Thứ 2, 29/07/2024, 19:18[GMT+7]

Mẹ Nghệ

Thứ 6, 07/07/2023 | 15:32:50
2,702 lượt xem
Tôi phải lựa rất lâu mới chụp được bức ảnh thương binh Phạm Ngọc Sơn ngồi an ủi cụ Trần Thị Nghệ, 95 tuổi là mẹ liệt sĩ Phạm Văn Đương ở thôn Cao Phú, xã Minh Phú (Đông Hưng). Phút giây ấy im lặng tôi không thể nào quên và không thể hỏi thêm được cụ Nghệ điều gì trong ngày cụ và gia đình đón hài cốt của người con trai yêu quý trở về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng. Chìa ra phía trước đôi bàn tay nhỏ, cánh tay khẳng khiu, cụ Nghệ ôm lấy di ảnh của con trai mà khóc không thành tiếng, gò má cụ nhăn lại, nước mắt chảy vào trong tự bao giờ.

Thương binh Phạm Ngọc Sơn chia sẻ, động viên cụ Trần Thị Nghệ, 95 tuổi, mẹ liệt sĩ Phạm Văn Đương, thôn Cao Phú, xã Minh Phú (Đông Hưng).

Tôi được chứng kiến giây phút xúc động nghẹn ngào ấy của cụ Trần Thị Nghệ vào ngày 8/6/2023 khi cấp ủy, chính quyền, Hội Cựu chiến binh xã, Câu lạc bộ hỗ trợ gia đình liệt sĩ thuộc Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Thái Bình và gia đình tổ chức lễ đón hài cốt, lễ truy điệu, lễ an táng hài cốt liệt sĩ Phạm Văn Đương tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng. Ba ngày sau, tôi trở lại thôn Cao Phú thăm cụ Trần Thị Nghệ. Cụ Nghệ ngồi lọt trên chiếc xe lăn trước hiên nhà. Anh con trai út của cụ là Phạm Văn Duyên nói với tôi: “Mẹ em hai lần bị ngã rồi, giờ không đi lại được, phải dùng xe lăn từ mấy năm nay. Mẹ tỉnh táo và nhớ mọi việc trong nhà lắm!”. Nghe con trai giới thiệu về mình như vậy, cụ Nghệ ngước mắt và nhận ra tôi, cụ cất tiếng: “Chú lại về thăm bà lão đấy à! Bà lão hôm nay khỏe rồi, việc của em Đương được xã lo chu toàn. Từ rày bà lão có thể yên tâm mà nhắm mắt đi cùng ông Đảm và con trai Đương lúc nào cũng được rồi!”.

Tôi ngồi lại bên cụ Nghệ lắng ghi những thì thầm chậm rãi của người mẹ liệt sĩ: Thằng Đương là con thứ ba đấy! Hai chị gái đầu của nó chê bố mẹ nghèo nên vừa ra đời nó đã bỏ đi vội. Mãi năm 1956, tôi mới đẻ em Đương, sau Đương còn năm người em nữa, hai em trai và ba người em gái. Năm 1974, ở xã Đồng Phú (Minh Phú) liên tục nhận được tin buồn, trên người ta gửi giấy báo tử ông Nguyễn Tiến Liễu, rồi ông Phạm Văn Đản và báo tử mấy người nữa về xã, về làng ai cũng buồn thương. Năm ấy Đương chưa tròn 18 tuổi, người nó gầy lắm. Một buổi chiều đi sinh hoạt thanh niên từ trên xã về, nó cầm theo tờ giấy và khoe với bố mẹ: Bố thì già rồi, nhà mình lại chưa có ai đi bộ đội, con tình nguyện đi bộ đội bố mẹ nhé, con có giấy gọi khám tuyển bộ đội rồi đây! Ông Đảm nhà tôi bảo với em Đương: Con gầy yếu thế thì vượt Trường Sơn vào miền Nam sao được. Đương nó quả quyết, ở xã nhiều người còn bé nhỏ hơn con mà vẫn vượt được Trường Sơn đó thôi. Con đi bộ đội giải phóng miền Nam xong rồi con về với bố mẹ, bố mẹ cứ yên tâm - Những lời nói quyết tâm đi bộ đội của con trai Phạm Văn Đương được cụ Nghệ kể lại cho tôi nghe như vậy.

Đầu tháng 12/1974, Phạm Văn Đương nhập ngũ, được biên chế trong đội hình Trung đoàn 2, Sư đoàn 500, Quân khu 7 (E2, F500, QK7) hai tháng huấn luyện bên xã Minh Châu, nay sáp nhập cùng Đồng Phú thành xã Minh Phú. Trước ngày vượt Trường Sơn vào miền Nam đánh giặc, Đương được về qua nhà có hai giờ đồng hồ tạm biệt bố mẹ rồi biền biệt chiến trường. Sau ngày 30/4/1975, miền Nam được giải phóng, Đương có viết thư về cho bố mẹ và nhắn sẽ được đơn vị cho nghỉ phép ra Bắc, nhưng sau bức thư ấy thì biệt tăm luôn. Đơn vị của Đương làm nhiệm vụ tiễu phỉ và Fulro ở biên giới Tây Nam. Ngày 25/1/1976, Phạm Văn Đương hy sinh. Hài cốt liệt sĩ Phạm Văn Đương được đơn vị quy tập và đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh.

Lý do gia đình cụ Nghệ biết được thông tin quý giá này là do ở xã Minh Phú có gia đình anh chị Cúc Đức hiện đang làm việc và cư trú tại quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh thông tin về cho gia đình. Có được thông tin phần mộ của con, cụ Nghệ ngày đêm thao thức và mong muốn được đón con về quê hương. Anh Phạm Văn Duyên kể rằng, nhiều năm trước cứ mỗi lần đến ngày giỗ của anh trai, mẹ Nghệ lại nhắc: Bao giờ có dịp được vào thắp hương cho thằng Đương và đón nó về quê hương. Chiều theo ý nguyện của mẹ vì thương nhớ anh Đương mà sầu héo, dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/2011, Phạm Văn Duyên đã trực tiếp đưa mẹ Nghệ vào nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh để thắp hương cho anh trai. Duyên bật khóc và xúc động kể cho tôi nghe, lần ấy anh đưa mẹ vào thắp hương phần mộ của anh trai mà không sao cầm được nước mắt. Dù âm dương cách biệt mẹ đã ôm lấy phần mộ của anh mà khóc: “Con ơi! Con Đương của mẹ ơi! Mẹ thương con lắm! Mấy chục năm rồi con biền biệt, mẹ mong ngóng ngày đêm, nay đã được gặp con rồi, con khôn thiêng phù hộ cho mẹ và các em của con nhé. Nay mai mẹ và các em sẽ vào đón con về với quê nhà...”. Sau lần đưa mẹ vào thăm và thắp hương phần mộ của anh trai, năm 2017 Phạm Văn Duyên lại cùng chị gái Phạm Thị Phương vào nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh thắp hương cho anh trai Phạm Văn Đương.

Tôi nhớ hôm xã Minh Phú làm lễ truy điệu và lễ an táng hài cốt liệt sĩ Phạm Văn Đương, trong bài điếu văn trang trọng do ông Phạm Minh Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã đọc trước vong linh liệt sĩ Phạm Văn Đương và các đại biểu có đoạn: “Xã Minh Phú tự hào đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, quê hương. Trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc bảo vệ Tổ quốc, gần 2.000 lượt người con ưu tú của quê hương Minh Phú đã tòng quân, kết thúc chiến tranh 262 người con của Minh Phú đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Minh Phú có 34 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1.065 người được tặng thưởng huân chương kháng chiến... Đảng bộ và nhân dân Minh Phú xin được chia sẻ đau thương và ghi nhận đóng góp của gia đình cụ Trần Thị Nghệ đã hiến dâng cho Tổ quốc người con ưu tú Phạm Văn Đương. Liệt sĩ Phạm Văn Đương đã góp phần làm rạng danh quê hương Minh Phú anh hùng”.

Cụ Nghệ đã 95 tuổi rồi, ở tuổi của cụ sống chết vô thường lắm. Nhưng tâm nguyện đón được con trở về yên nghỉ tại quê hương, cụ day dứt bao tháng năm nay đã hoàn thành. Ngày mai hay ngày kia và một ngày nào khác cụ Nghệ có phải rời cõi tạm, đó cũng là chuyện của một kiếp người, là chuyện của trái tim người mẹ thương con, dù người con của mẹ đã vì đất nước, vì nhân dân mà hiến trọn tuổi thanh xuân. Liệt sĩ Phạm Văn Đương có một người mẹ yêu thương anh như vậy.

Nguyễn Công Liêm
Thành phố Thái Bình