Thứ 6, 22/11/2024, 00:32[GMT+7]

Đề phòng ngộ độc botulinum

Thứ 3, 04/04/2023 | 09:32:21
2,411 lượt xem
Sau vụ 9 người bị ngộ độc botulinum năm 2020, mới đây, trong tháng 3/2023, 10 trường hợp tại Quảng Nam cũng ngộ độc botulinum do sử dụng cá chép muối chua, trong đó 1 người đã tử vong. Việc nhiều người cùng lúc bị ngộ độc nặng do botulinum cho thấy sự nguy hiểm của độc tố này. Đây tiếp tục là tiếng chuông cảnh báo về sử dụng, chế biến và bảo quản thực phẩm không đúng cách.

Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm các sản phẩm bày bán trên thị trường.

Bà Tạ Thị Diễm Hương, Phó Trưởng phòng Thanh tra, phụ trách Khoa An toàn thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Độc tố botulinum sinh ra từ vi khuẩn Clostridium, là chất độc cực mạnh. Vi khuẩn Clostridium có đặc điểm kỵ khí, tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau. Thực phẩm dễ có nguy cơ bị ngộ độc botulinum nhất là thực phẩm đóng hộp. Bên cạnh đó, các loại thực phẩm như: rau, củ, quả, hải sản... cũng có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium nếu không bảo đảm an toàn thực phẩm và được ủ, bọc kín. Dù vi khuẩn Clostridium không phát triển được ở môi trường chua, mặn song nếu thực phẩm đóng hộp có lẫn một vài bào tử vi khuẩn cộng với môi trường đóng kín, không có ôxy và thực phẩm không đủ độ mặn, chua sẽ là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn Clostridium phát triển, tiết ra độc tố botulinum. Để ức chế độc tố botulinum, các thực phẩm đóng hộp thường sử dụng nitric, tuy nhiên các thực phẩm đóng hộp chế biến thô sơ rất dễ nhiễm Clostridium botulinum.

Tại Thái Bình, đến nay chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc botulinum, tuy nhiên nguy cơ vẫn tiềm ẩn bởi hiện nay vẫn có gia đình bảo quản, chế biến thực phẩm không đúng cách, sử dụng túi hút chân không đựng thực phẩm chưa bảo đảm an toàn, không đun chín kỹ thức ăn trước khi ăn. Các thực phẩm muối lên men chưa bảo đảm đủ độ chua, độ mặn. 

Cùng với đó, thực phẩm đóng hộp được bày bán nhiều trên thị trường, nếu bảo quản không đúng cách, sử dụng thực phẩm đóng hộp đã bị phồng hoặc có mùi... dễ tiềm ẩn nguy cơ bị độc tố botulinum.

Bà Tạ Thị Diễm Hương cho biết thêm: Độc tố botulinum có nhiều loại, trong đó ngộ độc loại A, B là phổ biến nhất. Với liều lượng chỉ 0,03mcg tiêm tĩnh mạch có thể gây tử vong một người nặng 70kg. Khi bị ngộ độc botulinum thường có các triệu chứng về đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, chướng bụng, liệt ruột cơ, táo bón. Khi độc tố xâm nhập sâu hơn vào các tế bào thần kinh, người bị ngộ độc sẽ bị sụp mi, nhìn mờ, liệt đối xứng hai bên từ vùng đầu, mặt, cổ xuống chân. Nhiễm độc thể nhẹ, người bệnh chỉ mệt mỏi, mỏi cơ. Tuy nhiên, khi bị nhiễm độc nặng thì tình trạng bệnh tiến triển rất nhanh, có thể liệt các cơ dẫn đến suy hô hấp, ngừng thở dẫn đến tử vong. Tại Thái Bình, sau khi xảy ra một số vụ ngộ độc botulinum tại một số địa phương trong nước, chúng tôi đã có bài tuyên truyền trên website của Chi cục. Thời gian tới, khi phối hợp với các ngành, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn an toàn thực phẩm, Chi cục sẽ tiếp tục lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống ngộ độc botulinum.

Để phòng, chống ngộ độc do Clostridium botulinum, mới đây Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra khuyến cáo. Cụ thể, nguyên liệu dùng trong sản xuất, chế biến phải bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định. Đối với đồ hộp phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt. Người dân nên lựa chọn, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quan sát bề mặt trước khi sử dụng. Nếu sản phẩm đóng hộp đã bị phồng, bẹp, biến dạng, không còn nguyên vẹn, mở ra có mùi lạ, hết hạn sử dụng... thì tuyệt đối không sử dụng. Bên cạnh đó, không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống cần bảo đảm đủ độ chua, mặn, khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn. Nhiệt độ cao sẽ phá hủy độc tố botulinum, vì thế, các gia đình cần nấu chín thực phẩm trước khi ăn. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng ngộ độc botulinum, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hoàng Lanh