Thứ 6, 22/11/2024, 12:15[GMT+7]

Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) Khơi dậy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương Thái Bình

Thứ 6, 03/03/2023 | 14:52:53
10,035 lượt xem
Thực hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng về văn hóa từ Đề cương về văn hóa năm 1943 đến nay, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, những năm qua, các cấp, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai các giải pháp nhằm khơi dậy, nhân lên truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương, hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Các câu lạc bộ chèo truyền thống góp phần tạo nên đời sống văn hóa tinh thần sôi nổi ở mỗi làng quê.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 37-CTr/TU, ngày 22/7/2014 thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 30/1/2019 về tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, nội dung cốt lõi nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước, xây dựng quê hương Thái Bình giàu đẹp, văn minh, phát triển bền vững.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, tuyên truyền từ tỉnh tới cơ sở, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo, hướng dẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền với hình thức đa dạng, chân thực, có chiều sâu nét đẹp văn hóa, truyền thống cách mạng của quê hương. Cùng với nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp chú trọng xây dựng nội dung, chương trình, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, từ đó tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống ở một số cơ sở chưa được đầu tư đúng mức về thời gian, điều kiện, hình thức triển khai chưa thật phong phú, hấp dẫn... nên hiệu quả giáo dục chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập, mạng xã hội và sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa... cũng tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Giờ ngoại khóa của cô và trò Trường Mầm non Trần Thái Tông (Hưng Hà) tại khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần.

Để tiếp tục khơi dậy và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của quê hương, trước hết cần xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Do vậy, việc tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của các cấp chính quyền, tăng cường phối hợp giữa các ngành với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tham mưu, tổ chức thực hiện công tác giáo dục truyền thống có ý nghĩa rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, biên soạn nội dung về truyền thống văn hóa, văn hiến, lịch sử cách mạng của tỉnh, của các địa phương đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống các trường học. Thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để các danh hiệu văn hóa thực sự là thước đo của việc thực hiện các giá trị văn hóa, trong đó có văn hóa truyền thống. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục sao cho phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt cần sinh động, gần gũi, dễ tiếp thu, dễ nhớ.

Đẩy mạnh việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể, đặc biệt là các di sản có nguy cơ mai một; thực hiện bảo tồn một số làng nghề truyền thống tiêu biểu để từng bước hình thành các thôn, làng văn hóa cộng đồng nhằm phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Tăng cường công tác quảng bá hình ảnh con người, mảnh đất Thái Bình. Chủ động phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng trong tình hình mới, góp phần phát huy sức mạnh giá trị văn hóa, con người, phát triển Thái Bình nhanh, bền vững.


PGS, TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tỉnh Thái Bình đã xác định đúng và trúng các trọng tâm trong phát triển văn hóa, phát triển con người. Ở đây có những vấn đề mang tính nguyên tắc đã được thể hiện rất rõ là luôn gắn phát triển văn hóa với phát triển con người và trên cơ sở những giá trị chung của văn hóa dân tộc, những chuẩn mực chung của con người Việt Nam, tỉnh Thái Bình đã xác định những đặc sắc riêng của văn hóa Thái Bình, những phẩm chất riêng của người Thái Bình. Từ đó, chuyển hóa điều đó trở thành nguồn lực của sự phát triển, sức mạnh trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội.


Đồng chí Phạm Đồng Thụy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Sau Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 30/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân như được tiếp thêm sức mạnh triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, công tác xây dựng đời sống văn hóa được triển khai đồng bộ và đạt những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu khi Thái Bình là một trong những tỉnh trên cả nước hoàn thành sớm phong trào xây dựng nông thôn mới.


Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đình Bảy, xã Nguyên Xá (Đông Hưng)

Nghệ nhân phường rối nước chúng tôi đều là những người tâm huyết, dành cả cuộc đời để giữ nghề của cha ông, các cụ truyền lại, nỗ lực phát huy những trò diễn của phường sao cho mang cái hồn, cốt cách riêng có. Song song với việc tích cực tham gia biểu diễn, nhân lên tình yêu với nghệ thuật rối nước nói riêng, văn hóa truyền thống nói chung, đối với các bạn trẻ có mong muốn tìm hiểu, học nghề rối nước, các nghệ nhân tích cực giảng giải, truyền dạy từ cách lắp dây của những trò đặc trưng không đâu có tới cách bài trí tổng thể của một chương trình biểu diễn, mong sao nghệ thuật truyền thống, niềm tự hào của quê hương mãi trường tồn.

Trọng Tuyến - Thanh Hằng