Thứ 5, 25/07/2024, 08:28[GMT+7]

FIFA áp dụng công nghệ trong bóng đá

Thứ 6, 07/12/2012 | 13:53:02
1,006 lượt xem
Bắt đầu từ ngày 6/12/2012, Liên đoàn Bóng đá thế giới-FIFA quyết định thử nghiệm áp dụng công nghệ vạch cầu môn trong các trận thi đấu bóng đá.

Minh họa công nghệ vạch vôi cầu môn

“Công nghệ vạch cầu môn” (Goal line technology) đã chính thức ra mắt trong trận mở màn Giải Vô địch thế giới các Câu lạc bộ 2012 (FIFA Club World Cup), tổ chức ở Nhật Bản từ ngày 6-16/12.

Như vậy, sau nhiều tranh cãi, FIFA đã quyết định lấy giải FIFA Club World Cup 2012 để chính thức thử nghiệm 2 công nghệ, đó là GoalRef (dùng trường điện từ để̀ xác định bóng đã lăn qua vạch hay chưa) và Hawk-Eye (dùng các camera xác định).

Từ lâu, nhiều người hâm mộ đã kêu gọi cần áp dụng công nghệ vào công tác trọng tài trong các trận đấu để tránh những tình huống gây tranh cãi (bóng qua vạch vôi cầu môn hay chưa?) có thể khiến “số phận” của một đội bóng được quyết định sau cái người ta thường nói khi trận đấu đã kết thúc là “quyết định sai lầm của trọng tài”. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng các sai lầm của trọng tài cũng tạo nên một phần hấp dẫn cho sân cỏ.

Sau một số cải tiến như tăng thêm trợ lý trọng tài ở các đường biên ngang, cuối cùng, công nghệ mới cũng được áp dụng vào nơi “phát sinh nhiều tình huống gây tranh cãi nhất” là vạch cầu môn.

Tháng 7/2012, Hội đồng Hiệp hội Bóng đá quốc tế (IFAB), cơ quan chịu trách nhiệm về luật bóng đá, đã quyết định sẽ sử dụng công nghệ vạch cầu môn ở giải FIFA Club World Cup 2012, Cúp các Liên đoàn châu lục (Confederations Cup) năm 2013 và World Cup 2014 tại Brazil.

Sau các cuộc thử nghiệm kéo dài 2 năm, FIFA đã cấp giấy phép cho công nghệ Hawk-Eye (do một công ty của Sony phát triển) và công nghệ GoalRef (do một công ty Đức đảm nhận).

Hawk-Eye (Mắt diều hâu) là hệ thống sử dụng từ 6-8 camera xung quanh vị trí khung thành để phán đoán xem bóng đã lăn qua vạch vôi hay chưa, trong khi GoalRef sử dụng trường điện từ. Cả 2 hệ thống này sau đó sẽ truyền tín hiệu trực tiếp tới các thiết bị được gắn trên cổ tay của trọng tài trong vòng 1 giây để họ đưa ra quyết định có công nhận bàn thắng hay không.

GoalRef đã được sử dụng ở trận đấu mở màn giữa đội ĐKVĐ Nhật Bản Sanfrecce Hiroshima gặp đại diện châu Đại dương Auckland City. Trận đấu giữa đội Sanfrecce Hiroshima và Auckland City ngày 6/12 cũng là lần đầu tiên các trọng tài sử dụng chiếc "đồng hồ" đặc biệt này. Tuy nhiên, bàn thắng từ cú sút của cầu thủ đội Sanfrecce Hiroshima (Nhật Bản) đã đưa bóng qua cầu môn quá rõ ràng nên đã không cần “nhờ cậy” tới công nghệ mới.

Công nghệ Hawk-Eye sẽ được sử dụng trong trận tứ kết giữa đội Sanfrecce Hiroshima (Nhật Bản) và đội Al Ahly (Ai Cập) vào cuối tuần này.

Theo VGP

  • Từ khóa