Thứ 2, 20/05/2024, 13:10[GMT+7]

Tập trung phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân

Thứ 6, 05/05/2023 | 08:34:54
14,979 lượt xem
Sâu cuốn lá nhỏ có mật độ cao hơn vụ xuân năm 2022 và có nguy cơ gây hại lá đòng, lá công năng ở 62.000ha lúa xuân trỗ bông sau ngày 5/5. Để phòng, trừ sâu bệnh hiệu quả, ngành nông nghiệp đã triển khai các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh đến cơ sở, HTX đồng thời các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân.

Nông dân trong tỉnh sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu.

Trên cánh đồng xã Đông Trung (Tiền Hải), ông Trần Xuân Tiến cùng người dân đang tập trung phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy, bệnh khô vằn trên lúa xuân. Tuy mới là ngày đầu trong chiến dịch phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh do huyện phát động nhưng tranh thủ thời tiết thuận lợi, ông Tiến cũng như đông đảo nông dân các địa phương của huyện Tiền Hải đã tập trung nhân lực, phương tiện xuống đồng phun thuốc. 

Ông Tiến cho biết: Qua kiểm tra đồng ruộng tôi thấy bệnh khô vằn có chiều hướng phát triển mạnh đến ngưỡng phải phòng, trừ theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nên tôi đã tổ chức phun trừ kết hợp trong đợt phun trừ sâu cuốn lá nhỏ. Cây lúa đang giai đoạn làm đòng cần phải phun trừ sớm nếu không sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển.

Còn tại cánh đồng xã Đông Quý, ngoài huy động nhân lực, HTX SXKD DVNN đã ký kết hợp đồng, đưa thiết bị bay không người lái vào phun thuốc nhằm tiết kiệm chi phí, bảo đảm thời gian theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. 

Ông Vũ Ngọc Xuyền, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Đông Quý cho biết: Trên cơ sở tổng hợp đăng ký thuê máy của các thôn, HTX đứng ra ký hợp đồng với công ty cung ứng dịch vụ phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay không người lái đồng thời cung cấp thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Trong đợt này, toàn xã có khoảng 40ha lúa được phun bằng máy. Không chỉ bảo đảm hiệu quả phòng trừ, với giá thành 15.000 đồng/sào, phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị bay còn giúp người dân giảm 50% chi phí sản xuất cho khâu bảo vệ thực vật.

Đến ngày 3/5, huyện Thái Thụy có gần 1.000ha lúa trỗ bông. Qua điều tra trên đồng ruộng, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 có mật độ cao gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ, phổ biến từ 150 - 200 con/m2, nơi cao từ 400 - 500 con/m2, cá biệt trên 700 con/m2; sâu đục thân phát sinh cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm, thời gian sâu non nở trùng với sâu cuốn lá nhỏ. Huyện Thái Thụy chỉ đạo các địa phương phát động chiến dịch phun thuốc phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân từ ngày 4 - 7/5 cho diện tích lúa trỗ sau ngày 5/5. 

Ông Lê Nguyên Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Ngày 24/4, huyện tổ chức họp với tất cả các xã triển khai chiến dịch phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, diện tích cần phun lần này khoảng 10.610ha. UBND huyện cũng ban hành công điện chỉ đạo phòng, trừ sâu bệnh, kỹ thuật phun thuốc được phổ biến đến tận hộ nông dân qua hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở mỗi ngày để mọi người dân biết mức độ nguy hại của sâu bệnh, hướng dẫn bà con kỹ thuật phun trừ theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách) để đạt hiệu quả cao. Bên cạnh việc phân công cán bộ ngành nông nghiệp tăng cường về cơ sở theo dõi, đôn đốc các địa phương, kết thúc chiến dịch, huyện chỉ đạo ngành chuyên môn tiến hành cắt cây để kiểm tra mật độ sâu sau phun từ đó có báo cáo đánh giá hiệu quả phun trừ cũng như khuyến cáo bà con lịch phun, diện tích phải phun lần 2.

Lúa xuân đang bước vào giai đoạn trỗ bông tập trung. Theo các cơ quan chuyên môn, năm nay sâu cuốn lá nhỏ có mật độ sâu cao hơn so với vụ xuân năm 2022; sâu non (lứa 3) nở rộ từ ngày 3 - 8/5 với mật độ trung bình từ 30 - 50 con/m2, nơi cao từ 150 - 200 con/m2, cục bộ 400 - 500 con/m2. Đây cũng là cao điểm phòng, trừ đạt hiệu quả nhất. Trước tình hình đó, tỉnh đã phát động chiến dịch phun trừ sâu cuốn lá nhỏ trên toàn bộ diện tích lúa xuân từ ngày 3 - 7/5. Căn cứ vào mật độ sâu của từng địa phương, các huyện: Tiền Hải, Kiến Xương và thành phố Thái Bình phát động phun đầu lịch; các huyện còn lại tổ chức phun cuối lịch. Ước tính toàn tỉnh có khoảng 62.000ha có mật độ sâu non trên 20 con/m2 phải phun trong đợt này.

Theo tổng hợp của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hết ngày 3/5, các huyện Tiền Hải, Kiến Xương và thành phố Thái Bình đã phun được gần 7.500ha, trong đó, huyện Tiền Hải phun được trên 4.600ha, chiếm 46,8% diện tích cần phòng, trừ. Ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương, HTX điều tiết nước hợp lý và vận dụng linh hoạt từng chân đất, từng trà lúa, bảo đảm giữ mực nước phù hợp trên ruộng với giai đoạn lúa làm đòng, trỗ bông để lúa làm đòng, trỗ bông thuận lợi và tăng hiệu quả của việc phòng, trừ sâu bệnh.

Nông dân huyện Thái Thụy phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa xuân.

Ngân Huyền