Chủ nhật, 24/11/2024, 04:43[GMT+7]

Giải bài toán xử lý rơm, rạ sau thu hoạch

Thứ 3, 04/07/2023 | 09:00:54
2,274 lượt xem
Theo tính toán, tại Thái Bình, để tạo ra sản lượng 1 triệu tấn thóc nông dân cũng tạo ra lượng rơm, rạ khổng lồ khoảng 1,2 triệu tấn, trong đó lượng rơm chiếm khoảng 480.000 tấn. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng rơm, rạ hiện nay còn nhiều bất cập.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 30 máy cuộn rơm, rạ.

Theo Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, với lượng rơm này nếu được thu gom toàn bộ và tạo giá trị thị trường có thể thu về từ 480 - 500 tỷ đồng/năm, tương đương 200.000 đồng/sào/năm hoặc có thể làm thức ăn xơ thô cho khoảng 88.000 con trâu, bò (gấp 1,55 lần đàn trâu, bò hiện có của tỉnh) hoặc có thể sản xuất được khoảng 150.000 tấn nấm ăn với giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong những năm qua, chỉ một phần nhỏ lượng rơm, rạ được sử dụng làm thức ăn cho trâu, bò, sản xuất nấm và làm vật liệu phủ luống cho trồng rau màu. Phần lớn rơm, rạ còn lại sau khi thu hoạch được nông dân đốt hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Khi đốt rơm, rạ tạo ra khói bụi làm ô nhiễm không khí, che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông, đất bị chai cứng, thoái hóa. Phần rơm, rạ đưa ra đường giao thông gây cản trở giao thông hoặc khi đẩy trực tiếp xuống các dòng sông, mương máng gây ô nhiễm nguồn nước, ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến công tác tưới, tiêu. Đặc biệt, với lượng lớn rơm, rạ để lại trên cánh đồng, thời gian chuyển ngắn, nếu không xử lý tốt dễ gây hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho lúa vụ sau.

Trước thực tế đó, các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm từng bước thay đổi nhận thức, thói quen trong việc xử lý rơm, rạ của người dân. Ngành nông nghiệp đã xây dựng các mô hình xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm vi sinh... Mặc dù vậy, việc thu gom, xử lý mới chỉ được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp thủ công, một phần rất nhỏ được thu bằng máy cuộn rơm. 

Bà Phạm Thị Hiên, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Số máy cuộn rơm trên địa bàn tỉnh mới có khoảng 30 chiếc. Trong khi đó, để thu được toàn bộ rơm của 75.000ha lúa mỗi vụ cần từ 600 - 700 máy với công suất mỗi máy thu được từ 5 - 6ha/ngày hoặc 1.000 - 1.100 máy cuộn rơm gắn vào máy kéo với công suất 3 - 4ha/ngày.

Để tăng cường áp dụng cơ giới hóa vào khâu thu gom rơm, rạ, bảo đảm tiến độ gieo cấy, nhất là thời gian chuyển từ vụ xuân sang vụ mùa; khuyến khích các HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại, đại điền... đầu tư trang bị máy thu gom rơm, rạ, tạo mối liên kết giữa cơ sở bán máy - cơ sở thu gom - cơ sở thu mua rơm, rạ, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã tổ chức hội thảo trình diễn máy cuộn rơm, rạ đa lợi ích cho nhà nông. 

Ông Đỗ Văn Dân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đại điền Thái Bình cho biết: Khi sản xuất với quy mô lớn, vấn đề giải quyết rơm, rạ mới thực sự đưa ra. Qua tham quan, tìm hiểu tại hội thảo do Trung tâm Khuyến nông Thái Bình tổ chức, chúng tôi thấy máy cuộn rơm, rạ mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế, môi trường, xã hội. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền với các thành viên  Câu lạc bộ để trang bị máy cuộn rơm. Tôi cũng mong nhà nước có cơ chế hỗ trợ trang bị máy cuộn rơm, rạ để khuyến khích nông dân đầu tư.

Là chủ doanh nghiệp chuyên thu mua rơm, rạ được thu gom bằng máy, ông Mai Văn Tĩnh, Giám đốc Công ty TNHH Uyên Tĩnh, xã Bình Định (Kiến Xương) cho biết: Rơm, rạ sau khi thu gom từ các chủ máy được công ty xuất khẩu sang một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... làm thức ăn cho trâu, bò hoặc nghiền làm chất xơ cho sản xuất cám; bán cho các công ty chăn nuôi làm thức ăn cho trâu, bò, dê... Với giá mua từ 22.000 - 25.000 đồng/cuộn từ 18 - 20kg, một sào cho thu từ 5 - 7 cuộn, người dân có nguồn thu đáng kể từ rơm, rạ. Thái Bình có diện tích đất gieo cấy lúa lớn, sản lượng rơm, rạ sau thu hoạch nhiều, chúng tôi cam kết sẽ thu mua không hạn chế về số lượng.

Ông Trần Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho rằng, việc thu gom và tận dụng được rơm, rạ (phụ phẩm trồng trọt) để làm nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất nông nghiệp khác có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn, bảo vệ đất, môi trường sinh thái, nâng cao giá trị cho ngành sản xuất lúa. Trong bối cảnh lực lượng lao động nông nghiệp có xu hướng chuyển dịch sang các ngành công nghiệp, dịch vụ, máy cuộn rơm được xem là một trong những giải pháp cơ giới hóa hiệu quả giúp các hộ sản xuất giải quyết được bài toán sau thu hoạch, gia tăng thu nhập. Trung tâm đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, bổ sung máy cuộn rơm, rạ vào danh mục máy nông nghiệp được hỗ trợ để trình tỉnh xem xét như đã hỗ trợ máy làm đất, máy gặt, máy cấy...

Nông dân xã Bình Định (Kiến Xương) tận dụng rơm làm nguyên liệu trồng nấm.


Ngân Huyền