Thứ 6, 22/11/2024, 00:29[GMT+7]

Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Thứ 4, 31/05/2023 | 09:02:42
3,204 lượt xem
Đến nay, tròn 10 năm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) có hiệu lực, thế nhưng tình trạng hút thuốc lá ở nơi có quy định cấm vẫn diễn ra; việc mua thuốc lá vẫn dễ dàng mọi lúc, mọi nơi đặt ra thách thức đối với các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong công tác PCTHCTL. Nhân ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Ủy viên thư ký Ban Chỉ đạo PCTHCTL tỉnh về kết quả PCTHCTL, hệ lụy do hút thuốc và giải pháp PCTHCTL thời gian tới.

Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe.

Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết những kết quả đạt được trong công tác PCTHCTL trên địa bàn tỉnh?
Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết: Từ khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được ban hành và có hiệu lực đến nay, công tác PCTHCTL đã được triển khai tương đối đồng bộ trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-UBND về việc tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và kế hoạch PCTHCTL hàng năm, thành lập đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành về thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh đó, từ năm 2015 đến nay với sự hỗ trợ của Quỹ PCTHCTL (Bộ Y tế), các hoạt động PCTHCTL trên địa bàn tỉnh được triển khai tích cực, đạt hiệu quả rõ rệt.

Kết quả nghiên cứu về PCTHCTL trên địa bàn tỉnh cho thấy, nếu như năm 2015 tỷ lệ hút thuốc nam giới là 47,2%, nữ giới là 0,5% thì đến năm 2018 tỷ lệ này ở nam là 45,3%, ở nữ là 0,4%, giảm 1,9% ở nam và 0,1% ở nữ. Đến nay, 90 - 95% sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo PCTHCTL và có kế hoạch xây dựng môi trường không khói thuốc (tăng 26% so với năm 2015); 100% cơ quan, đơn vị đã đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ; 94% cơ quan, đơn vị có gắn biển báo cấm hút thuốc lá; 100% trường học, bệnh viện đưa hoạt động PCTHCTL vào kế hoạch, báo cáo năm, ký cam kết thực hiện môi trường không khói thuốc, đưa nội dung PCTHCTL vào quy chế thi đua, khen thưởng; 100% bệnh viện đã treo các pa nô, biển báo về cấm hút thuốc lá. Toàn tỉnh đã xây dựng được mô hình điểm về PCTHCTL và nhân rộng thêm ở 8 bệnh viện, 95 trường học, 78 địa phương. Tỷ lệ người bỏ hút thuốc lá năm 2021 - 2022 tại các sở, ban, ngành đạt 8,6%, riêng ngành y tế đạt 28,9%.

Phóng viên: Năm nay, ngày Thế giới không thuốc lá có chủ đề “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá”.Thái Bình có những hoạt động gì để hưởng ứng ngày này, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết: Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm.

Ban Chỉ đạo PCTHCTL tỉnh đã có công văn chỉ đạo tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25 - 31/5/2023, đề nghị tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng... Các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh tích cực hưởng ứng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCTHCTL. Cùng với việc phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều địa phương còn treo khẩu hiệu, pa nô, áp phích, tổ chức cuộc thi vẽ tranh, hội nghị tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, biểu diễn tiểu phẩm về PCTHCTL.

Phóng viên: Quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc, nhà hàng, trên các phương tiện giao thông công cộng đã được ban hành từ lâu, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra. Phải chăng việc xử phạt chưa kiên quyết hay còn khó khăn, vướng mắc gì khi triển khai, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết: Cũng như nhiều tỉnh, thành phố, tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng ở Thái Bình tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến. Một số cơ quan, địa phương, việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá còn mang tính hình thức, chưa gắn với phong trào thi đua và chương trình xây dựng nông thôn mới. Ở một số nơi, lãnh đạo còn hút thuốc, chưa nêu gương của người đứng đầu nên việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa nghiêm túc. Bên cạnh đó, công tác giám sát, kiểm tra chủ yếu mới dừng ở mức độ tuyên truyền, nhắc nhở, chưa quyết liệt xử lý vi phạm hoặc có xử phạt nhưng rất ít, mới có một số bệnh viện thực hiện phạt hành chính. Các trường hợp vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá như hút thuốc lá tại nơi công cộng, tại cổng trường học, người nhà đi thăm bệnh nhân... vẫn còn. Một số địa phương chưa đưa nội dung hạn chế hoặc cấm hút thuốc lá tại lễ hội, đám cưới, đám tang vào quy ước, hương ước... Các yếu tố trên khiến công tác PCTHCTL của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Phóng viên: Không chỉ thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử đang len lỏi vào các trường học. Xin bác sĩ cho biết những tác hại của thuốc lá điện tử?
Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết: Gần đây, tình trạng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên hút thuốc lá điện tử có chiều hướng gia tăng. Thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng nói riêng đều có hại cho sức khỏe. Hậu quả và hệ lụy khi sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng gây ra khoảng 25 căn bệnh, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, đột quỵ, vô sinh, hiếm muộn... Nicotine có trong khói thuốc lá ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thanh thiếu niên, làm suy yếu sự trưởng thành não bộ, nghiêm trọng là nghiện, rối loạn nhận thức, tâm thần và cảm xúc, giảm khả năng học tập. Phơi nhiễm Nicotine tác động bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kỳ thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, gây hậu quả nghiêm trọng kéo dài đối với sự phát triển não bộ bào thai. Ngoài ra, hút thuốc lá có thể còn gây cháy, nổ, tai nạn thương tích...

Phóng viên: Để thực hiện hiệu quả công tác PCTHCTL cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và sự đồng tình hưởng ứng từ mỗi người dân. Theo bác sĩ, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và người dân cần phải làm gì?
Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết: PCTHCTL là hoạt động phải được duy trì thường xuyên, liên tục, lâu dài. Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần tiếp tục triển khai các giải pháp theo kế hoạch PCTHCTL của tỉnh. Ngoài công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cần tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ các sở, ban, ngành, huyện, thành phố và mạng lưới tuyên truyền viên trong việc thực thi Luật, nhất là việc thực hiện không hút thuốc lá nơi công cộng và nơi làm việc. Cùng với đó, kiện toàn ban chỉ đạo PCTHCTL các cấp, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức các đợt kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm tại địa điểm đã có quy định cấm trưng bày, bán thuốc lá, quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, tài trợ, các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Tiếp tục đưa nội dung PCTHCTL vào quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị, nêu cao vai trò người đứng đầu trong việc gương mẫu thực hiện không hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm; đưa việc hạn chế hoặc cấm hút thuốc lá tại lễ hội, đám cưới, đám tang vào hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; gắn với các phong trào thi đua; có lộ trình từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây hoa màu khác ở địa phương trồng cây thuốc lá.

Ngành y tế tăng cường tư vấn cai nghiện thuốc lá trong quá trình khám, điều trị cho người bệnh và xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại bệnh viện... Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức và nói không với thuốc lá vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, xây dựng môi trường không khói thuốc lá vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Hoàng Lanh
(thực hiện)