Thứ 2, 06/05/2024, 17:22[GMT+7]

Thu ngân sách còn nhiều khó khăn

Thứ 4, 28/06/2023 | 06:38:37
11,766 lượt xem
Năm 2023, Thái Bình được Bộ Tài chính giao dự toán thu 10.184 tỷ đồng, trong đó tổng thu trừ tiền sử dụng đất 7.684 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng 5/2023, tổng thu nội địa chỉ đạt hơn 2.870 tỷ đồng, đạt 28% dự toán; trong đó, tổng thu trừ tiền sử dụng đất đạt hơn 2.083 tỷ đồng, đạt 27,1% dự toán.

Sản xuất tại Công ty TNHH Liên Hạnh. Ảnh: Khắc Duẩn

Khó chồng khó

Ngay từ đầu năm, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đặc biệt là ngành thuế đã chủ động thực hiện các giải pháp thu ngân sách như: tổ chức họp Ban Chỉ đạo thu ngân sách nhà nước tỉnh, trên cơ sở đó đề ra giải pháp thu cho từng lĩnh vực, khu vực, doanh nghiệp, địa bàn, hộ sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các sở, ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế; tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục hành chính thuế; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra thuế; tăng cường quản lý thu thuế xây dựng cơ bản vãng lai, thuế thương mại điện tử, tuyên truyền người nộp thuế thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền... Tuy nhiên, kết quả thu ngân sách trong những tháng đầu năm đạt thấp. Trong 16 chỉ tiêu thu do ngành thuế quản lý hầu hết đều đạt thấp so với dự toán như: thuế bảo vệ môi trường thu được 147 tỷ đồng, đạt 4,45% dự toán; thu cấp quyền khai thác khoáng sản chỉ được hơn 5 tỷ đồng, đạt 13,16% dự toán; thu tiền sử dụng đất đạt gần 787 tỷ đồng, đạt 31,48% dự toán; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 803 tỷ đồng, đạt 38,2% dự toán; lệ phí trước bạ thu được hơn 154 tỷ đồng, đạt 39,9% dự toán.

Ông Đỗ Hồng Nam, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Sở dĩ kết quả thu ngân sách trong những tháng đầu năm thấp là do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm cho giá nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, làm giảm số thuế phát sinh ước khoảng 200 tỷ đồng; thị trường bất động sản trầm lắng, việc hạn chế cho vay đầu tư bất động sản, vì vậy một số dự án khi đấu giá không thực hiện thành công, một số dự án đã có kết quả trúng đấu giá nhưng nhà đầu tư không có nguồn nộp ngân sách. Cùng với đó, chính sách giảm, gia hạn tiền thuế của Chính phủ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng kinh tế ảnh hưởng lớn đến nguồn thu phát sinh tại địa phương. Cụ thể, chính sách giảm 30% tiền thuê đất năm 2022 với số tiền hơn 51 tỷ đồng của 967 hồ sơ, dự kiến sẽ tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023 với số tiền dự kiến hơn 51 tỷ đồng; Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đã làm số thuế phát sinh của 4 tháng năm 2023 giảm 781 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, một số khoản thu đến nay đạt thấp là do chưa đến thời hạn nộp gồm thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thu tiền khu vực biển, thu hồi lợi nhuận sau thuế...

Cán bộ Chi cục Thuế huyện Thái Thụy kiểm tra việc sử dụng hóa đơn điện tử của hộ kinh doanh trên địa bàn thị trấn Diêm Điền.

Quyết liệt các giải pháp

Năm 2023, tỉnh Thái Bình được Bộ Tài chính giao dự toán thu nội địa 10.184 tỷ đồng, trong đó tổng thu trừ tiền sử dụng đất 7.684 tỷ đồng. Để hoàn thành được dự toán trong bối cảnh những tháng cuối năm tiếp tục gặp nhiều khó khăn đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đặc biệt là ngành thuế cần phải quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các giải pháp nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước. 

Ông Nguyễn Văn Duẩn, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực thành phố Thái Bình - Vũ Thư cho biết: Đến hết tháng 5/2023, tổng thu do Chi cục thực hiện mới chỉ đạt 25% dự toán, trong đó số thu từ thuế, phí và thu khác sau khi trừ tiền sử dụng đất đạt 37%. Chính vì thế, trong những tháng cuối năm Chi cục sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp, trong đó chú trọng khai thác các nguồn thu còn dư địa; tập trung vào công tác thu thuế của hoạt động xây dựng cơ bản tư nhân, ngành hàng kinh doanh theo chuỗi, dược phẩm, xăng dầu; tuyên truyền thu thuế từ hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; tăng cường công tác thu nợ thuế, thực hiện các biện pháp thu nợ theo đúng quy trình quản lý và cưỡng chế nợ thuế...

Cùng với chi cục thuế các huyện và các chi cục thuế khu vực, toàn ngành thuế tập trung bám sát diễn biến, dự báo những yếu tố ảnh hưởng đến từng chỉ tiêu thu, trên cơ sở đó xây dựng các giải pháp thu phù hợp bảo đảm thu ngân sách đạt kết quả cao nhất. 

Tại buổi làm việc với Cục Thuế tỉnh vừa qua, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo thu ngân sách nhà nước tỉnh; trong phân công và tổ chức thực hiện phải rõ ràng, trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ phải phát huy mối quan hệ đoàn kết, thống nhất, tập trung bàn bạc, thảo luận dân chủ; mỗi cán bộ ngành thuế phải chủ động, quyết tâm, nỗ lực, có nhiều đổi mới, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành thuế tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo chuyển biến trong công tác thu ngân sách nhà nước; triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu theo đúng quy định vào ngân sách nhà nước; tập trung rà soát, kiểm tra, giám sát, đối chiếu hồ sơ kê khai của người nộp thuế; chủ động khai thác những khoản thu còn dư địa chưa thực hiện thu triệt để, chú trọng thu thuế bảo vệ môi trường và thu thuế, phí của các cơ sở sang, chiết nạp gas; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế...

Các doanh nghiệp tích cực mở rộng, duy trì sản xuất để nộp kịp thời các khoản thuế vào ngân sách. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất ở Công ty TNHH Thương mại dệt may An Nam. 

Minh Hương