Thứ 7, 20/04/2024, 03:08[GMT+7]

Thành phố Cần Thơ phải mạnh dạn, đổi mới sáng tạo, phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp

Thứ 2, 15/05/2023 | 07:26:30
860 lượt xem
Ngày 14/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ để đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu; các tồn tại, vướng mắc và cùng tìm giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy phát triển trên địa bàn Thành phố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Giang).

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, ngay từ những ngày đầu năm 2023, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã tập trung chỉ đạo các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, đoàn thể, cán bộ, đangr viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu các cấp, các ngành phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các Nghị quyết và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Thường vụ Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ ngay sau kỳ nghỉ Tết; tranh thủ mọi thời cơ, cơ hội phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tập trung hoàn thiện cơ chế cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng khả năng kết nối cung cầu hàng hóa, tăng cường các hoạt động xúc tiến; kết nối giữa các nhà sản xuất cung ứng với các nhà phân phôi.

Về tình hình kinh tế-xã hội quý I/2023, thành phố Cần Thơ tiếp tục có những chuyển biến tích cực, tổng sản phẩm trên địa bàn ước quý I tăng 4,02% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước ước tăng 3,32%. Trong đó khu vực dịch vụ tăng 6,19%, đóng góp cao nhất 77,1% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 2,64%, đóng góp 20,2%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,06%, đóng góp 1,7% và thuế sản phẩm tăng 0,49%, đóng góp 1% vào mức tăng trưởng chung.

Quang cảnh buổi làm việc.

Trong tháng 4/2023, tình hình kinh tế-xã hội của thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt được những kết quả khả quan, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng so với tháng trước, cụ thể như sau: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tăng 5,01% so tháng trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,87%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,59%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,65% so cùng kỳ; lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, IIP ước tăng 4,81% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ lực với mức tăng 4,58%, các sản phẩm tăng trưởng tốt như: xay xát gạo tăng 30,66%. Do có nhiều hợp đồng xuất khẩu; sắt thép tăng 82,3%, nước yến và nước bổ dưỡng khác tăng gần 3 lần...

Tuy nhiên, một số ngành sản xuất gặp khó khăn, nhiều sản phẩm giảm so với cùng kỳ (như tôm đông lạnh; bia đóng lon; phân khoáng và phân hóa học (NPK), một số doanh nghiệp vẫn chưa ký kết được hợp đồng mới. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4 ước thực hiện 9.977,48 tỷ đồng, tăng 3,57% so với tháng trước. Trong 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 38.860,21 tỷ đồng, đat 30,91% kế hoạch, tăng 14,17% so với cùng kỳ.

Các hoạt động giao thông vận tải tiếp tục được mở rộng, vận tải quốc tế tiếp tục được khôi phục, du lịch phục hồi nhanh. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách đến tham quan du lịch ước đạt 2,8 triêu lượt, đạt 53,9% kế hoạch, tăng 43% so cùng kỳ; các doanh nghiệp lưu trú phục vụ gần 1.2 triêu lượt khách, dat 44,3% kế hoạch, tăng 60%; tổng doanh thu du lịch 2.366 tỷ đồng, đạt 51,7% kế hoạch, tăng 84%...

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã phát biểu ý kiến đóng góp về việc giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho Cần Thơ để Thành phố phát triển nhanh và bền vững.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, do lạm phát đã kiểm soát được nên phải ưu tiên cho tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; lưu ý Thành phố phải mạnh dạn, chủ động, đổi mới tư duy, tích cực để giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền; vận động nhân dân tạo ra sức mạnh, tạo cơ chế cho nhân dân tham gia; các sở, ngành thành phố phải rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết…

Về vấn đề đất đai, xây dựng, nhà ở, phòng cháy, chữa cháy, môi trường, giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm quốc gia…, Thủ tướng yêu cầu Thành phố vận dụng các cơ chế, chính sách, thực hiện trong khả năng tối đa có thể; cùng các cơ quan xử lý các công việc hành chính của người dân phù hợp, hiệu quả; cập nhật, dành quỹ đất đai cho nhà ở xã hội trong quý II này để bổ sung vào quy hoạch, sử dụng vốn chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội để thực hiện; chống mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực; góp phần vào chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho các đối tượng, công nhân, người lao động, người thu nhập thấp…; tập trung giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tháo gỡ khó khăn cho Cần Thơ nói riêng cũng như các địa phương khác, nhất là hướng dẫn trong đầu tư hợp tác công tư; Bộ Công thương cùng với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Đông, nhanh chóng ký FTA với Israel…; đối với Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3, Chính phủ đã có chỉ đạo PVN và EVN xử lý, thành phố có trách nhiệm bảo đảm mặt bằng, phối hợp chặt chẽ với các tập đoàn trong vấn đề này.

Thủ tướng giao Bộ Công thương tiếp tục khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Nghị định 102 của Chính phủ về quản lý chợ theo tinh thần rút gọn các thủ tục; Bộ Xây dựng xử lý, tháo gỡ khó khăn liên quan thị trường bất động sản; Bộ Tài chính nghiên cứu ngay, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc liên quan vốn ODA; các bộ, ngành cố gắng phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ khó khăn, tìm “đầu ra” để huy động nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển…

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày