Thứ 6, 22/11/2024, 13:50[GMT+7]

Tạo cú hích cho công nghiệp nông thôn phát triển

Thứ 6, 30/06/2023 | 14:49:51
14,254 lượt xem
Trong 10 năm qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh được tiếp cận các nguồn vốn khuyến công. Chương trình khuyến công đã thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo tồn phát triển nghề truyền thống, bảo vệ môi trường.

Được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, Doanh nghiệp tư nhân Điện cơ Thiên Thuận đầu tư hệ thống máy móc hiện đại phục vụ sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao.

Công ty TNHH Liên Hạnh (cụm công nghiệp thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư) chuyên chế biến lúa gạo và sản xuất bún tươi, bún, phở khô, phở ăn liền với thương hiệu ViOne. Được sự hỗ trợ của Sở Công Thương từ chương trình khuyến công quốc gia, Công ty đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng trang bị máy bắn màu phục vụ chế biến gạo xuất khẩu và dây chuyền khép kín sản xuất bánh phở khô, bánh đa khô tự động. Nhờ máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại nên chất lượng sản phẩm nâng lên, được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao. Mỗi năm, Công ty cung cấp ra thị trường gần 10.000 tấn gạo và hàng triệu sản phẩm bún tươi, phở ăn liền ViOne cho doanh thu gần 400 tỷ đồng. 

Ông Trần Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cho biết: Bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn đầu tư, chương trình khuyến công còn giúp chuyển giao khoa học kỹ thuật làm chủ máy móc, công nghệ, đào tạo tay nghề cho lao động; đây thực sự là nguồn tiếp sức quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tự tin đổi mới, phát triển.

Dây chuyền khép kín sản xuất bánh phở khô, bánh đa khô tự động của Công ty TNHH Liên Hạnh được hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn khuyến công.

Không riêng Công ty TNHH Liên Hạnh, trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh có 947 doanh nghiệp, cơ sở CNNT được thụ hưởng chính sách khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ gần 72 tỷ đồng từ nguồn khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương. Các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc hiện đại, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã giúp doanh nghiệp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. 

Ông Ngô Quang Văn, Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Thiên Văn (huyện Thái Thụy) cho biết: Mặc dù sản phẩm vành xe máy, xe đạp của Thiên Văn mới ra đời nhưng đã nhanh chóng thâm nhập thị trường, chiếm lĩnh được niềm tin của đối tác khách hàng và người tiêu dùng nhờ mẫu mã đẹp, chất lượng cao, giá cả hợp lý. Có được điều đó là nhờ chúng tôi đã đầu tư hiện đại hóa dây chuyền sản xuất với sự hỗ trợ thiết thực từ chương trình khuyến công.

Nhằm giúp các doanh nghiệp, cơ sở CNNT phát triển và hội nhập, những năm qua, Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) đã tập trung hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho người lao động. Đã có 15.520 lao động nông thôn được đào tạo nghề may công nghiệp, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành máy nông nghiệp... Đặc biệt, Trung tâm còn hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT. 

Bà Trần Thị Diễn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết: Từ năm 2012 - 2022, chúng tôi đã tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý, khởi sự doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, tăng cường khả năng kinh doanh cho 3.593 cán bộ quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã sản xuất CNNT. Sau đào tạo, các doanh nhân đã nâng cao nhận thức pháp luật, xây dựng được ý tưởng, lập kế hoạch kinh doanh, phân tích khách hàng tiềm năng, đối thủ cạnh tranh, kế hoạch marketing, chuẩn hóa quy trình sản xuất tạo ra đột phá phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức tập huấn cho các cơ sở CNNT về an toàn điện; an toàn thực phẩm; quy trình thực hiện sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, làng nghề với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng.

Nhìn lại hơn 10 năm thực hiện chương trình khuyến công, ông Trần Ngọc Phúc, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Từ nguồn “vốn mồi” của nhà nước được đầu tư, hỗ trợ đúng đối tượng, đúng nội dung và được giám sát chặt chẽ đã thu hút được nguồn lực lớn từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư cho phát triển khu vực CNNT. Trong tổng số gần 382 tỷ đồng được huy động để thực hiện 466 chương trình, đề án khuyến công thì kinh phí đối ứng của các doanh nghiệp, cơ sở CNNT gần 310 tỷ đồng. Đây là nguồn lực đáng kể đầu tư phát triển CNNT, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các địa phương.

Khắc Duẩn