Chủ nhật, 28/04/2024, 23:42[GMT+7]

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát các công trình trọng điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ nhật, 16/04/2023 | 07:08:52
1,165 lượt xem
Ngày 15/4, trong chương trình công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát, kiểm tra một số dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố. Cùng đi có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo tiến độ xây dựng Dự án Nút giao thông An Phú.

Khảo sát nút giao thông An Phú, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), sau khi nghe chủ đầu tư và các đơn vị báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, đầu tư công là 1 trong 3 động lực tăng trưởng, do đó nhiệm vụ của Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn vì chiếm tới 60% tổng vốn đầu tư công của thành phố.

Để đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% năm nay là rất khó, do đó Ban Quản lý phải động viên anh em, tập trung lực lượng, nguồn lực, chấp hành chỉ đạo của thành phố, lên kế hoạch cụ thể, thường xuyên báo cáo Thành ủy, UBND Thành phố.

Thủ tướng nhấn mạnh việc này này tạo động lực tăng trưởng cho thành phố trong bối cảnh hiện nay bởi nút giao này có ý nghĩa quan trọng kết nối các huyết mạch giao thông qua Thành phố Hồ Chí Minh.

Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị phải tập trung làm, khẩn trương thiết kế biểu tượng thành phố đặt tại đây; cố gắng tạo điểm nhấn, sản phẩm du lịch; biểu dương có sự thay đổi cách thức tổ chức thi công, kiểm soát tiến độ, phấn đấu đến dịp 30/4/2025 hoàn thành công trình.

Điều quan trọng là chủ đầu tư phải nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công vì việc này có ý nghĩa lớn, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị Chính phủ, thành phố giao. Chính phủ sẽ nỗ lực cân đối bổ sung vốn cho công trình.

Công trường thi công Dự án Nút giao thông An Phú ở thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). 

Dự án Nút giao thông An Phú có tổng mức đầu tư 3.408,759 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công (ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố); thời gian thực hiện dự án là 2022-2025; quy mô dự án có 3 tầng, gồm: Khu vực nút giao đường dẫn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (HLD) với đường Mai Chí Thọ:

Tầng (-1): Xây dựng hầm chui (2 chiều) kết nối đường dẫn cao tốc HLD với đường Mai Chí Thọ (phía hầm vượt sông Sài gòn); hầm chui được kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ-Đồng Văn Cống;

Tầng (+1): Xây dựng 2 cầu vượt gồm: 1 cầu vượt dạng chữ Y kết nối đường Mai Chí Thọ (phía Xa lộ Hà Nội) và đường Lương Định Của với đường dẫn cao tốc HLD; 1 cầu vượt rẽ phải từ đường dẫn cao tốc HLD vào đường Mai Chí Thọ (phía Xa lộ Hà Nội);

Tầng (0): Xây dựng đảo trung tâm và tháp biểu tượng theo Phương án thiết kế kiến trúc được thông qua. Xây dựng 3 đơn nguyên cầu Bà Dạt phạm vi giữa 2 cầu hiện hữu.

Khu vực nút giao Mai Chí Thọ và đường Đồng Văn Cống: Tầng (+1): Xây dựng 2 cầu vượt kết nối đường Mai Chí Thọ (phía Xa lộ Hà Nội) với đường Đồng Văn Cống và ngược lại; xây dựng 2 đơn nguyên cầu Giồng Ông Tố trong phạm vi giữa 2 cầu hiện hữu; xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác (tiểu đảo, cầu bộ hành, hệ thống cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, hệ thống báo hiệu giao thông,…) đồng bộ với quy mô nút giao.

Tình hình triển khai dự án: Đối với công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, đến nay đã di dời, đốn hạ 413/1.368 cây, dự kiến hoàn thành trong tháng 5 với số lượng cây còn lại; di dời đường ống cấp nước, điện, viễn thông: đang hoàn chỉnh hồ sơ phương án, dự kiến tổ chức lựa chọn nhà thầu và bắt đầu triển khai cuối quý II/2023.

Tiến độ các gói thầu xây lắp: Các gói thầu triển khai thi công: (XL5-hầm chui HC1-01, XL6-hầm chui HC1-02, XL7-cầu Bà Dạt, XL8-cầu Giồng Ông Tố); đang triển khai cọc khoan nhồi mố, trụ các cầu, các hầm chui; triển khai cọc đất xi măng đường đầu cầu Bà Dạt, triển khai cọc dự ứng lực D400 sàn giảm tải đầu cầu, sản xuất dầm I; số lượng nhà thầu trên công trường: 12 nhà thầu với 8 mũi thi công (mỗi gói thầu 2 mũi thi công); 3 đơn vị tư vấn giám sát liên tục 24/24 giờ; thiết bị có trên công trường: 10 máy khoan cọc nhồi, 8 máy đào, 10 xe cẩu, 12 xe ủi và các thiết bị khác (robot ép cọc, máy khoan cọc đất…); số lượng kỹ sư và công nhân hiện có khoảng 100 người.

