Thứ 6, 19/04/2024, 18:25[GMT+7]

Hà Nội: Xác định rõ vai trò phối hợp trong quản lý cán bộ, đảng viên

Thứ 5, 02/03/2023 | 17:19:58
477 lượt xem
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị Đảng bộ Khối các cơ quan Thành phố và 30 Đảng bộ quận, huyện, thị xã cần chú trọng phối hợp tháo gỡ khó khăn trong công tác thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị; xác định rõ vai trò phối hợp trong quản lý cán bộ, đảng viên…

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chủ trì Hội nghị.

Ngày 2/3, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì Hội nghị triển khai quy chế phối hợp công tác giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Thành phố với Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy.

Đảng bộ Khối các cơ quan Thành phố Hà Nội là đảng bộ cấp trên cơ sở đặc thù. Hiện có 64 tổ chức cơ sở đảng với gần 9.000 đảng viên. Đảng viên sinh hoạt ở Đảng bộ Khối đều là những đảng viên công tác tại cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố. Nhiều đồng chí giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Thành phố, trong đó cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý công tác tại các cơ quan của Thành phố chiếm trên 50% tổng số cán bộ chủ chốt của Thành phố.

Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Hà Nội với Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy gồm 4 Chương và 12 Điều, quy định mối quan hệ phối hợp công tác giữa Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối các cơ quan Thành phố với Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn; công tác xây dựng Đảng; công tác quản lý đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại các cơ quan của Thành phố có tổ chức Đảng trực thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan Thành phố đang cư trú trên các địa bàn, đặc biệt công tác quản lý đảng viên…

Quy chế cũng nêu rõ nội dung phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trên cơ sở chủ động, hợp tác, đồng thuận, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi có các vấn đề phát sinh, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối và Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy chủ động trao đổi để thống nhất giải quyết. Các thông tin, tài liệu trao đổi giữa các bên phải được quản lý, sử dụng theo quy định của Đảng và Nhà nước. Bên cung cấp thông tin, tài liệu chịu trách nhiệm về nội dung, tính chính xác của thông tin, tài liệu đã cung cấp…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, tính chất, mức độ, phạm vi ảnh hưởng của đội ngũ đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Thành phố có sức lan tỏa lớn trong cả hệ thống chính trị từ tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo đến tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; phát triển kinh tế - xã hội; an ninh, quốc phòng - đối ngoại của Thành phố.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý đảng viên, quản lý đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ là công chức, viên chức Thành phố, đồng thời để cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, về quản lý đảng viên, ngày 31/8/2022, Ban Thường vụ Thành ủy đã có Quyết định số 3558-QĐ/TU ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Thành phố với Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy.

Để việc triển khai Quy chế phối hợp được hiệu quả, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, ngay sau hội nghị, Đảng bộ khối các cơ quan Thành phố và 30 đảng bộ quận, huyện, thị xã tiếp tục quán triệt các nội dung của Quy chế; phân công cơ quan thường trực làm đầu mối thực hiện Quy chế; thường xuyên sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện.

Lưu ý một số nội dung trong triển khai Quy chế phối hợp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị Đảng bộ Khối các cơ quan Thành phố và 30 Đảng bộ quận, huyện, thị xã cần chú trọng phối hợp tháo gỡ khó khăn trong công tác thực hiện hiện vụ của mỗi cơ quan, đơn vị; phối hợp trong tuyên truyền, quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của Thành ủy...

Đặc biệt, cần tăng cường công tác giám sát đội ngũ đảng viên, trao đổi thông tin 2 chiều về tình hình đảng viên; tăng cường chuyển đổi số trong công tác xây dựng đảng, công tác quản lý đảng viên. Đồng thời, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời dự báo sớm về vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên để đề ra chủ trương, biện pháp phát hiện, ngăn ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, phát hiện vi phạm từ xa, từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Khi phát hiện đảng viên vi phạm phải phối hợp giải quyết, xử lý kịp thời, triệt để, đồng bộ, nghiêm minh để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng và cảnh báo, răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa vi phạm đối với đảng viên, tổ chức đảng.../.

Theo dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày