Thứ 2, 25/11/2024, 19:27[GMT+7]

Những đứa trẻ trên hành trình chông chênh

Thứ 5, 06/07/2023 | 08:25:03
2,511 lượt xem
Đứa trẻ nào cũng khát khao được cha mẹ yêu thương, quan tâm, chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ, đồng hành, lắng nghe những chuyện buồn vui... Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn hoặc mong muốn cải thiện kinh tế gia đình, nhiều ông bố, bà mẹ đi xuất khẩu lao động, để con ở nhà nhờ người thân chăm sóc. Những đứa trẻ ấy được chăm lo đầy đủ về vật chất nhưng cũng không tránh khỏi sự hụt hẫng về tinh thần vì phải xa vòng tay của cha mẹ từ rất sớm.

Bà Phạm Thị Loan, xã Song An (Vũ Thư) chăm sóc các cháu ngoại chu đáo khi con gái và con rể đi xuất khẩu lao động nhiều năm nay.

Gần 6 năm trước, vợ chồng chị Nguyễn Thị Phượng, anh Nguyễn Huy Bình, xã Song An (Vũ Thư) cùng đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản khi con trai lớn 6 tuổi, con trai út 4 tuổi. Kể từ đó hai cháu được bà ngoại trực tiếp chăm lo, dạy dỗ. Hàng tháng anh chị đều gửi tiền về để ba bà cháu ở nhà chi tiêu, sinh hoạt, học hành nên các cháu không thiếu thốn, thậm chí được chăm lo tốt hơn về vật chất. Tuy nhiên, những mong muốn đơn giản, nhỏ nhoi đối với một đứa trẻ như hàng ngày được bố mẹ yêu thương, vui đùa, cùng thổi nến ngày sinh nhật... thì cháu không có được trong nhiều năm qua. 

“Bà rất chiều chuộng, chăm lo cho anh em con nhưng con vẫn thích ở với bố mẹ hơn. Con rất nhớ mẹ. Con chỉ ước mẹ về ở nhà hẳn với con thôi” - cháu Nguyễn Thiện Nhân, con trai út của chị Phượng chia sẻ. 

Còn bà Phạm Thị Loan, mẹ đẻ chị Phượng bày tỏ: Các cháu mỗi ngày một lớn, tôi ngày càng già đi, xã hội hiện nay lại nhiều tác động tiêu cực, tôi chỉ chăm sóc các cháu ăn uống được chứ dạy dỗ thì khó lắm. Vì vậy, tôi cũng khuyên vợ chồng con gái thu xếp công việc, sang năm về nhà làm ăn để các cháu được ở gần bố mẹ, thuận tiện việc quản lý, giáo dục.

Bà Trương Thị Hiên, thôn Kiều Thần, xã Song An (Vũ Thư) quan tâm việc học của các cháu khi con trai, con dâu đi lao động ở nước ngoài.

Ở tuổi gần 70, bà Trương Thị Hiên, thôn Kiều Thần, xã Song An đóng vai trò vừa là bố vừa là mẹ của 2 cháu nội bởi con trai và con dâu của bà đều đi xuất khẩu lao động, gửi con ở nhà để bà chăm giúp. Hàng ngày bà Hiên chăm lo cho 2 cháu từng miếng ăn, giấc ngủ, uốn từng nét chữ, đưa đón các cháu mỗi ngày 4 lượt đến trường, lo lắng lúc cháu nóng sốt... Vất vả thế nhưng bà không quản ngại bởi bà hiểu những thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm của 2 cháu. 

“Các cháu đang ở độ tuổi mầm non, tiểu học, rất cần vòng tay chăm sóc, vỗ về của bố mẹ, vậy mà phải xa biền biệt như thế các cháu cũng khát khao, nhớ thương bố mẹ lắm. Dù tôi có bù đắp, chăm lo như thế nào đi nữa thì cũng không thể thay thế được bố mẹ các cháu” - bà Hiên bày tỏ lòng mình.

Sau thời gian dài băn khoăn, cân nhắc, để có thu nhập tốt hơn lo cho gia đình, chị Nguyễn Thị Hằng, tổ dân phố Minh Hòa, thị trấn Vũ Thư quyết định đi xuất khẩu lao động, gửi lại con trai, con gái cho chồng và bố mẹ chồng ở nhà nuôi dạy, chăm sóc. Phải chăng vì phải xa mẹ sớm, ở tuổi 13 nhưng cô bé Lâm Bảo Yến, con gái chị Hằng dường như chững chạc hơn so với các bạn. 

Bảo Yến cho biết: Cháu biết, mẹ vì muốn có điều kiện chăm lo cho chị em cháu nên mới phải đi nước ngoài lao động. Cháu rất thương và nhớ mẹ. Chị em cháu sẽ cố gắng chăm ngoan, học hành để mẹ yên tâm làm việc, vài năm nữa mẹ sẽ về với chị em cháu”.

Tuy nhiên, không phải cô bé, cậu bé nào cũng hiểu chuyện như Lâm Bảo Yến. Ở độ tuổi còn khá nhỏ, sự phát triển của những đứa trẻ phải xa bố mẹ, phụ thuộc khá lớn vào môi trường xung quanh và sự quan tâm, giáo dục trực tiếp của ông bà. Trong khi đó, ông bà thường cao tuổi, khó có thể quản lý chặt chẽ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cháu, nhất là những cháu đang ở độ tuổi dậy thì, tập làm người lớn. Vì thế đã xảy ra không ít trường hợp bố mẹ đi xuất khẩu lao động, gửi con ở nhà nhờ ông bà chăm sóc giúp nhưng không hề hay biết hoặc khi biết đã khá muộn, con đã bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo, nghiện chơi điện tử, hút thuốc lá, bỏ bê việc học hành, thậm chí có trường hợp mang bầu ở tuổi học sinh... Do không được bố mẹ gần gũi, quản lý, giáo dục, chia sẻ, định hướng mỗi ngày nên chuyện con trẻ đi sai đường ở các gia đình có cả bố và mẹ đi làm ăn xa dễ xảy ra hơn.

Không thể phủ nhận thu nhập từ xuất khẩu lao động khá hấp dẫn và giúp nhiều gia đình nâng cao mức sống. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ chỉ đi trên hành trình tuổi thơ của mình có một lần và hành trình đó sẽ chông chênh biết bao nếu thiếu đi bàn tay vững chãi của cha, cái ôm ấm áp, nụ cười hiền hậu của mẹ.

Hà Phương