Thứ 4, 22/05/2024, 00:47[GMT+7]

Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam ( 1943 - 2023) Hướng về nền văn học nghệ thuật dân tộc, khoa học, đại chúng

Thứ 4, 01/03/2023 | 08:03:08
10,253 lượt xem
Trong các giai đoạn chiến tranh cam go, khốc liệt, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Thái Bình được thành lập. Từ đó tới nay, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà luôn miệt mài, nỗ lực bám sát thực tế sinh động của cuộc sống để sáng tạo những tác phẩm mang tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc, hun đúc nên bản lĩnh, khí phách, tâm hồn con người Thái Bình, góp phần xây dựng tỉnh Thái Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc “Thái Bình đất tỏa danh hương” tại lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam, tháng 12/2020.

Nền tảng để giới văn nghệ sĩ tìm thấy cảm hứng sáng tạo

Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Thường vụ Trung ương tháng 2/1943 được xem là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam. Suốt 80 năm qua, những nội dung, giá trị cốt lõi của văn kiện đã được Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng và phát triển. Đây cũng là nền tảng để giới văn nghệ sĩ, trí thức tìm thấy cảm hứng sáng tạo.

Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh nhân dân Việt Nam khi ấy chịu cùng lúc “một cổ ba tròng” (thực dân Pháp, phát xít Nhật và chế độ phong kiến thuộc địa). Cả về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa đều chìm trong tình trạng nô dịch, người dân lao động bị bóc lột, bị áp đặt chính sách “ngu dân” nên hơn 95% dân số mù chữ, đời sống tinh thần hết sức nghèo nàn, bị đầu độc bởi văn hóa thực dân và phát xít... Trước tình cảnh đó, Đảng ta nhận thức rằng không thể làm cách mạng chính trị mà không quan tâm tới cách mạng văn hóa. Phải làm thế nào để khơi dậy động lực phát triển của dân tộc - tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự cường dân tộc. Vì vậy, văn hóa như một bộ phận quan trọng của cách mạng và sự nghiệp phát triển văn hóa ấy phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tiếp nhận Đề cương về văn hóa của Đảng với 3 nguyên tắc: dân tộc, khoa học, đại chúng, dòng văn học yêu nước và cách mạng phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Qua các kỳ đại hội Đảng toàn quốc, các nghị quyết luôn dành nội dung thỏa đáng để đánh giá và chỉ rõ đường lối phát triển của văn hóa văn nghệ. Ngoài ra còn có những nghị quyết, chỉ thị cụ thể về lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Trong các nghị quyết của Đảng, quan điểm chỉ đạo phát triển văn học nghệ thuật luôn được Đảng khẳng định: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Hòa trong dòng chảy văn học nghệ thuật của đất nước, hơn 50 năm sáng tạo và phát triển, văn học nghệ thuật Thái Bình đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, tích cực tìm tòi, có bước đổi mới về phương pháp; bám sát và phản ánh chân thực cuộc sống, thực tiễn đấu tranh cách mạng, xây dựng quê hương, đất nước; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân dân. Tỉnh Thái Bình luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho văn học, nghệ thuật phát triển; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển văn học nghệ thuật; đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, duy trì hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Qua các kỳ tổ chức, giải thưởng Lê Quý Đôn đã tôn vinh những văn nghệ sĩ tiêu biểu trong sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật của tỉnh.

Nỗ lực trên hành trình sáng tạo, cống hiến

Bám sát 3 nguyên tắc: dân tộc, khoa học, đại chúng, các văn nghệ sĩ Thái Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, lao động sáng tạo, dùng ngòi bút, tác phẩm và trái tim yêu nước làm vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ đã có sức cổ vũ, lay động trái tim bao người yêu văn học trong và ngoài tỉnh. Những kịch bản sân khấu cùng những vai diễn, nhân vật lịch sử... gắn liền với tên tuổi của nhiều nghệ sĩ quê lúa đã đến với hàng triệu lượt khán giả, thính giả trong và ngoài nước. Ở mỗi chuyên ngành, lĩnh vực, các hội viên Hội Văn học Nghệ thuật, Nhà hát Chèo đều bám sát thực tiễn, đem hết khả năng, lòng say mê, nhiệt huyết trong sáng tạo để kết tinh thành những tác phẩm nghệ thuật sâu sắc phản ánh cuộc sống chiến đấu, lao động vô cùng lớn lao của người Thái Bình, của dân tộc qua các thời kỳ lịch sử; tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận nhân dân để từ đó giúp con người nhận ra ý nghĩa của cuộc sống, để sống có ý nghĩa hơn.

NSND Văn Mởn, Chi hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: Nhớ ngày đầu khi Hội được thành lập, đội chèo chúng tôi là lực lượng nòng cốt trong việc nâng cao phong trào văn hóa văn nghệ tại các địa phương. Các nghệ sĩ hăng say cống hiến sức mình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra. Giờ đây lớp thế hệ gạo cội của ngày ấy lại ra sức đào tạo lớp trẻ. Niềm vui là nhiều nghệ sĩ trẻ yêu nghề, đam mê với nghề, đã sở hữu những giải thưởng danh giá của toàn quốc, nhiều người đã trở thành nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân.

Tiến sĩ Trần Hồng Hoa, Chi hội Văn nghệ dân gian, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết: Chi hội Văn nghệ dân gian đã có những đóng góp không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Thái Bình thông qua hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian, khẳng định được giá trị đặc sắc của mảnh đất và con người Thái Bình. Nhiều hội viên của Chi hội có cống hiến lớn, được tặng thưởng nhiều huân chương, phần thưởng cao quý. Từ thành tựu của hoạt động văn nghệ dân gian trong những thập niên qua đã cho thấy di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Thái Bình vô cùng phong phú, đa dạng.

Đưa nghệ thuật đến gần các tầng lớp nhân dân.

Phát huy những thành tựu đã đạt được, từ tiền đề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành văn hóa, văn học nghệ thuật đang tận dụng tối đa những phương thức biểu đạt mới và hiện đại. Từ đây, không ít giải thưởng nghệ thuật của quốc tế đã xướng tên văn nghệ sĩ Thái Bình, trong đó phải kể tới Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh với nhiều giải thưởng quốc tế trong năm 2022. 

Nghệ sĩ Nguyễn Phục Anh, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh chia sẻ: Những năm qua, các nghệ sĩ của Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh luôn nỗ lực tham gia các chuyến thực tế sáng tác trong tỉnh và đến các vùng miền trên cả nước. Trung bình hàng tháng chúng tôi đều có 2 - 3 chuyến thực tế sáng tác trong tỉnh. Đây vừa là cơ hội để tất cả hội viên cùng trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ vừa là dịp làm phong phú thêm những tác phẩm chất lượng về các địa danh, điểm đến, đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. Phần nhiều tác phẩm gửi tham dự các cuộc thi trong nước và quốc tế của hội viên đều là những khoảnh khắc dung dị, đời thường về cuộc sống và con người Thái Bình.

Nỗ lực hướng tới nền văn học nghệ thuật dân tộc, khoa học, đại chúng, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân, các văn nghệ sĩ Thái Bình hôm nay khắc ghi lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam: “Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai”.

Thanh Hằng