Thứ 7, 14/12/2024, 13:38[GMT+7]

Nỗi đau của hai người cha

Thứ 5, 12/08/2010 | 07:46:03
207,720 lượt xem
Từ khi vụ án "cắt cổ người tình" xảy ra và ngay cả trong phiên tòa này, họ ở 2 tuyến: một bên là gia đình bị cáo, kẻ gây cái ác, một bên là đại diện cho người đã bị sát hại. Họ đều mất đi đứa con, núm ruột yêu thương của mình. Nhưng trong nỗi xót xa ấy, họ vẫn đối mặt với nhau bằng sự hiểu biết, bằng tình người. Và chúng tôi, cũng cố gắng hết sức, đưa họ xích lại gần nhau với sự cảm thông…

Hai người cha chia sẻ nỗi đau tại phiên tòa.

Ngay trước phiên tòa diễn ra, ông Nguyễn Đức Hùng, bố của bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa đã được tiếp xúc để tạ lỗi với ông Nguyễn Văn Ba, bố của nạn nhân Nguyễn Phương Linh. Đây là cơ hội mà ông Hùng đã chờ đợi trong nỗi day dứt nhiều ngày nay. Ông Hùng kể rằng, ông đã gửi thư xin tạ lỗi với gia đình ông Ba (Báo CAND đã trích đăng bức thư này) nhưng không thấy gia đình ông Ba hồi âm.

Ông cũng đã lên Hà Nội để nhờ mọi người đưa đến nhà ông Ba tạ lỗi rồi lại không dám. Đến 49 ngày của Linh, ông lại gửi thư và lễ đến thắp hương cho Linh thì nhận được thư hồi âm của ông Ba. Có lẽ vì nỗi đau mất con quá lớn nên ông Ba vẫn chưa thể chấp nhận được sự chia sẻ của gia đình bị cáo. Ông đã gửi lại lễ thắp hương của ông Hùng và những câu từ chối dứt ruột của người cha mất con. Ông nói rằng trái tim sói đã ẩn chứa trong con người của Nguyễn Đức Nghĩa, đó một phần là do sự giáo dục lệch lạc của gia đình…

Nhận được những dòng thư này, ông Hùng đau đớn lắm. Nhưng ông hiểu rằng, tội ác do con ông gây ra, trời còn không dung, đất còn không tha, nói chi đến trái tim người cha đang đau đớn vì mất con. Sáng hôm xử án, từ 5h, hai vợ chồng ông Hùng cùng hơn chục người trong gia đình đã từ Hải Phòng lên để kịp dự phiên tòa với hy vọng được một lần cuối nhìn thấy con.

Tuy nhiên, chỉ có ông và vợ, cùng chị gái Nghĩa được cho phép vào dự phiên tòa. Khi thấy Nghĩa được dẫn giải ra, ông và vợ cố gắng chen lấn đám đông để gọi to hai tiếng: "Nghĩa ơi, con ơi". Nghĩa ngước đôi mắt loáng ướt nhìn bố mẹ rồi cúi xuống rất nhanh. Cứ thế, nó cúi gằm mặt bước vào trước vành móng ngựa… Tôi ngồi cạnh bố mẹ Nghĩa, hai người trông thật tội nghiệp.

Mẹ Nghĩa, chốc chốc lại lấy khăn lau nước mắt. Bà bảo rằng, từ ngày nhận tin Nghĩa gây tội ác, bà không ăn, không ngủ. Bố Nghĩa bình tĩnh hơn nhưng thi thoảng ông cũng phải cúi xuống bóp chặt 2 bên thái dương. Tôi hỏi: "Hai bác đã nghĩ đến mức án của Nghĩa?".

Họ đều lắc đầu, buồn nản. Cho dù trong phiên tòa này, ngoài luật sư Nguyễn Anh Thơm được chỉ định, họ đã thuê thêm luật sư Đào Ngọc Thủy, nhưng họ biết chắc rằng, với tội lỗi Nghĩa gây ra, nó không thể thoát được cái mức án cao nhất của pháp luật. Nhưng dẫu sao Nghĩa là con trai duy nhất của họ, họ muốn nó hiểu rằng gia đình đã cố gắng hết sức vì nó…

Điều khiến cho ông Hùng và vợ cảm thấy thanh thản được một phần là họ đã được gặp trực tiếp ông Ba, bố của nạn nhân tại phiên tòa này. Ông Hùng nghẹn lời nói: "Tôi xin được tạ tội trước ông và gia đình, họ hàng nội ngoại, tạ tội trước vong linh của cháu Phương Linh. Tôi và ông từng là người lính, nhưng hành vi của cháu Nghĩa đã gây thù oán cho cả 2 gia đình chúng ta. Giây phút ngắn ngủi này, tôi không thể trải hết lòng mình. Chỉ xin ông và gia đình chấp nhận cho tôi được tạ tội thay con trai…".

