Thứ 7, 27/04/2024, 00:59[GMT+7]

Học thêm qua góc nhìn của học sinh

Thứ 3, 30/05/2023 | 10:58:16
4,623 lượt xem
Dạy thêm, học thêm luôn là một trong những chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội những năm qua. Rất nhiều ý kiến, nhiều khía cạnh của vấn đề đã được đưa ra, tuy nhiên, quan điểm, góc nhìn của học sinh - những người trong cuộc trực tiếp tham gia việc học thêm lại ít được quan tâm.

Học thêm xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực sự của học sinh thì mới đạt hiệu quả học tập cao.

Không thích, bị ép buộc học thêm

“Con ghét phải đi học thêm toán, mẹ thích thì mẹ đi mà học, mẹ đừng bắt con phải đi học nữa!”. Đó là phản ứng gay gắt của em Bùi Tiến Dũng, 13 tuổi, xã Minh Quang (Vũ Thư) khi mẹ thúc giục đi học thêm môn Toán tại nhà cô giáo. Cuộc trò chuyện của hai mẹ con diễn ra trong không khí căng thẳng, kết thúc bằng kết luận: “Không nói nhiều, đến nhà cô học ngay!” của mẹ em. 

Bùi Tiến Dũng chia sẻ: Bố mẹ em bắt buộc em phải đi học thêm tất cả các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Ngoài học thêm tại nhà cô giáo mà em đang học trên lớp, bố mẹ em còn tìm thêm các cô giáo có tiếng là dạy giỏi ngoài trường để xin cho em theo học. Ngày nào em cũng phải học thêm 1 - 2 ca sau khi tan trường, cả thứ bảy, chủ nhật. Em thực sự mệt mỏi, không muốn học thêm.

Em Bùi Minh Hoàn, lớp 8A, Trường THCS Minh Lãng (Vũ Thư) cho biết, ở vùng nông thôn nên em ít phải đi học thêm, thông thường 2 - 3 buổi/tuần ở những môn chính. Em yêu thích môn Toán nên việc học thêm môn Toán với em không là trở ngại; nhưng với môn Tiếng Anh em rất áp lực. Tuy nhiên, vì lo sợ không theo được chương trình trên lớp nên dù không thích em vẫn phải tìm lớp học thêm tiếng Anh.

Hiện nay, đời sống, thu nhập được nâng cao, các gia đình ngày càng quan tâm, đầu tư cho việc học tập của con em, nhu cầu học thêm ngày càng trở nên phổ biến. Qua nắm bắt thực tế, nhiều học sinh bắt đầu học thêm từ khi vừa học xong mẫu giáo, chưa vào lớp 1. Càng lớp lớn, tỷ lệ học sinh học thêm càng tăng, tập trung ở các môn như Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học. Phải chăng càng lớn, các em càng thích học thêm? Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ học sinh thích học thêm khá thấp, hầu hết các em không thích học thêm nhưng vì áp lực từ cha mẹ, thầy cô, các kỳ thi nên miễn cưỡng hoặc bị ép buộc học thêm.

Chủ động học thêm với môn học yêu thích

Mặc dù không nhiều nhưng vẫn có một số học sinh chủ động tìm đến các lớp, nhóm lớp, trung tâm để học thêm. Các em tìm đến lớp học thêm để củng cố, nâng cao kiến thức đã được học trên lớp, hoặc đơn giản vì học thêm các em có quyền lựa chọn giáo viên để học, thông thường các em sẽ chọn các thầy cô giáo dạy tốt, hiểu tâm lý, ít gây áp lực học tập cho học sinh. 

Em Phạm Hà Phương, lớp 5A2, Trường Tiểu học thị trấn Vũ Thư cho biết: Em chỉ thích học thêm mỗi môn Tiếng Anh vì cô giáo dạy thêm rất vui tính, chúng em học hiểu bài, tâm lý thoải mái nên các bạn đều thích học.

Yêu thích môn Toán từ nhỏ, em Nguyễn Minh Thu, lớp 11A1, Trường THPT Nguyễn Trãi thường tìm đến các thầy cô dạy giỏi môn Toán để học thêm. “Thời gian học trên lớp không đủ để thầy cô hướng dẫn, truyền đạt kiến thức nâng cao, không sâu sát được từng bạn trong khi lực học mỗi bạn khác nhau. Những buổi học thêm giúp em khắc phục điều đó. Tuy nhiên, em chỉ thích học thêm môn Toán mà em yêu thích thôi” - Minh Thu chia sẻ.