Các gói thầu triển khai thiết kế: đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế các gói thầu còn lại (bao gồm 5 gói thầu xây lắp cầu, đường và các gói thầu cây xanh, chiếu sáng, tháp cảnh quan), dự kiến phê duyệt, tổ chức lựa chọn nhà thầu đầu quý III/2023 và triển khai thi công từ quý III/2023.

*Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát, kiểm tra Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Metro 1: Tuyến Bến Thành-Suối Tiên).

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát tuyến Metro 1 Bến Thành-Suối Tiên (Thành phố Hồ Chí Minh) tại Ga Rạch Chiếc. 

Thủ tướng đã khảo sát, thăm và tham dự buổi chạy thử nghiệm đoàn tàu metro từ Ga Rạch Chiếc đến Ga Bến xe Suối Tiên thuộc Dự án xây dựng Tuyến đường sắt đô thị số 1.

Lộ trình tàu chạy dài khoảng 11km bắt đầu từ ga Rạch Chiếc, đi qua ga Phước Long, ga Bình Thái, ga Thủ Đức, ga Khu Công nghệ cao. Sau đó, đoàn tàu tiếp tục đi qua ga Đại học Quốc gia đến ga Bến xe Suối Tiên là ga cuối cùng của tuyến.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio trải nghiệm chạy tàu Metro 1 Bến Thành-Suối Tiên đoạn từ Ga Rạch Chiếc đến Ga Suối Tiên. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính trải nghiệm chạy tàu tuyến Metro 1 trong buồng lái. 

Buổi chạy thử nghiệm tàu đang nằm trong giai đoạn thử nghiệm số 5 (tích hợp tĩnh) và giai đoạn thử nghiệm số 6 (tích hợp động) trong quy trình thử nghiệm gồm 8 giai đoạn, được triển khai từ nhiều tháng nay.

Theo thiết kế, đoạn trên cao có tốc độ tối đa là 110 km/giờ, nhưng quá trình chạy thử, để bảo đảm an toàn, đoàn tàu chỉ chạy tối đa tốc độ dưới 50 km/giờ.

Đến nay, tiến độ thi công toàn dự án đã đạt khoảng 95%. Trong năm 2023, Ban Quản lý Đường sắt đô thị đang cùng tư vấn NJPT và các nhà thầu Nhật Bản sử dụng tất cả nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, hoàn thành 100% công tác thi công bao gồm lắp đặt các thiết bị còn lại, hoàn thiện kiến trúc các nhà ga và cầu bộ hành trên toàn tuyến.

Bên cạnh đó, để sớm đưa dự án vào khai thác thương mại, Ban Quản lý Đường sắt đô thị cũng đang đồng thời khẩn trương thực hiện các công việc khác nhằm đồng bộ với quá trình hoàn thành công tác thi công, bao gồm: tiếp tục tiến hành các bước vận hành thử nghiệm với toàn bộ các hệ thống vận hành tự động, bảo vệ và giám sát đoàn tàu (ATP, ATO, ATS) kết hợp với các hệ thống thiết bị tại các nhà ga;

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe các đơn vị báo cáo về tiến độ dự án Metro 1 Bến Thành-Suối Tiên tại Ga Rạch Chiếc. 

Ban Quản lý Đường sắt đô thị phối hợp với Tư vấn đánh giá An toàn hệ thống để tiến hành thử nghiệm, đánh giá tính an toàn của công trình trước khi đưa vào vận hành; phối hợp với Công ty TNHH Đường sắt đô thị số 1 và các nhà thầu, tư vấn để tiến hành đào tạo, chuyển giao công nghệ và khai thác thử đoàn tàu;

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để tiến hành thẩm định và nghiệm thu các nội dung PCCC, môi trường, an toàn hệ thống, cấp chứng chỉ bàn giao công trình…

Tại hiện trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn Chính phủ Nhật Bản, cá nhân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio luôn đồng hành, hỗ trợ Việt Nam, nhất là vừa qua 2 bên đã bắt đầu triển khai hiệp định vay vốn ODA thế hệ mới.

