Thứ 7, 04/05/2024, 04:40[GMT+7]

Nỗ lực chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

Thứ 5, 20/07/2023 | 09:18:32
3,564 lượt xem
Truyền thông nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, giám sát, theo dõi và tư vấn xét nghiệm HIV ở cộng đồng, điều trị ARV và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... là những giải pháp Thái Bình tập trung triển khai hướng đến mục tiêu cùng cả nước chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Người nghi mắc HIV được cung cấp test để thực hiện xét nghiệm HIV tại nhà.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ năm 2022 đến hết tháng 6/2023, Thái Bình đã phát hiện hơn 80 người nhiễm HIV mới tại 8 huyện, thành phố, trong đó 6 tháng đầu năm 2023 là 25 trường hợp. Các trường hợp nhiễm mới chủ yếu là nam giới. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 6 người nhiễm HIV/AIDS tử vong. Số ca mắc mới 6 tháng đầu năm 2023 giảm 2 ca so với 6 tháng đầu năm 2021 và bằng số ca mắc 6 tháng đầu năm 2022. Qua phân tích số ca nhiễm mới phát hiện trong 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy chiếm tỷ lệ cao nhất là nhóm vợ, chồng, bạn tình người nhiễm HIV và nhóm có hành vi quan hệ tình dục không an toàn, sau đó là các nhóm: tiêm chích ma túy và nam quan hệ tình dục đồng giới.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Thái Bình đã xây dựng kế hoạch với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể như: Số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 20 trường hợp/năm vào năm 2030; tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% vào năm 2030; tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 70% vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng của mình đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030. Tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV đạt 90% năm 2025 và đạt 95% năm 2030... Mục tiêu là đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu trên, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiều nội dung trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Riêng với ngành y tế, phát huy vai trò nòng cốt, ngành đã chủ động tham mưu và tổ chức nhiều hoạt động. Cụ thể, các chương trình can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS được chú trọng triển khai rộng khắp. 

Việc điều trị ARV cho người nhiễm HIV; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm; tư vấn và xét nghiệm HIV... được duy trì. Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã cấp phát được hơn 718.900 bao cao su; hơn 725.900 bơm kim tiêm và gần 192.400 gói chất bôi trơn... Tại các đơn vị y tế, việc phòng, chống HIV/AIDS đã trở thành hoạt động thường quy. Việc giám sát, theo dõi và tư vấn xét nghiệm HIV ở cộng đồng cũng được thực hiện thường xuyên. Từ năm 2022 đến nay, có hơn 23.400 khách hàng được xét nghiệm HIV. Những trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính được chuyển gửi điều trị ARV. Toàn tỉnh hiện có 10 cơ sở điều trị ARV. Tính đến hết ngày 24/6/2023, gần 1.420 bệnh nhân được điều trị ARV, trong đó có 28 trẻ em. Tất cả bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, không phát hiện tai biến trong điều trị. Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho các đối tượng nguy cơ cao và người dân có nhu cầu tiếp tục được triển khai. 6 tháng đầu năm 2023 có 383 khách hàng mới tham gia điều trị. Lũy tích số đối tượng nguy cơ cao được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV tính đến ngày 25/6/2023 là 1.126 người. Hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; điều trị Methadone; điều trị lao/HIV trên bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV được duy trì. 6 tháng đầu năm 2023 có 5 sản phụ được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; phát hiện 3 bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV được tư vấn đưa vào điều trị...

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết thêm: Hiện nay, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn khó khăn như: người nhiễm HIV không muốn thông tin tình trạng bệnh của mình về địa phương. Điều này ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý, thống kê, báo cáo ca bệnh theo đúng quy định. Cùng với đó, HIV/AIDS vẫn diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ; các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV còn đan xen giữa các nhóm nghiện chích ma túy, bán dâm, quan hệ tình dục đồng tính nam (MSM)... Tuy nhiên, với mục tiêu đã đề ra phấn đấu cùng cả nước chung tay chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, ngành y tế sẽ tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục; can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV; tư vấn xét nghiệm HIV; điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV... nhằm giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày