Thứ 2, 13/01/2025, 12:39[GMT+7]

Trực tuyến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án đường bộ cao tốc

Thứ 5, 01/06/2023 | 16:00:51
4,610 lượt xem
Sáng ngày 1/6, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hội nghị trực tuyến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án đường bộ cao tốc. Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay cả nước có trên 1.700km đường cao tốc. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, trong 3 năm tới phải nỗ lực triển khai khoảng 1.300 km đường cao tốc. Năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư của 6 dự án đường cao tốc (cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng , vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và vành đai 4 Hà Nội) với tổng chiều dài khoảng 1.300 km, tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng; trong đó có khoảng 500km giao cho các địa phương triển khai.

 Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình. 

Tại hội nghị, các đại biểu các bộ, ngành trung ương và các địa phương đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc. Trong đó thống nhất phải nâng cao nhận thức về vị trí vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển đường bộ cao tốc coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng. Do vậy các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, phát huy tính chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Các đơn vị tư vấn, cơ quan thẩm định, chủ đầu tư phải tập trung nỗ lực hoàn thành trong thời gian ngắn nhất với chất lượng cao nhất. Trong xây dựng cơ chế, chính sách phải có tính đột phá, đồng bộ, giảm thiểu các thủ tục hành chính và các khâu trung gian để tập trung trách nhiệm, rút ngắn thời gian thực hiện. Trong huy động nguồn lực phải xây dựng các phương thức hiệu quả nhằm huy động tối đa nguồn lực hợp pháp, kết hợp giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tăng cường thu hút nguồn vốn tư nhân, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức PPP. Trong tổ chức, thực hiện phải mạnh dạn phân cấp từ trung ương đến địa phương, áp dụng mô hình địa phương là cơ quan chủ quản đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc, nhằm phát huy tính tự lực, tự cường. Các bộ, ngành trung ương tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước, hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm. Sớm đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực cán bộ, hỗ trợ kỹ thuật các địa phương trong quá trình triển khai. Huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với việc tuyên truyền để nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân tham gia giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp khi triển khai đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng.

Nguyễn Thơi