Bóng chuyền Thái Bình: Vui - lo khi trở lại đường đua chuyên nghiệp
Ngày cuối năm, trong cái lạnh dưới 10 độ C, những cô gái quần đùi - áo số của đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Bình vẫn hăng say tập luyện tại nhà thi đấu Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao tỉnh. Ở một góc sân, HLV trưởng Trần Văn Giáp chăm chú dõi theo từng bước chạy, từng đường chuyền bóng của các nữ tuyển thủ. Trong họ là niềm vui, niềm tự hào khi đội bóng vừa chính thức trở lại đường đua chuyên nghiệp sau một mùa giải xuống hạng. Nhưng ở thời điểm này, đi tiếp cũng là cả một hành trình gian nan.
Khát khao trở lại đường đua chuyên nghiệp
Từ trước tới nay, đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Bình luôn được nhắc đến là cái nôi sản sinh ra rất nhiều VĐV nữ tài năng cung cấp cho đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia cũng như các CLB chuyên nghiệp trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ cái nôi bóng chuyền nữ Thái Bình mà nhiều VĐV đã ghi tên mình vào lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam qua các màn tranh tài trên đấu trường khu vực và quốc tế như: Bùi Thị Lanh, Phạm Thị Gái, Bùi Thị Huệ, Lê Thị Mười... Từ năm 2003 - 2010, bóng chuyền nữ Thái Bình luôn nằm trong top 4 đội mạnh của toàn quốc. Sự vào cuộc của các nhà tài trợ, niềm hăng say tập luyện, thi đấu của các VĐV đã góp phần sản sinh ra nhiều lứa cầu thủ tài năng khiến niềm mơ ước về sự thống trị của bóng chuyền quê lúa tại các giải đấu cao nhất trong nước tưởng chừng như đã trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, đỉnh điểm là ở mùa giải 2019, sau khi dừng bước trước Tiến Nông Thanh Hóa trong trận chung kết, những người làm bóng chuyền quê lúa mới giật mình nhận ra, đội bóng đã mai một rất nhiều. Đặc biệt đối với “búa máy” Bùi Thị Huệ, người được mệnh danh là “lão bà siêu phàm” của bóng chuyền nữ Việt Nam, việc xuống hạng của đội bóng chuyền nữ Thái Bình là nỗi buồn sâu sắc.
Đi lên từ bóng chuyền nữ Thái Bình, Bùi Thị Huệ trở thành chủ công hàng đầu của bóng chuyền Việt Nam, đã chinh chiến qua nhiều đội bóng và đạt được không ít danh hiệu cao quý. Có được biệt danh “búa máy” với những cú đập bóng sau vạch 3m như búa bổ, nữ tuyển thủ này chính là “nỗi khiếp sợ” của không ít hàng thủ nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á. Cũng chính Bùi Thị Huệ là cánh chim đầu đàn đưa bóng chuyền nữ Thái Bình nổi danh trên bản đồ bóng chuyền Việt Nam trong hơn một thập kỷ. Mang tình yêu, sự gắn bó sâu sắc với đội tuyển bóng chuyền quê hương, nhiều năm gần đây, Bùi Thị Huệ là HLV đội trẻ kiêm người “giải cứu” cho bóng chuyền nữ Thái Bình vượt qua những khó khăn. Còn nhớ, năm 2012, cô chia tay sàn đấu để chuyển sang công tác huấn luyện nhưng chỉ sau 1 năm giải nghệ, đứng trước tình thế bóng chuyền nữ Thái Bình gặp khó khăn trong việc tranh vé trụ hạng, dù đã ở tuổi 32 và vừa trải qua sinh nở nhưng với sự nỗ lực, Bùi Thị Huệ đã quyết tâm giảm hơn 20kg để trở lại thi đấu, giúp Thái Bình trụ hạng thành công. Còn trước mùa giải 2017 diễn ra, ít người tin PVD Thái Bình có thể lọt được vào top 4 chung cuộc do lực lượng mỏng, tài chính yếu nhưng với sự tham gia của thủ công Bùi Thị Huệ, các cô gái Thái Bình đã thăng hoa.
Ở mùa giải 2020, dù dồn toàn lực để trở lại sân chơi chuyên nghiệp nhưng nhiều người đã miêu tả lực lượng của đội bóng lúc này là “tre đã già nhưng măng chưa kịp mọc”. Đoàn quân của HLV Trần Văn Giáp vẫn cần tới sự đồng hành quen thuộc của những cái tên đã quá nổi danh như Lê Thị Mười (tại vòng 1 ở Nghệ An) và chắc chắn không thể thiếu Bùi Thị Huệ. Mùa giải 2020, đội bóng xuống hạng, nhà tài trợ quay lưng, chật vật với kinh phí ít ỏi, nhưng bằng tình yêu với bóng chuyền, niềm tự hào với bề dày truyền thống và khát khao được trở lại, các cô gái Thái Bình đã nỗ lực vượt qua 6 trận toàn thắng và vỡ òa trong chức vô địch giải bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2020. Xác định nhiệm vụ tiên quyết là đưa đội bóng trở lại đường đua chuyên nghiệp, trong nhiều tháng trời, cặp vợ chồng Trần Văn Giáp - Bùi Thị Huệ cùng nhiều VĐV khác quyết định gác lại bộn bề công việc gia đình, gác lại nỗi lo, nỗi nhớ khi buộc phải gửi con cho ông bà chăm sóc hộ. Việc thăng hạng là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực đã bỏ ra.
