Thứ 7, 27/04/2024, 20:40[GMT+7]

Xuất nhập khẩu đạt trên 316 tỷ USD trong nửa năm 2023

Thứ 6, 30/06/2023 | 09:30:45
1,465 lượt xem
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã vượt 316 tỷ USD sau nửa đầu năm 2023.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 năm nay ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước. Như vậy, đây là tháng thứ 2 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa có xu hướng tăng trưởng sau thời gian dài giảm sâu nhờ tác động của hoạt động xúc tiến thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ.

Rau quả là một trong những mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh, đóng góp vào tăng trưởng chung của xuất khẩu thời gian qua.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 6, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 361 triệu USD, tăng tới 206,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong nửa đầu tháng 6 còn vượt thủy sản để trở thành nhóm hàng lớn nhất của lĩnh vực nông, thủy sản.

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 6 đã đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả tính từ đầu năm đến 15/6 lên 2,387 tỷ USD, tăng 55,4% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương kim ngạch tăng thêm 851 triệu USD.

Hiện rau quả là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong lĩnh vực nông sản. Đặc biệt, sầu riêng là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh thời gian qua sau khi được Trung Quốc mở cửa nhập khẩu chính ngạch.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 đã giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của sự suy giảm này là do tình hình xuất nhập khẩu còn rất nhiều khó khăn khi các thị trường nhập khẩu chìm sâu vào lạm phát, nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh ở nhiều mặt hàng chủ lực của nước ta.

6 tháng đầu năm có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).

Khó khăn về thị trường, khi EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều giảm mua hàng từ Việt Nam, khiến cả 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD đều giảm từ 8,2 - 17,9% so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 17,9%, mang về 24,3 tỷ USD; máy vi tính, điện tử và linh kiện đạt 25,2 tỷ USD, giảm 9,3%, máy móc thiết bị phụ tùng khác đạt 19,73 tỷ USD, giảm 8,2%, trong khi hàng dệt may, giày dép giảm lần lượt 15,3% và 15,2%, tương đương 15,75 tỷ USD và 10 tỷ USD.

Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa sang tất cả các thị trường lớn đều giảm. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 44,2 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ, Trung Quốc đạt 25,6 tỷ USD, giảm 2,2%, xuất khẩu sang EU đạt 21,6 tỷ USD, giảm 10,1%, sang Nhật Bản đạt 11 tỷ USD, giảm 3,3%, sang ASEAN đạt 16,3 tỷ USD, giảm 8,7%, Hàn Quốc 10,9 tỷ USD, giảm 10,2%,

Điểm sáng là xuất khẩu sang Trung Quốc đang hồi phục khá mạnh, kéo lùi mức giảm 6,8% của 5 tháng về mức giảm 2,2% sau 6 tháng.

Về nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 26,71 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước và giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 6 ước tính xuất siêu 2,59 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,2 tỷ USD).

Về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 50,1 tỷ USD.

Theo vtv.vn