từng đơn vị, địa phương, doanh nghiệp. Cán bộ y tế cũng không quản ngày nghỉ, lễ, tết để tiêm vắc-xin cho người dân. 57 đợt tiêm với hơn 4,3 triệu mũi tiêm đã được thực hiện. Nhờ đó, dịch Covid-19 được kiểm soát, số ca tử vong do Covid-19 tại Thái Bình thấp hơn bình quân ca nước (tỷ lệ tại Thái Bình là 0,026%, trong khi tỷ lệ tử vong do Covid-19 bình quân cả nước là 0,4%).

Cùng với Covid-19 là sự tái nổi của một số bệnh truyền nhiễm (sốt xuất huyết, tay chân miệng...) và sự xuất hiện của một số bệnh mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp không rõ nguyên nhân). Không để dịch chồng dịch, toàn ngành tiếp tục chủ động triển khai phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo mùa và các bệnh nguy hiểm với mục tiêu phát hiện sớm, khống chế kịp thời, không để dịch lớn xảy ra, giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong. Trong năm, dù số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não virus tăng song ca mắc đều được phát hiện, điều trị kịp thời.

Các chương trình y tế mục tiêu như: phòng, chống phong, lao, tiêm chủng mở rộng, sức khỏe sinh sản, truyền thông giáo dục sức khỏe... đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao đạt 95,6%; khám lồng ghép mới cho hơn 1,1 triệu lượt người, không phát hiện bệnh nhân phong mới. Quản lý và điều trị hơn 6.560 bệnh nhân tâm thần xã hội tại cộng đồng... Công tác dân số; an toàn thực phẩm được thực hiện hiệu quả. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,5%. Trong năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm, xử phạt đối với các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm cũng đã kiểm tra giám sát theo chức năng nhiệm vụ. Cùng với đó, mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố. Hiện 12 bệnh viện đa khoa huyện, 8 trung tâm y tế và 260 trạm y tế sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống trong khám, điều trị và phòng, chống dịch bệnh. Hệ thống phòng khám tư nhân, nhà thuốc, dịch vụ y tế tư nhân cũng phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng hoạt động.

Khi dịch bệnh được kiểm soát, số lượng bệnh nhân khám, điều trị tăng cao, ngành y tế lại phải đối mặt với tình trạng thiếu, gián đoạn thuốc, vật tư y tế. Khó chồng khó, song với sự nỗ lực của toàn ngành, chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế không ngừng nâng lên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh. Năm 2022, các chỉ số khám chữa bệnh thường quy tăng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, tổng số lượt người bệnh khám bệnh tăng 16,9%; số lượt người bệnh điều trị nội trú tăng 17,2%; công suất sử dụng giường bệnh kế hoạch tăng 13,9%; số ca phẫu thuật tăng 7,1% so với năm 2021. Công tác cấp cứu, khám chữa bệnh luôn được duy trì thực hiện nghiêm túc, hiệu quả ở tất cả các tuyến, cứu sống nhiều ca bệnh nguy hiểm, bảo đảm an toàn cho người bệnh, không để xảy ra các sự cố y khoa nghiêm trọng. Mạng lưới khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, phục hồi chức năng tiếp tục ổn định, phát triển. Hiện 221/260 trạm y tế tổ chức khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. 178/260 trạm y tế đạt chuẩn và 39 trạm y tế đạt tiên tiến về y học cổ truyền.

Nhiều bệnh viện đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, các bệnh viện tiếp tục đổi mới toàn diện phong cách, tinh thần, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá. Ngoài kỹ thuật thường quy, nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu được triển khai thực hiện như: chụp, nong động mạch vành bằng bóng; phẫu thuật giải phóng thần kinh ngoại biên; phẫu thuật nội soi cắt đoạn ruột non; phẫu thuật điều trị gãy Lefort II bằng nẹp vít tự tiêu, chụp cộng hưởng từ các bó sợi thần kinh; đóng lỗ thông mũi miệng trên trẻ có khe hở môi vòm miệng... Bên cạnh đó, ngành y tế cũng chú trọng, thực hiện hiệu quả công tác đào tạo phát triển nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chẩn đoán, điều trị, xã hội hóa y tế, phối hợp bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án thuộc ngành y tế, hợp tác quốc tế lĩnh vực y tế... Các thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh được đơn giản tối đa, giảm thiểu thời gian chờ đợi của người bệnh. Chuyển đổi số được quan tâm phát triển; đời sống vật chất, tinh thần, chế độ chính sách của cán bộ, viên chức, người lao động được bảo đảm.  

Năm 2023, với chủ đề “Trách nhiệm - Kỷ cương - Đẩy mạnh khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số - Bứt phá đi lên”, ngành y tế tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục thực hiện tốt các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ. Chủ động và tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công vụ, các mặt, lĩnh vực công tác của ngành. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân và xử lý khiếu nại, tố cáo. Có những giải pháp quyết liệt để khắc phục những nội dung còn tồn tại của năm 2022. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng sự hài lòng của người dân. Tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính trong y tế. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, khám chữa bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, dân số và các chương trình y tế mục tiêu. Ứng dụng khoa học kỹ thuật, triển khai mạnh mẽ việc chuyển đổi số nhằm hiện đại hóa, đồng bộ hệ thống dữ liệu toàn ngành để quản lý toàn diện các lĩnh vực. Thực hiện nghiêm túc việc quản lý tài chính, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tổ chức tốt công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường công tác chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, phát hiện, bồi dưỡng và tổng kết điển hình tiên tiến, quan tâm những cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ và người lao động trực tiếp. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy ngành; tuyển dụng nhân lực phù hợp; tham mưu cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, nhất là bác sĩ về công tác tại y tế cơ sở, y tế dự phòng, các vị trí đặc thù khó tuyển để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, thay mặt lãnh đạo ngành xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới cán bộ, nhân viên y tế trong tỉnh. Dù công tác ở lĩnh vực nào, ở đâu, cương vị gì... cũng luôn tự hào về truyền thống tốt đẹp của ngành, xứng đáng với sự trân trọng và tôn vinh của xã hội: “Thầy thuốc như mẹ hiền”.

Phạm Quang Hòa
Giám đốc Sở Y tế Thái Bình

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày