Thứ 2, 06/05/2024, 13:36[GMT+7]

Tạo hệ sinh thái phát triển cho doanh nghiệp từ liên kết vùng

Thứ 7, 08/04/2023 | 18:34:14
7,838 lượt xem
Với mong muốn phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đưa kinh tế - xã hội vươn lên nhanh hơn, vừa qua UBND tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức tọa đàm “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”. Hội thảo đã quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia bàn luận tìm giải pháp thúc đẩy liên kết vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), xây dựng hệ sinh thái phát triển cho các địa phương và doanh nghiệp.

Hạ tầng giao thông và hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp.

Tiềm năng, cơ hội và thách thức

Vùng ĐBSH được đánh giá có nhiều tiềm năng, thế mạnh và cơ hội để bứt phá trở thành đầu tàu kinh tế, đóng vai trò dẫn dắt mô hình đổi mới tăng trưởng của cả nước. 

PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ: Đây là vùng có hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đầy đủ, hệ thống đô thị phát triển nhanh, mạng lưới giao thông tốt nhất cả nước, gồm cả đường bộ, đường biển, đường thủy, đường hàng không và đường sắt. Đặc biệt, vùng ĐBSH có 3 tuyến hành lang kinh tế kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và hướng ra biển. Nơi có nguồn nhân lực trình độ cao, đội ngũ trí thức giỏi và tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn nhất cả nước, có nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao... Đó chính là nền tảng, động lực cho sự phát triển của mỗi địa phương và cả vùng.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận vùng ĐBSH có truyền thống lịch sử lâu đời, văn hóa độc đáo và đặc sắc, nhiều cảnh quan, di tích, nhiều tài nguyên khoáng sản trữ lượng lớn tạo ra hệ giá trị cho các địa phương phát triển, nhất là về thương mại, dịch vụ. 

Đồng chí Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Thực tế trong những năm qua, một số địa phương trong vùng đã có sự phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Về hạ tầng thương mại của cả vùng phát triển khá với sự gia tăng nhanh của các loại hình thương mại hiện đại như thương mại điện tử, siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ góp phần làm thay đổi diện mạo ngành thương mại của vùng và cả nước.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra bên cạnh những tiềm năng, cơ hội, vùng ĐBSH cũng đứng trước không ít thách thức như quy mô kinh tế còn nhỏ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, tham gia chưa sâu vào các chuỗi liên kết khu vực và toàn cầu. 

PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm: Các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp; sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững, manh mún nhỏ lẻ, các doanh nghiệp trong nước hoạt động tại vùng chủ yếu quy mô vừa và nhỏ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông của vùng ĐBSH còn chưa đồng bộ, hiện đại, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Nỗi lo hiện hữu của các địa phương hiện nay là đối diện với rủi ro mất lợi thế so sánh, không tạo ra sự bứt phá phát triển dẫn đến sự lãng phí trong quản lý và sử dụng các nguồn lực. Sự tụt hậu và chảy máu chất xám sẽ là thách thức đối với phát triển của cả vùng. Vì vậy, liên kết các địa phương trong vùng, phát huy lợi thế, tối ưu hiệu quả và tạo ra sức mạnh nội lực để phát triển vùng chính là hướng đi tất yếu hiện nay.

Hiện nay, Bộ Chính trị, Chính phủ đã có Nghị quyết về phát triển vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định rõ những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về liên kết phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng. Đó là cơ sở pháp lý và cũng là cơ hội để các địa phương quy hoạch, thực hiện các giải pháp khơi dậy, phát huy thế mạnh phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng


Giải pháp nào để liên kết vùng

Muốn liên kết và phát triển vùng ĐBSH, nhiều chuyên gia thống nhất cần phải có các quy hoạch vùng nhằm tạo không gian phát triển và cần có lộ trình triển khai các dư án đầu tư quan trọng có tính chất vùng, liên vùng, đồng thời bố trí nguồn lực của trung ương, địa phương để thực hiện. Tiếp đến là có cơ chế, chính sách cho phát triển vùng như chính sách về đất đai, quản lý, phát triển đô thị, huy động và phân bổ nguồn lực, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chính sách phát triển các ngành kinh tế và chính sách đặc thù. Hình thành hội đồng điều phối vùng ĐBSH có đủ thẩm quyền và nguồn lực để điều phối, phối hợp các chính sách phát triển vùng hiệu quả.