Thủ tướng mong Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam vốn phát triển hạ tầng giao thông thời gian tới, nhất là các đề xuất mới liên quan hạ tầng giao thông, đường sắt tốc độ cao.

Thủ tướng nhấn mạnh tuyến metro này là công trình biểu tượng cho quan hệ 2 nước sâu rộng. Chúng ta phải thực sự quy hoạch các tuyến metro theo không gian phát triển mới của thành phố; nếu vướng ở khâu nào thì phải xem trách nhiệm thuộc về ai giải quyết, nỗ lực thực hiện nhanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe các đơn vị báo cáo về tiến độ dự án Metro 1 Bến Thành-Suối Tiên tại Ga Rạch Chiếc. 

Thủ tướng đề nghị một số tuyến metro mới sẽ thực hiện theo hình thức vay vốn ODA thế hệ mới của Nhật Bản; mong phía Nhật Bản tư vấn để tới đây Chính phủ Việt Nam sẽ đàm phán với Chính phủ Nhật Bản về vấn đề này, qua đó làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng 2 nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam. Ban Quản lý dự án cố gắng hoàn chỉnh dự án các tuyến metro để thảo luận với các đối tác.

Theo Thủ tướng, chúng ta đã có kinh nghiệm vừa qua, hy vọng dự án mới sẽ thuận lợi hơn; những gì chưa được ở những dự án hợp tác trước thì ở những dự án vay vốn ODA thế hệ mới tới đây sẽ được nhanh chóng khắc phục.

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị phải nỗ lực để ngày 2/9 khánh thành đoạn này; đồng thời triển khai nhanh tuyến Bến Thành-Tham Lương (tuyến Metro 2), thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước, đồng thời sớm khởi động đàm phán tuyến Bến Thành-Tân Kiên (tuyến Metro 3a)…

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi, cảm ơn Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio. 

Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành-Suối Tiên do Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.

Dự án nằm trên địa bàn các quận gồm: Quận 1, Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức (quận 2, 9 và Thủ Đức cũ) của Thành phố Hồ Chí Minh và thị xã Dĩ An của tỉnh Bình Dương (nay là Thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Quy mô xây dựng tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 19,7 km (trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6 km; đoạn đi trên cao dài 17,1 km); bao gồm 11 ga trên cao, 3 ga ngầm và 1 depot; cung cấp và lắp đặt hệ thống thiết bị phục vụ.

Tổng mức đầu tư dự án là 43.757,150 tỷ đồng. Nguồn vốn bố trí - vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 38.265,55 tỷ đồng, chiếm 87% tổng vốn đầu tư.

Đến nay, đại diện Chính phủ Việt Nam là Bộ Tài chính đã ký kết với Nhà tài trợ 3 Hiệp định vay với tổng số vốn đã ký kết là 155.364 triệu Yên (31.208 tỷ đồng). Vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 5.491,6 tỷ đồng, chiếm 13% tổng vốn đầu tư.

Thời gian thực hiện dự án: Thời điểm hoàn thành thi công vào cuối quý IV/2023; thời gian kết thúc dự án từ năm 2024 đến 2028, gồm: Thời gian thông báo khiếm khuyết (bảo hành công trình xây dựng) của các nhà thầu từ năm 2024 đến hết năm 2025; thời gian hỗ trợ vận hành và bảo dưỡng từ năm 2024 đến hết năm 2028.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà động viên các đơn vị đang thi công tuyến Metro 1 Bến Thành-Suối Tiên.

Hiện, Ban Quản lý Đường sắt đô thị đang nỗ lực, phối hợp các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm hoàn thành đưa công trình vào sử dụng để chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.

Dự án chính thức khởi công xây dựng vào năm 2012, đến nay, tổng khối lượng thực hiện đạt 91,34%; đã vận chuyển đưa 17/17 đoàn tàu về depot Long Bình, thành phố Thủ Đức chuẩn bị cho giai đoạn thử nghiệm, vận hành. Dự án đã triển khai 4/5 gói thầu xây lắp và thiết bị.

Tổng khối lượng thực hiện của dự án đạt 94,55% (Gói thầu số 1a - đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố, đạt 99,25%; Gói thầu số 1b - đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son, đạt 99,73%; Gói thầu số 2 - đoạn trên cao và depot, đạt 97,22% và Gói thầu số 3 - Mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng, đạt 88%; Gói thầu số 4 “Hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng Công ty Vận hành” đã trình Sở Giao thông vận tải thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày