Thứ 7, 27/04/2024, 05:33[GMT+7]

Vì sao doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo

Thứ 7, 20/05/2023 | 08:18:40
9,989 lượt xem
Nhu cầu gạo thị trường thế giới và giá xuất nhập khẩu gạo tăng cao, những tưởng đây là cơ hội, niềm vui của bà con nông dân, nhất là các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Thật tiếc, tất cả đều đứng nhìn cơ hội trôi qua bởi có quá nhiều bất cập, khó khăn khiến doanh nghiệp không tận dụng được.

Sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Doanh Đạt (cụm công nghiệp Đập Neo, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ).

Thị trường gạo nhộn nhịp

Các chuyên gia ngành nông nghiệp đánh giá, nhu cầu dự trữ lương thực, trong đó có gạo của các nước trên thế giới tăng mạnh do lo ngại ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, chính trị gây ra. Cùng với đó, nguồn cung suy giảm khiến giá gạo trên thị trường thế giới từ đầu năm 2023 đến nay liên tục leo thang. Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm nay ước đạt 530 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022 và cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc đạt mốc 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo cả nước 3 tháng đầu năm nay đạt 1,79 triệu tấn, với kim ngạch đạt 952 triệu USD. Xuất khẩu gạo tuy giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Công ty TNHH Hưng Cúc (cụm công nghiệp Xuân Quang, huyện Đông Hưng) là doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo. Từ đầu năm đến nay, Công ty đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu vào thị trường Đài Loan, Cộng hòa Séc... 

Ông Hà Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Nhu cầu sử dụng gạo của các nước trên thế giới những tháng đầu năm nay cao và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Đây chính là cơ hội lớn để các doanh nghiệp chế biến thóc gạo đẩy mạnh xuất khẩu gạo. 4 tháng qua, chúng tôi đã xuất khẩu được khoảng 600 tấn gạo, giá trị đạt hơn 300.000 USD.

Đúng như nhận định của Công ty TNHH Hưng Cúc, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, tình hình xuất khẩu gạo trong quý II của Việt Nam vẫn duy trì đà tăng mạnh. Ở thị trường các nước châu Âu, theo Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch là 80.000 tấn gạo xuất khẩu. Khi doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu theo quy định thì được hưởng ưu đãi với mức miễn thuế là 175 Euro/tấn. Các thị trường như Philippines, Indonesia và một số nước châu Phi đang có kế hoạch nhập khẩu gạo với số lượng lớn để tăng dự trữ lương thực; trong khi đó nguồn cung gạo từ một số nước như Ấn Độ, Pakistan... rất hạn chế. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo, nhất là nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến dồi dào khi nông dân bắt tay vào thu hoạch lúa vụ chiêm xuân.

Gần như từ bỏ thị trường xuất khẩu gạo, Công ty TNHH Liên Hạnh tập trung cho chế biến sâu các sản phẩm từ gạo để phát triển doanh nghiệp.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó

Thái Bình có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến gạo, trong đó có 4 doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp phép đủ điều kiện xuất khẩu gạo, một số doanh nghiệp liên kết xuất khẩu ủy thác. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm nay, chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu với sản lượng khoảng 600 tấn. Giữa lúc thị trường xuất khẩu gạo đang nhộn nhịp, giá cả tăng cao, việc các doanh nghiệp không nắm bắt được cơ hội để tiêu thụ là tín hiệu bất thường đáng quan tâm với nhiều câu hỏi.

Công ty TNHH Hưng Cúc có đơn hàng xuất khẩu gạo nhiều năm qua, song từ đầu năm đến nay, dường như doanh nghiệp này cũng chỉ duy trì ở mức ổn định giữ chân bạn hàng chứ không chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu. 

Ông Hà Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty chia sẻ: Giá lúa gạo và nhu cầu thị trường thế giới tăng cao nhưng chúng tôi không thể mở rộng xuất khẩu được bởi thiếu nguyên liệu, khả năng dự trữ của doanh nghiệp có giới hạn, việc mua mới cũng rất hạn chế. Khó nhất hiện nay là giá thu mua đầu vào rất cao nhưng cũng không dễ tiếp cận, cạnh tranh, cộng với chi phí vận chuyển từ miền Trung ra cao nên dù có tăng sản lượng xuất khẩu thì lợi nhuận cũng không đáng kể. Chính vì vậy, chủ trương của chúng tôi là chú trọng chăm sóc tốt bạn hàng và chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Là một trong những doanh nghiệp lớn, có uy tín về chế biến, xuất khẩu gạo ở Thái Bình nhưng không phải bây giờ mà gần 2 năm qua, Công ty TNHH Liên Hạnh (cụm công nghiệp thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư) đã chuyển hướng không đầu tư nhiều cho xuất khẩu gạo mà tập trung phát triển thị trường trong nước và chế biến sâu các sản phẩm từ gạo. 

Ông Trần Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cho biết: Trước đây mỗi năm chúng tôi xuất khẩu hơn 10.000 tấn gạo. Thế nhưng nhận thấy sự cạnh tranh và những tiêu chuẩn về gạo của các nước ngày càng khắt khe trong khi điều kiện của ta nhiều bất cập nên chúng tôi thay đổi chiến lược phát triển. Cái khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Thái Bình nói riêng, các doanh nghiệp phía Bắc nói chung là không có vùng nguyên liệu chuyên canh đủ lớn, ổn định để thực hiện chuỗi sản xuất đáp ứng đơn hàng của đối tác. Cùng với đó, xu hướng người tiêu dùng sử dụng gạo dinh dưỡng, gạo chất lượng cao organic thì chúng ta gần như chưa có.

Cần có giải pháp để khơi thông

Để đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến lúa gạo mong có vùng nguyên liệu đủ lớn tại chỗ. Ông Hà Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc cho rằng: Chỉ khi có nguồn nguyên liệu tại chỗ, doanh nghiệp mới kiểm soát được chất lượng và giảm được chi phí vận chuyển, có sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Thực tế, sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp khó về tài chính dẫn đến không kịp thu mua lúa ở thời điểm giá tốt để dự trữ. Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về tín dụng giúp các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo phục hồi và đủ sức tham gia vào thị trường xuất khẩu.

Còn ông Phạm Ngọc Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Khang Long (xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương) cho biết: Doanh nghiệp mong muốn nhà nước quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai để xây dựng nhà máy bảo đảm đủ lớn, đầu tư công nghệ chế biến hiện đại cho ra gạo chất lượng cao. Có hệ thống các nhà máy chế biến tốt, bảo đảm điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, xử lý nước thải bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, đó là những tiêu chí quan trọng để doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu gạo của các nước.

Các doanh nghiệp chế biến gạo chung một nhận định, tỷ lệ hấp thụ gạo của thị trường nội tỉnh và trong nước chiếm tỷ lệ lớn từ 60 - 70% nên sản lượng dành cho xuất khẩu không nhiều. Cả người dân và doanh nghiệp mong muốn hiện nay đó là làm sao nâng giá trị hạt gạo lên để tăng lợi nhuận. Câu trả lời là cần có sự quy hoạch các vùng chuyên canh giống lúa đặc sản, chất lượng cao, đồng thời sớm tập trung mọi nguồn lực để xây dựng thương hiệu cho lúa gạo của Thái Bình có tên trên bản đồ lúa gạo Việt Nam và thế giới.

Nguồn nguyên liệu thiếu, Công ty TNHH Hưng Cúc chỉ chế biến gạo đủ phục vụ thị trường trong nước, sản lượng xuất khẩu không đáng kể.

Khắc Duẩn