Đồng chí Trần Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: Cùng với cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng thì việc phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công cho phát triển có vai trò hết sức quan trọng. Chúng ta cần xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại và tỷ lệ điều tiết cho các địa phương nhằm tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội. Xây dựng cơ chế thí điểm huy động nguồn lực chung của các địa phương trong vùng cho các chương trình, dự án hợp tác vùng.

Nhằm tạo ra hệ sinh thái phục vụ liên kết vùng và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển vùng ĐBSH, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và các địa phương có chung quan điểm cần sự đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ. Vào cuộc và hành động đồng bộ của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân; tranh thủ sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và tổ chức quốc tế. Thường xuyên tập trung làm tốt công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính tạo động lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực vào đầu tư kết cấu hạ tầng; xây dựng thể chế, cơ chế chính sách nhằm huy động và khai thác các nguồn lực; quan tâm phát triển nguồn nhân lực - yếu tố quyết định sự phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư phải đi đôi với cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, tạo niềm tin và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển.

Dưới góc độ của nhà đầu tư, ông Kosei Tanaka, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam cho biết: Tham gia vào chuỗi liên kết vùng, bản thân các doanh nghiệp cũng phải xây dựng được quy trình quản lý sản xuất và bộ tiêu chuẩn đồng nhất; tối ưu hóa khâu hậu cần logistics để gia tăng hiệu quả, áp dụng công nghệ để giữ ổn định sản xuất và giá thành. Các doanh nghiệp cùng với địa phương tạo ra vòng khép kín từ thành lập các đầu mối thu mua, kiểm soát giá cả đến chất lượng, sản lượng, cân đối cung cầu. Chú trọng, đẩy nhanh việc sử dụng mã QR Code truy xuất nguồn gốc, cần có tổng kho tại các vùng nguyên liệu và tăng cường quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng.

Thái Bình sẵn sàng cho liên kết vùng

Phát triển liên kết vùng là mong muốn của địa phương và cộng đồng doanh nghiệp bởi nó không chỉ hình thành thị trường nội khối mà còn phát huy những thế mạnh của mỗi địa phương, doanh nghiệp. Để bắt nhịp và thúc đẩy phát triển liên kết vùng, Thái Bình đã sẵn sàng. 

Đồng chí Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ 7 giải pháp then chốt, trước mắt sớm hoàn thành, phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng. Chủ động rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách có tính vượt trội, đột phá, đủ mạnh để phát huy tiềm năng, lợi thế và thu hút đầu tư. Tiếp tục đổi mới, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh PCI.

Trong sự chuyển dịch chung đó, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tăng giá trị sản xuất, nâng cao đời sống của người dân, tạo cơ hội cho doanh nghiệp đồng hành, phát triển cùng nông nghiệp. 

Đồng chí Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Chúng tôi sẽ tập trung rà soát, tham mưu bổ sung một số cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai, cơ giới hóa, hiện đại hóa thực hiện sản xuất quy mô lớn, đại điền. Thu hút đầu tư vào chế biến, phát triển thị trường, gắn nông nghiệp với du lịch. Hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống...

Thái Bình hiện có Khu kinh tế, 9 khu công nghiệp, 46 cụm công nghiệp với quỹ đất công nghiệp dồi dào, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống giao thông kết nối với các địa phương trong vùng ĐBSH đang hoàn thiện. Tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư hấp dẫn đang tạo sức hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Đồng chí Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Bên cạnh tăng cường giao lưu, trao đổi, hợp tác về thương mại, văn hóa giữa các tỉnh, thành phố vùng ĐBSH, ngành công thương chủ động kết nối các nhà phân phối lớn với các doanh nghiệp để thúc đẩy trao đổi nguồn hàng. Thái Bình sẽ thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư lớn tham gia xây dựng, phát triển hạ tầng logistics, kho bảo quản, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối; hỗ trợ sản phẩm địa phương tham gia vào chuỗi phân phối của doanh nghiệp. Có thể nói, Thái Bình quyết tâm xây dựng hệ sinh thái phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ và liên kết vùng, vấn đề còn lại là người dân, doanh nghiệp tận dụng, phát huy để phát triển, hội nhập, vươn xa.

Khắc Duẩn