Chủ nhật, 19/05/2024, 14:44[GMT+7]

Vũ Thư: Mặt đê nát, dân khổ khi tham gia giao thông

Thứ 3, 23/05/2023 | 08:46:41
3,943 lượt xem
Mặt bê tông gãy nát, ổ gà, lồi lõm là thực trạng của tuyến đê Hồng Hà II qua địa bàn xã Tự Tân, Tân Lập (Vũ Thư) những năm gần đây. Không chỉ gây khó khăn, nguy hiểm cho người tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng đến công tác phòng, chống mưa lũ, cứu hộ đê trong mùa mưa bão.

Đường đê đoạn Cống Gù (xã Tân Lập) gãy nát, bụi mù mịt mỗi khi có xe lưu thông qua.

Ngoài nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn lũ, tuyến đê Hồng Hà II dài khoảng 5km nối từ xã Tự Tân đến xã Bách Thuận có vai trò là tuyến đường giao thông kết nối địa bàn với trung tâm huyện, phục vụ sản xuất, sinh hoạt, học tập của hàng nghìn hộ dân thôn Phù Sa (Tự Tân), thôn Trà Khê, Tăng Bổng (Tân Lập) và xã Bách Thuận. Tuy nhiên đến nay, mặt đê đoạn từ cống Phù Sa (xã Tự Tân) đến cống Gù (Tân Lập) đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đê được đổ bê tông từ nhiều năm trước, do thời gian và nhiều yếu tố tác động, từ 2 - 3 năm nay, mặt bê tông của tuyến đê bị gãy nát, tạo các khe hở lớn, ổ gà, ổ voi, gây khó khăn, nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Bê tông gãy nứt gây khó khăn, nguy hiểm cho người tham gia giao thông. 

Bà Trần Thị Khuyên và bà Trần Thị Bến, thôn Trà Khê, xã Tân Lập cho biết, vào giờ cao điểm, lưu lượng người tham gia giao thông qua tuyến đê khá cao, đặc biệt là học sinh, công nhân và người đi chợ. Do mặt đê xuống cấp nghiêm trọng nên người dân tham gia giao thông rất khó khăn, vất vả, thường xuyên xảy ra tai nạn tại đây. Để tránh tuyến đê này, người dân len lỏi vào các tuyến đường dân cư để đi, gây tình trạng giao thông xáo trộn, phức tạp tại địa bàn.

“Theo tôi, nguyên nhân chính gây ra mặt đê bị gẫy nát, xuống cấp nghiêm trọng là do nhiều thời điểm, xe chở vật liệu xây dựng quá tải trọng thường xuyên lưu thông trên tuyến đê. Kể cả sau này mặt đê có được cải tạo, nâng cấp, tôi cũng đề nghị các cấp, các ngành quan tâm ngăn chặn, xử lý triệt để xe quá tải trọng lưu thông trên đường đê, bảo vệ an toàn mặt đê giúp người dân đi lại thuận lợi hơn” - ông Trịnh Văn Loãn, thôn Phù Sa, xã Tự Tân chia sẻ thêm.

Địa bàn xã Tân Lập có 3,5km đê Hồng Hà II chạy qua, đồng thời đây cũng là tuyến giao thông chính phục vụ nhu cầu đi lại cho khoảng 50% dân số của xã, trong đó đoạn đê từ cống Gù đến chợ Cống dài hơn 500m đã xuống cấp rất nghiêm trọng. 

Ông Trần Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Do tai nạn thường xuyên xảy ra trên tuyến đê này nên người dân liên tục có phản ánh, kiến nghị với chính quyền địa phương. Dịp trước tết Nguyên đán Quý Mão, UBND xã đã đầu tư hơn 30 triệu đồng mua đá, thuê nhân công lấp các ổ gà, ổ voi, khe nứt lớn do gãy bê tông, tạo mặt phẳng tạm thời để nhân dân tham gia giao thông bớt khó khăn, đề phòng xảy ra tai nạn.

Mặt đê đoạn Cống Gù (xã Tân Lập) đã nứt gãy nghiêm trọng gây khó khăn, nguy hiểm cho người tham gia giao thông. 

Ông Nguyễn Văn Huyến, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Vũ Thư cho biết: Nhận thấy tuyến đê Hồng Hà II từ K161 đến K165+750 qua địa bàn các xã Bách Thuận, Tân Lập, Tự Tân đã xuống cấp, huyện đã chủ động khai thác, tranh thủ các nguồn lực để cải tạo nâng cấp mặt đê. Trong đó, đoạn xuống cấp nghiêm trọng nhất là từ K164 + 500 đến K165 + 750 từ điếm gác nước Phù Sa (Tự Tân), đến cống Gù (Tân Lập) sẽ được đầu tư nâng cấp, cải tạo thông qua dự án tu bổ xung yếu hệ thống đê điều giai đoạn 2021 - 2025. Khi dự án được triển khai, tuyến đê sẽ được đắp áp trúc, mở rộng mặt đê lên 7m (hiện nay là 4m) và cứng hóa bằng phương pháp rải bê tông nhựa asphalt để tăng độ bền. Dự án hiện bắt đầu được triển khai, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn lực, dự án để sớm nâng cấp đoạn đê còn lại, từ K161 đến K164+500 (qua địa bàn xã Bách Thuận, Tân Lập) nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt nâng cấp tuyến đê vững chắc góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân khi có thiên tai, mưa lũ xảy ra. Tuyến đê Hồng Hà II từ K161 đến K165+750 được cải tạo hướng đến mục tiêu kết nối, phát triển du lịch sinh thái làng vườn Bách Thuận và các vùng phụ cận, phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nâng cao đời sống nhân dân.

Quỳnh Lưu