Nỗi lo về lực lượng, tài chính
HLV trưởng Trần Văn Giáp chia sẻ: Ngay lúc này, có rất nhiều công việc cần phải làm để chuẩn bị cho mùa giải sắp tới, trong đó là nhanh chóng đào tạo lớp đàn em đủ năng lực kế cận cho lớp đàn chị đã lớn tuổi.
Là HLV của đội trẻ, là người trực tiếp về các địa phương trong tỉnh tuyển chọn tài năng bóng chuyền, Bùi Thị Huệ cho biết: Hàng năm tôi và các đồng nghiệp vẫn đi khắp các vùng quê để tìm kiếm những học trò có tố chất, tìm được rồi thì còn động viên các em và gia đình để lên tuyển tham gia tập luyện. Nhưng bây giờ, các em có nhiều lựa chọn hơn cho con đường chuyên nghiệp nên việc tuyển được một VĐV trong điều kiện kinh tế còn khá eo hẹp như hiện nay là điều “khó như lên trời”. Cùng với vấn đề kinh phí thì việc tạo điều kiện cho các VĐV khi đã hết tuổi thi đấu, khi đã giải nghệ cũng được nhiều gia đình quan tâm khi đứng trước bài toán có nên cho con đi theo con đường chuyên nghiệp hay không. Bởi vậy, nếu không có chính sách phù hợp sẽ rất khó có được nguồn lực bảo đảm chất lượng cho đội tuyển của tỉnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Niềm vui thăng hạng cũng đi liền với những giải pháp cần đặt ra. Đó là việc cần có cơ chế đặc thù cho bóng chuyền và công tác xã hội hóa, tạo điều kiện cho sự vào cuộc mạnh mẽ từ các đơn vị, doanh nghiệp để chung sức, đồng lòng cùng bóng chuyền Thái Bình phát triển. Kinh phí thiếu dẫn tới rất nhiều khó khăn trong việc tuyển chọn và giữ chân được những VĐV có tài năng.
Thực tế cũng đã chứng minh dù công tác đào tạo VĐV trẻ của Thái Bình rất bài bản, không hề thua kém nhiều địa phương có thế mạnh về thể thao nhưng vì không có kinh phí “giữ chân” tài năng nên nhiều VĐV trẻ của tỉnh đã chọn bến đỗ tại các CLB có mức thu nhập ổn định hơn. Năm 2021, năm đầu tiên trở lại với đường đua chuyên nghiệp, mong rằng bóng chuyền Thái Bình sẽ có được sự đầu tư đúng mức để các VĐV yên tâm chinh chiến trên các đấu trường, giữ vững niềm tự hào về bóng chuyền Thái Bình - cái nôi đã tôi luyện nhiều tài năng làm nên dấu ấn của bóng chuyền quốc gia.
Tú Anh
Tin cùng chuyên mục
- Đoàn VĐV Thái Bình đạt giải ba toàn đoàn tại giải đua thuyền rowing vô địch quốc gia 2024 10.11.2024 | 17:34 PM
- Thái Bình giành 1 huy chương vàng môn điền kinh tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 16.05.2024 | 21:37 PM
- Hội thao Sở Tài nguyên và Môi trường 10 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng 14.10.2023 | 20:37 PM
- U22 Malaysia thắng Lào 5-1 04.05.2023 | 00:45 AM
- ĐT U22 Campuchia 1-1 ĐT Philippines 02.05.2023 | 21:40 PM
- Thắng Trung Quốc, Việt Nam vào chung kết bóng chuyền CLB nữ châu Á 01.05.2023 | 23:19 PM
- Bốc thăm môn bóng đá SEA Games 32: Nữ Việt Nam cùng bảng Philippines, Myanmar - U22 Việt Nam cùng bảng Thái Lan, Malaysia 05.04.2023 | 16:17 PM
- SEA Games 32: Đoàn Thể thao Việt Nam giảm khoảng 200 vận động viên 03.04.2023 | 16:51 PM
- Công bố quyết định Liên đoàn Bóng bàn Thái Bình là thành viên Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam 09.03.2023 | 20:00 PM
- Vũ Thư: Giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng thu hút gần 200 vận động viên tham gia 17.02.2023 | 16:51 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, tặng quà đảng viên tiêu biểu, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa
- Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ngay từ đầu năm
- Bàn giao công tác của Chủ tịch UBND tỉnh
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy dự lễ khánh thành nhà cho hộ nghèo
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, chúc tết các văn nghệ sĩ
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm, chúc tết văn nghệ sĩ
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự lễ khánh thành nhà ở cho hộ nghèo huyện Vũ Thư
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Trao quà tết cho đoàn viên, người lao động
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự lễ khánh thành nhà cho hộ cận nghèo tại huyện Tiền Hải
- Trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ IX - năm 2024