Thay vì học thêm, nhiều học sinh mong muốn được tham gia các hoạt động trải nghiệm, học các môn thể thao, nghệ thuật.

Những áp lực, hệ lụy từ học thêm

Mới đầu kỳ nghỉ hè nhưng “thị trường” học thêm đã bắt đầu sôi động, nhất là ở khu vực thành phố, trung tâm huyện, các địa phương có kinh tế phát triển. “Em nghĩ nghỉ hè là được xả hơi, thoải mái vui chơi sau 1 năm học thế nhưng bố mẹ em đã đăng ký cho em học thêm ở nhà cô giáo các môn Toán, Tiếng Anh, lịch học gần như ngày nào cũng có 1 - 2 ca. Bố mẹ sợ em nghỉ hè mải chơi, quên kiến thức. Em rất khó chịu vì điều này” - Nguyễn Bảo Hân, 12 tuổi, xã Tân Lập (Vũ Thư) chia sẻ.

Em Nguyễn Phương Mai, 14 tuổi, thị trấn Vũ Thư bày tỏ: Ngày nào em cũng học thêm ca 3 (kết thúc lúc 19 giờ) và mỗi tuần có 3 ngày sẽ phải học đến ca 4 (kết thúc lúc 21 giờ). Giữa các ca học, em phải tranh thủ ăn bánh mì chống đói. Học thêm nhiều khiến em thấy mệt mỏi và càng chán việc học. Nghỉ hè em được nghỉ học trên lớp nhưng các lớp học thêm thì không hề giảm, bố mẹ em không cho phép điều đó.

“Hầu như các cuộc hẹn với người thân, cơ hội đi vui chơi cùng bạn bè, cuối tuần về quê thăm ông bà... của em bị hủy do trùng lịch học thêm. Bố mẹ, thầy cô luôn ưu tiên cho một buổi học thêm hơn là sở thích, mong muốn được giải trí, vui chơi của học sinh” - Nguyễn Tuệ Nhi, 15 tuổi, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình cho biết.

“Không chỉ áp lực, chiếm quá nhiều quỹ thời gian trong ngày của em, học thêm nhiều còn khiến bố mẹ em sẽ phải vất vả lo khoản chi phí học thêm cho em và anh trai của em. Mỗi tháng, tiền học thêm của hai anh em hết hơn 2 triệu đồng, chiếm 1/5 thu nhập của bố mẹ, vì thế, em không muốn đi học thêm nhiều” - Bùi Ngọc Hảo, thôn Súy Hãng, xã Minh Lãng (Vũ Thư) bày tỏ suy nghĩ khá chín chắn so với tuổi 13 của em.

Ước mong của học sinh

Khá thẳng thắn khi được hỏi về mong muốn của bản thân trong việc học thêm, em Nguyễn Hải Nam, học sinh lớp 9, thành phố Thái Bình bày tỏ: Hiện nay, hầu hết học sinh đang học thêm một cách thụ động, miễn cưỡng vì sợ bố mẹ, thầy cô. Khi học với tâm thế này, em nhận thấy học sinh rất mệt mỏi, còn phụ huynh tốn tiền, hiệu quả lại thấp. Em mong muốn bố mẹ, thầy cô thực sự lắng nghe, thấu hiểu, cho chúng em quyền tự quyết định việc bản thân có cần thiết phải học thêm hay không, học thêm môn nào, thầy cô giáo nào, thời gian như thế nào hợp lý, bởi chính chúng em là người hiểu kiến thức của bản thân mình nhất.

Em Nguyễn Như Oanh, lớp 4A2, Trường Tiểu học thị trấn Vũ Thư chia sẻ: Em mong sẽ có ít bài tập về nhà, tất cả học sinh không phải đi học thêm, tan giờ học là được vui chơi. Nếu đi học em thích được đi học vẽ, học chơi đàn organ, đi bơi, học tiếng Anh ở các trung tâm chứ không thích đi học thêm.

Quan điểm, mong muốn của Hải Nam và Như Oanh cũng là góc nhìn của hầu hết học sinh các cấp trong việc học thêm. Tuy nhiên, dù là đối tượng chính, người trực tiếp hưởng thụ việc dạy thêm, học thêm nhưng hiện nay các bậc phụ huynh, các thầy cô chưa quan tâm, lắng nghe ý kiến của con em, học sinh. Từ đó dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, gây tác động tiêu cực cho chính học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước.

Nếu học thêm quá nhiều, học sinh sẽ có ít thời gian vui chơi, giải trí, phát triển kỹ năng sống. 

Phương Hiếu