Thứ 6, 22/11/2024, 13:54[GMT+7]

Cụ thể hóa các chính sách cho hợp tác xã, bảo đảm khả thi

Thứ 6, 17/03/2023 | 09:34:09
1,535 lượt xem
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, ngày 16/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ phát biểu ý kiến về một số nội dung của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). (Ảnh DUY LINH).

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn hợp tác xã tại dự thảo Luật. Ðể thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 20, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau thời gian thí điểm, sẽ tiến hành đánh giá tổng kết và nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung tại Luật những quy định phù hợp, khả thi, đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn liên quan đến mô hình liên đoàn hợp tác xã.

Cho ý kiến về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đồng thuận quy định Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã là quỹ hỗ trợ ngoài ngân sách; đồng thời cho rằng, nên giao Liên minh hợp tác xã quản lý quỹ này. Về chuyển nhượng phần góp vốn của thành viên hợp tác xã, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, không nên cho phép chuyển nhượng, tránh tạo điều kiện giao dịch nhằm chuyển tài sản thông qua hợp tác xã cho người khác, phục vụ các mục đích khác, không phản ánh đúng ý nghĩa, bản chất của hợp tác xã, kinh tế hợp tác.

Trong khi đó, bày tỏ băn khoăn về việc chuyển đổi từ tổ hợp tác lên hợp tác xã, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, việc thành lập tổ hợp tác chỉ cần ít nhất hai thành viên, nhưng hợp tác xã phải cần ít nhất năm thành viên. Do vậy, cần quy định chặt chẽ hơn về thời gian, số thành viên khi chuyển đổi từ tổ hợp tác lên hợp tác xã.

Cho ý kiến vào dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ lưu ý ba vấn đề cần có quy định cốt lõi để Luật cụ thể hơn, bảo đảm khả thi. Về chính sách tiếp cận vốn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là chính sách cần thiết với hợp tác xã nhưng hiện nay đang rất vướng. Chủ tịch Quốc hội gợi ý, nên chăng trong luật cần quy định rõ các ngân hàng thương mại cho các chủ thể tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã vay vốn tín dụng thương mại theo quy định pháp luật trên cơ sở xem xét, đánh giá năng lực tài chính và hiệu quả dự án sản xuất, kinh doanh, có thể dùng tài sản thế chấp vay vốn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định một số loại tài sản cụ thể có thể thế chấp vay vốn vào Luật. Về quy định hỗ trợ đầu tư tài sản kết cấu hạ tầng, hợp tác xã có thể được dùng tài sản kết cấu hạ tầng này làm tài sản thế chấp để vay vốn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần rà soát theo hướng không phải tất cả các tài sản đều được dùng để thế chấp mà chỉ có một số tài sản cụ thể. Nếu làm được điều này sẽ giải quyết được tình trạng thiếu vốn của hợp tác xã.

Ðối với tiếp cận vốn về chính sách bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên nghiên cứu Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp hiện nay, lấy một số quy định trong Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp để đưa vào Luật.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, nguyện vọng thiết tha của những người quản lý, cán bộ, nhân viên hợp tác xã mong muốn khi nghỉ hưu được hưởng lương hưu. Ðây cũng là nội dung chính trong Nghị quyết về Bảo hiểm xã hội đa tầng của Việt Nam. Do đó cần nghiên cứu quy định trường hợp nào tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cách thức thành viên và người lao động trong hợp tác xã làm việc thường xuyên có nhận tiền công, tiền lương tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; quy định cách thức và chế độ hỗ trợ thành viên của các hợp tác xã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Liên quan tài chính nội bộ của hợp tác xã, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Ðào Minh Tú cho rằng nên sử dụng cụm từ “cho vay nội bộ”, bởi hợp tác xã không phải kinh doanh tiền tệ nên không thể hoạt động theo Luật Tổ chức tín dụng. Hoạt động cho vay của hợp tác xã là hoạt động nội bộ, không có tính chất huy động.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất hai hình thức: Hợp tác xã có thể vay vốn của các thành viên, nhưng không được đi vay để cho vay lại; hai việc này không được thực hiện cùng một lúc. Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề xuất cần nâng cao năng lực của Ngân hàng Hợp tác xã để phát huy tốt vai trò tín dụng nhân dân, hỗ trợ tốt hơn nữa cho các hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và phi quân sự; cho ý kiến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Pa Két, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày