Thứ 7, 04/05/2024, 05:36[GMT+7]

Kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong 15/7 Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế: Khẳng định bản lĩnh dám nghĩ, dám làm

Thứ 6, 14/07/2023 | 23:28:12
4,008 lượt xem
Từ bản lĩnh được tôi luyện khi tham gia kháng chiến, tham gia phát triển kinh tế - xã hội sau năm 1975, khi trở về với cuộc sống đời thường, những cựu thanh niên xung phong (TNXP) tiếp tục xông pha trên trận tuyến mới, trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế. Với họ, làm kinh tế không chỉ làm giàu cho gia đình, quê hương mà còn khẳng định bản lĩnh, ý chí vươn lên.

Lãnh đạo các cấp hội cựu thanh niên xung phong, hội viên thăm mô hình phát triển kinh tế của ông Bùi Xuân Liệu, thôn Cập, xã Hùng Dũng (Hưng Hà).

Khó khăn không chùn bước

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, cựu TNXP Bùi Xuân Liệu, thôn Cập, xã Hùng Dũng (Hưng Hà) gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhưng không vì thế mà ông Liệu “bó tay ngắm thời cuộc”. Trăn trở tìm hướng làm giàu, việc đầu tiên ông nghĩ đến là phát huy sở trường để kiếm tiền trang trải cuộc sống, lo cho các con ăn học. Với ý chí, nghị lực được rèn luyện trong lực lượng TNXP, ông đã chuyển đổi hơn 7.000m2 đất cấy lúa kém hiệu quả để quy hoạch, đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn, gà, đào ao thả cá và trồng cây ăn quả. Ông Liệu cho biết: Đầu tư nhiều nhưng làm kinh tế nông nghiệp không tránh được rủi ro. Nhất là thời điểm xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, rồi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá thịt lợn, thịt gà giảm. Nhưng tôi quyết bám trụ làm bằng được. Đất không phụ công người, sau bao năm dồn công sức, tiền bạc, đến nay gia trại của gia đình ông Liệu duy trì 300 con lợn, vườn cây sai trĩu quả, ao cá gần 2.000m2 và 1.000 con vịt. Ông cũng có lán làm dịch vụ trông xe cho công nhân của công ty giày da tại địa phương và làm dịch vụ ăn sáng. Mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 200 triệu đồng. Tuổi đã cao, gần đây ông Liệu truyền kinh nghiệm và cùng con trai quản lý gia trại.

Mô hình nuôi ngỗng, cá, trồng cây ăn quả của cựu thanh niên xung phong Nguyễn Văn Cổn, thôn An Định, xã Thống Nhất (Hưng Hà).

Năng động làm giàu

Khẳng định phát triển kinh tế cũng là cách mà cựu TNXP Nguyễn Văn Tranh, thôn An Bình, xã Lô Giang (Đông Hưng) thể hiện bản lĩnh của mình trong cuộc sống hiện nay. Ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng phát triển trang trại và nuôi con đặc sản. Nếu trước năm 2019, vợ chồng ông Tranh phát triển kinh tế với mô hình gia trại chủ yếu nuôi lợn và cá, thì sau bệnh dịch tả lợn châu Phi, vợ chồng ông quyết định nuôi gà Hồ. Từ vài chục con ban đầu, hiện tại trong chuồng của gia đình ông lúc nào cũng có khoảng 500 con gà Hồ. Đồng thời, ông Tranh cũng đầu tư nuôi ếch thương phẩm trên ao cá. 

Theo ông Tranh: Việc kết hợp nuôi cá, ếch không chỉ tận dụng được thức ăn, mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học trong chăn nuôi cũng như mạnh dạn du nhập các con vật nuôi có giá trị kinh tế về trang trại, giúp cho trang trại ngày càng phát triển, mỗi năm gia đình ông Tranh thu lãi trên 200 triệu đồng. 

Ông Mai Danh Trà, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Đông Hưng cho biết: Mô hình của ông Tranh được nhiều hội viên đến thăm, học tập kinh nghiệm. Đây là gương điển hình trong phát triển kinh tế của huyện.

Khẳng định bản lĩnh

Ông Đặng Văn Bộ, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết: Làm kinh tế như trận mạc, mỗi người phải tận dụng cơ hội để bứt phá. Bí quyết thành công của các cựu TNXP chiến thắng trên “mặt trận” kinh tế là sự chủ động vươn lên, không sợ thất bại cũng không trông chờ, ỷ lại. Đây chính là những phẩm chất cao quý của TNXP. Toàn Hội xác định: hội viên còn sức khỏe, có điều kiện thì trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề, dịch vụ để tăng thu nhập cho gia đình; hội viên sức khỏe yếu thì hướng dẫn cho con cháu về kiến thức, kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình, ổn định và cải thiện cuộc sống. Những năm qua, các cấp hội đã chủ động triển khai, phát động sâu rộng trong toàn thể cán bộ, hội viên phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi, vì nghĩa tình đồng đội”. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, khuyến khích hội viên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khai thác và phát huy thế mạnh của từng vùng sản xuất nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Hưng Hà cho biết: Huyện hội đã thành lập Câu lạc bộ cựu TNXP làm kinh tế giỏi với 39 hội viên. Câu lạc bộ là nơi để các cựu TNXP làm kinh tế giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; động viên, khuyến khích, thúc đẩy phong trào “Cựu thanh niên xung phong giúp nhau làm kinh tế, vì nghĩa tình đồng đội”. Đồng thời, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau bằng vật chất, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm, giao thương hàng hóa và xây dựng sản phẩm mang thương hiệu của TNXP có uy tín, chất lượng.

Tuổi cao song nhiều cựu TNXP đã vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương, từ đó trích một phần lợi nhuận tham gia các hoạt động từ thiện, ủng hộ các phong trào, quỹ ở địa phương, giúp đỡ, hỗ trợ, đồng hành cùng hội viên nghèo vượt khó, thoát nghèo. Họ là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.

Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày