Thứ 6, 22/11/2024, 21:16[GMT+7]

Khơi dậy khát vọng vươn lên của phụ nữ

Thứ 5, 25/05/2023 | 09:11:50
3,840 lượt xem
Khéo trong cách nói, khéo trong việc làm, các mô hình “Dân vận khéo” của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã góp phần khẳng định vai trò, vị trí của chị em phụ nữ trong xã hội, đặc biệt là xây dựng hình ảnh phụ nữ “Quê hương năm tấn” vừa giữ được vẻ đẹp truyền thống vừa năng động, sáng tạo và giàu lòng nhân ái.

Mô hình hũ gạo tình thương của Chi hội Phụ nữ thôn Bương Hạ Đông, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ).

Lắng nghe để thấu hiểu

Mồ côi bố, sống với mẹ sức khỏe yếu, không có việc làm, ở nhờ nhà bà ngoại, lại thuộc diện hộ cận nghèo, em Nguyễn Thị Hà Chinh, tổ 8, phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) đã được 1 nữ cán bộ nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ hàng tháng 500.000 đồng. Cùng với Chinh, trên địa bàn thành phố hiện có gần 300 trẻ mồ côi được các cấp hội nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ từ 200.000 - 500.000 đồng/trẻ/tháng.

Chị Nguyễn Thị An, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố chia sẻ: Xuất phát từ tình yêu thương của người mẹ, cán bộ, hội viên, phụ nữ đang nỗ lực để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho các em. Để thấu hiểu được hoàn cảnh, nghe được lời nói thật của hội viên, nhất là hội viên nghèo là việc không đơn giản. Phần lớn họ có hoàn cảnh khó khăn, số phận éo le, không may mắn, ít vốn liếng, không có việc làm hoặc có nhưng không ổn định, thiếu thông tin, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, thậm chí tự ti, mặc cảm nên ít giãi bày những tâm tư, tình cảm của mình với người khác. Do đó, nếu chỉ vận động bằng lời nói không thôi thì không đủ cơ sở thuyết phục mà phải bằng việc làm cụ thể. Đó cũng là cách dân vận nhằm thu hút nhiều cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia sinh hoạt hội, tích cực tham gia các phong trào thi đua khác của địa phương cũng như của tổ chức hội.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất các giải pháp hỗ trợ hội viên kịp thời là một trong những nội dung quan trọng khi phụ nữ làm công tác dân vận. Chính vì thế, các mô hình “Mẹ đỡ đầu”, biến rác thải thành tiền, phân loại rác thải tại nguồn, hiến đất làm đường, phát triển kinh tế đã thu hút nhiều chị em tham gia. Qua việc tuyên truyền, vận động của các cấp hội, nhiều phong trào, mô hình, hoạt động được chị em tích cực hưởng ứng, hình thành thói quen, hành động đẹp, lan tỏa tới cộng đồng xã hội.

Bà Nguyễn Thị Thu, thôn Đông Xá, xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) chia sẻ: Với nông dân thì đất đai là tài sản quý giá nhất, “tấc đất, tấc vàng”, đây cũng là kế sinh nhai. Tuy nhiên, làm đường giao thông cũng chính là để phục vụ cho việc đi lại của gia đình mình và người dân trong thôn, xã được thuận tiện hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, nhiều gia đình hội viên phụ nữ trong thôn tự nguyện hiến đất mở đường, gia đình tôi đã hiến hơn 100m2 đất thổ cư, đất vườn để làm đường, góp phần vào sự phát triển của quê hương.     

Em Nguyễn Thị Hà Chinh, tổ 8, phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) nhận hỗ trợ từ người đỡ đầu.

Khơi dậy khát vọng vươn lên  

Thương hiệu áo dài Trung Đồng của chị Nguyễn Thị Hiếu, thôn Ái Quốc, xã Nam Trung (Tiền Hải) từ lâu được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến. Chị Hiếu chia sẻ: Thời gian đầu mới mở cửa hàng, tôi là lao động duy nhất, làm đủ mọi việc từ lên ý tưởng, setup, trang trí, tư vấn bán hàng, chạy quảng cáo. Tôi tự mày mò, học hỏi, nghiên cứu các kiến thức về kỹ thuật cắt may, bán hàng, quản trị doanh nghiệp... để đưa thương hiệu áo dài Trung Đồng phát triển và có chỗ đứng nhất định. Nếu không thử sức sao biết mình làm được và thành công như hôm nay.

Chị Hiếu là một trong nhiều phụ nữ trong tỉnh khởi nghiệp thành công. Mô hình của các chị đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Để đồng hành, tiếp sức cho chị em hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, tổ chức hội các cấp đã kết nối để chị em tiếp cận vốn vay ưu đãi, tiếp cận chính sách, kiến thức, thị trường... Những hoạt động đó đã tạo động lực, khơi dậy sự sáng tạo, bản lĩnh vượt khó, giúp chị em trưởng thành và khẳng định vai trò làm chủ về kinh tế của mình trong gia đình và xã hội, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Chị Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thái Bình thời đại mới” với các tiêu chí cụ thể, phù hợp để xây dựng người phụ nữ Thái Bình phát triển toàn diện cả về đạo đức, nhân cách, trí tuệ, thể chất và năng lực. Vì vậy, nhiều chị em vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh tạo được chỗ đứng trên thương trường và thích ứng nhanh chuyển đổi số để hòa nhập và phát triển. Để thực hiện tốt các mô hình “Dân vận khéo”, đội ngũ cán bộ hội đã nêu cao tinh thần gương mẫu, tiên phong, sẵn sàng vì lợi ích chung của cộng đồng, bám sát các phong trào hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Thời gian tới, các cấp hội tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trên mọi lĩnh vực, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Bà Nguyễn Thị Thu (bên trái), thôn Đông Xá, xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) tự nguyện phá dỡ tường bao, hiến đất làm đường giao thông.

Xuân Phương