Thứ 2, 25/11/2024, 02:06[GMT+7]

An toàn thực phẩm từ mỗi bữa ăn

Thứ 5, 20/07/2023 | 09:43:04
3,825 lượt xem
Trong thời tiết nắng nóng, nếu không chế biến, bảo quản đúng cách, thực phẩm rất dễ ôi thiu, làm tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP), gây ra ngộ độc. Tại các cơ sở y tế trong tỉnh đã tiếp nhận nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị do rối loạn tiêu hóa, nghi ngộ độc thực phẩm.

Nhân viên chế biến vệ sinh dụng cụ đựng thực phẩm tại bếp ăn tập thể.

Mới đây, Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Kiến Xương đã tiếp nhận trường hợp nghi bị ngộ độc thực phẩm. Bệnh nhân là Phạm Thị Thùy Linh nhập viện với tình trạng đau bụng nhiều, buồn nôn, đi ngoài, người mệt mỏi. 

Bệnh nhân Phạm Thị Thùy Linh chia sẻ: Hàng ngày, gia đình tự nấu cơm, ít khi mua thức ăn ở ngoài. Bữa ăn trưa hôm bị đau bụng cũng đơn giản chỉ có canh cá nấu và cơm. Sau khi ăn tôi có dấu hiệu đau bụng quằn quại, buồn nôn nhiều lần. Ngay sau đó, gia đình cho tôi nhập viện điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán tôi bị rối loạn tiêu hóa, nghi ngộ độc thực phẩm.

Nằm cạnh buồng bệnh của bệnh nhân Phạm Thị Thùy Linh là bệnh nhân Nguyễn Sơn Sang, xã Thượng Hiền (Kiến Xương). Bệnh nhân cũng được chẩn đoán bị rối loạn tiêu hóa, nghi ngộ độc thực phẩm. 

Bệnh nhân Sang chia sẻ: Bữa trưa tôi có ăn rau muống với cơm. Sau khi ăn cơm thì ăn xoài. Rau muống mua ở chợ nên tôi không biết đây có phải là nguyên nhân gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa hay không. Ăn xong tôi thấy người khó chịu, bụng đau, đi vệ sinh nhiều lần. Do người mất nước nên cơ thể rất mệt mỏi. Ngay chiều hôm đó, gia đình cho lên Bệnh viện Đa khoa Kiến Xương khám, điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy, Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Kiến Xương chia sẻ: Từ đầu hè đến nay, trung bình mỗi ngày, Khoa Nội tiếp nhận từ 10 - 15 bệnh nhân bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa, trong đó có trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm. Các triệu chứng thường gặp như: đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng. May mắn chưa có bệnh nhân ngộ độc nặng, song nếu bị nặng thì rất nguy hiểm. Bệnh nhân bị ngộ độc nặng có thể có những biểu hiện như: mất nước, da môi khô, mắt trũng, khát nước nhiều, mệt mỏi, nặng hơn có thể ảnh hưởng điện giải, gây ra rối loạn nhịp tim, co giật, thậm chí hôn mê.

Trường hợp rối loạn tiêu hóa, nghi ngộ độc thực phẩm không phải hiếm gặp. Hàng ngày, vẫn có những bệnh nhân đến khám, điều trị tại cơ sở y tế trong tỉnh với các triệu chứng ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa. Hiện nay, có rất nhiều mối nguy về ô nhiễm thực phẩm như: sinh học, hóa học hay vật lý. Thực phẩm không an toàn vẫn luôn tìm cách len lỏi vào thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng vẫn phát hiện những vi phạm trong thực hành nông nghiệp, chế biến, bảo quản thực phẩm; thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; không tuân thủ các quy định bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố... Bên cạnh đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước cộng thêm yếu tố thời tiết mùa hè nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, trong đó có bệnh về đường tiêu hóa. Thói quen tiêu dùng, lựa chọn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trong một bộ phận người dân vẫn còn.

Ngoài ngộ độc cấp tính còn có thể bị ngộ độc mạn tính, lâu dần tích tụ gây các bệnh ung thư... Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy khuyến cáo: Trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, người dân cần lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; ăn chín, uống chín; chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách. Sau khi ăn có những biểu hiện như: chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, đi ngoài... thì cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe trước mắt, về lâu dài “thực phẩm bẩn” còn là nguyên nhân phát sinh nhiều bệnh nguy hiểm, làm suy giảm sự phát triển của giống nòi, gây xói mòn niềm tin trong xã hội. Để bảo đảm ATTP, lực lượng chức năng vẫn thường xuyên kiểm tra liên ngành, chuyên ngành. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng nên ở một số ngành, địa phương việc thanh, kiểm tra chỉ có thể thực hiện theo từng thời điểm nhất định. Cùng với đó, cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP các cấp, nhất là cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn, trang thiết bị còn hạn chế. Vì thế, ý thức chấp hành nghiêm các quy định về ATTP từ mỗi chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có vai trò rất quan trọng. Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái lựa chọn thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe chính mình và những người thân trong gia đình.

Bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, ngi ngộ độc thực phẩm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kiến Xương.

Hoàng Lanh