Ông Hùng muốn nói rất nhiều, nói để mong cho tội lỗi của con trai ông được vơi bớt, nói để mong vơi bớt nỗi đau của gia đình người bị hại… Nhưng thời gian trước phiên tòa không có nhiều, tiếng chuông rung của thư ký phiên tòa sắp bắt đầu. Sau này, ông Ba kể lại với tôi rằng, lúc đó ông khá bất ngờ, nhưng ông hiểu nỗi lòng của người cha như ông Hùng. Ông chỉ bảo rằng: "Thời gian trước phiên tòa không có nhiều, tội lỗi là do con trẻ gây ra. Chúng ta còn có thời gian…".

Ông Hùng nắm tay ông Ba, cúi đầu xin tạ tội thay con trai. Ông Ba không nói gì nữa, nhưng qua cái nắm tay rất chặt của người cha bị mất con ấy, ông Hùng biết, ông và gia đình đã được cảm thông một phần. Cuối giờ xét xử buổi sáng, tôi cũng đã tìm gặp ông Ba.

Trong quá trình điều tra vụ án, tôi đã có điều kiện được gặp ông Ba khá nhiều lần. Tôi đã cùng ông dọn dẹp làm chỗ thắp hương cho em Linh bên bờ sông Cầm, nơi Nghĩa khai đã vứt một phần thi thể của Linh xuống sông. Tôi đã cùng ông đi dọc bờ sông ấy để tìm những bọc nilon trôi nổi với hi vọng mong manh… nên tôi hiểu nỗi đau tận cùng của người cha ấy.

Ông nói với tôi rằng: "Cháu có biết chú đau thế nào không khi 20 ngày lặn lội đi tìm thi thể của con, khi 2 lần phải mai táng cho con?". Khi tôi đề cập đến chuyện gia đình Nghĩa xin tạ tội, ông im lặng. Ông bảo, thằng Nghĩa gây tội ác chứ đâu phải họ. Tôi hiểu ông đã cảm thông với họ khi trong suốt phiên toà, ông không một lời chì chiết, không một ánh mắt hằn thù khi nói hay nhìn về phía gia đình bị cáo.

Trong quá trình xét xử, bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa đã có những thay đổi trong lời khai. Sự khai báo thay đổi này của Nghĩa đã bị HĐXX bác bỏ, chúng tôi cũng cảm thấy bất bình khi Nghĩa tiếp tục bôi nhọ vong linh người đã khuất. Tôi ngoái nhìn ông Ba, thấy ông đưa tay vuốt cổ, ánh mắt đau đớn.

Sau này, ông bảo, lúc đó ông ức quá, hận cái thằng đã giết con ông quá. Cái ức nghẹn lên tận cổ khiến ông cứ phải đưa tay vuốt nó xuống. Đến khi ông đại diện cho gia đình đứng lên để HĐXX hỏi, nước mắt ông không kìm được nữa: "Vợ chồng tôi đã mất đi đứa con gái thân yêu, em nó đã mất đi người chị, tổn thất này không có gì bù đắp nổi…".

Khi HĐXX tuyên án Nguyễn Đức Nghĩa mức án tử hình về tội giết người, cướp tài sản, tôi cảm nhận được người cha ấy đã đồng tình với sự phán xét nghiêm minh của pháp luật. Sau phiên tòa, đổ xô sự chú ý của mọi người là bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa và bố mẹ anh ta. Trong suốt quá trình xử án, ông và vợ, con gái vẫn rình từng phút, từng lúc để được nhìn thấy con.

Ông Hùng bảo rằng, theo quy định, sau đó có thể vào thăm con tại trại giam. Nhưng ông vẫn muốn con trai được nhìn thấy mọi người trong gia đình. Dẫu nó là kẻ gây tội ác mà cả xã hội đang lên án, nhưng nó là con trai của họ… Đầu giờ sáng, HĐXX chưa ra nhưng Nghĩa đã được đưa ra trước vành móng ngựa, tôi thấy mẹ Nghĩa cứ cố gắng rướn lên nhìn con.

Tôi đưa bà len lỏi lên phía trên, nơi các phóng viên báo chí tác nghiệp, chênh chếch là gương mặt của Nghĩa. Nghĩa không biết mẹ đang nhìn nên không quay lại. Bà mẹ cũng không dám gọi con, chỉ đăm đắm nhìn. Có lẽ bà sợ rằng, nếu bà cất tiếng gọi, chỉ cần Nghĩa quay lại thôi, chỉ cần nó cất tiếng gọi mẹ thôi là bà không chịu đựng được, là bà quỵ ngay tại phiên tòa. Giờ nghỉ giải lao, tôi cùng gia đình Nghĩa ra hành lang, chỗ mà các Cảnh sát bảo vệ sẽ dẫn giải bị cáo qua.

Nhìn thấy Nghĩa, ông Hùng gọi với "con ơi". Nghĩa cố đưa đôi tay với về phía bố mẹ. Vợ chồng ông Hùng cùng chị gái Nghĩa rướn người, lao vào, chỉ để chạm được vào người Nghĩa.  Khi HĐXX tuyên án xong, Cảnh sát bảo vệ dẫn giải Nghĩa ra xe đặc chủng, bố mẹ Nghĩa cũng cố lao theo. Không đuổi kịp con, bà mẹ sụp xuống khóc. Ông Hùng đau đớn quá, nhưng vẫn phải trấn an vợ nhưng lúc đó, tôi thấy ông cũng rưng rưng nước mắt…

Khi sự chú ý của mọi người sau phiên tòa đổ xô về phía gia đình ông Hùng và bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa, tôi thấy ông Ba cũng đứng lặng lẽ quan sát. Ông thở dài, rồi ông xót xa quay đi khi thấy nỗi đau và những giọt nước mắt tuôn rơi trên gương mặt người thân trong gia đình Nghĩa.

Sau phiên toà, tôi điện thoại để gặp ông Ba, tôi kể cho ông nghe về những điều mình đã được chứng kiến tại phiên toà về nỗi đau của gia đình Nghĩa. Tôi nói với ông rằng, cả 2 gia đình đều đã mất con, không thể so sánh nỗi đau. Không ai nhờ nhưng tôi vẫn muốn xin ông tha thứ cho gia đình Nghĩa.

Tôi biết sự tha thứ của ông Ba lúc này không làm thay đổi được án tử hình cho Nguyễn Đức Nghĩa, nhưng gia đình Nghĩa vẫn rất cần để lòng họ bớt được sự nặng nề. Ông Ba nói với tôi, ông không bao giờ tha thứ cho Nghĩa, nhưng gia đình Nghĩa không có tội, họ cũng là những bậc cha mẹ đang phải đau đớn như ông. Lời tha thứ không dễ dàng nhưng đã được cất lên từ trái tim vẫn đang rỉ máu của người cha ấy. Tôi hiểu, ông đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều... 

Theo CAND

Thế là phiên tòa sơ thẩm xét xử đối tượng Nguyễn Đức Nghĩa giết người, cướp tài sản xảy ra tại tòa nhà G4 khu Trung Yên đã khép lại. Án tử hình đã tuyên cho kẻ mà mọi người vẫn lên án rằng có trái tim sói. Một nỗi buồn mênh mang cho những người theo sát diễn biến vụ án như chúng tôi.

Bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa trước vành móng ngựa.

Bởi cái cuối cùng của vụ án này là: nạn nhân Nguyễn Phương Linh thì đã bị giết chết thảm thương, kết cục của Nguyễn Đức Nghĩa là án tử hình, một cái chết của sự đền tội. Nhưng trong nỗi buồn bã vì âm hưởng lạnh lẽo của cái ác ấy, may sao, chúng tôi còn tìm thấy được sự ấm áp của tình người khi gặp lại hai người cha của bị cáo và nạn nhân trong phiên tòa này. Đó là ông Nguyễn Văn Ba, cha của nạn nhân Nguyễn Phương Linh và ông Nguyễn Đức Hùng, cha của bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa.

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày