Chủ nhật, 30/06/2024, 23:30[GMT+7]

Điểm mặt những "bông hồng vàng" của thể thao Việt Nam

Thứ 6, 08/03/2013 | 11:07:29
1,502 lượt xem
Họ là những cô gái có tình yêu thể thao. Trong số họ, có những người đã vượt qua cả bản thân, vượt qua số phận để theo đuổi đam mê...

VĐV Thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh (ảnh: Bongdaplus)

Phan Thị Hà Thanh: “Cô gái vàng” của Thể dục dụng cụ

Dù mới chỉ là một cô gái 22 tuổi, nhưng Phan Thị Hà Thanh đã sớm trở thành một trong những nữ VĐV hàng đầu của Thể dục dụng cụ Việt Nam. Cô cũng là VĐV Thể dục dụng cụ đầu tiên trong nước giành được huy chương tại Giải vô địch Thể dục dụng cụ thế giới diễn ra ở Nhật Bản năm 2011. Và sau đó, Hà Thanh tiếp tục trở thành VĐV Thể dục dụng cụ Việt Nam đầu tiên giành được HCV tại Giải vô địch Thể dục dụng cụ Châu Á 2012. Cô cũng được vinh dự trở thành VĐV tiêu biểu nhất của thể thao Việt Nam năm 2012.

Vốn sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghiệp thể thao, mẹ là bác sỹ, bố là cán bộ khí tượng thủy văn, đồng thời Hà Thanh lại bị đánh giá thiếu những tố chất cơ thể bẩm sinh của một nữ VĐV Thể dục dụng cụ điển hình, nhưng say mê và nghị lực là những điều đã khiến cô không ngừng nỗ lực để khẳng định mình và mang đến cho thể thao Việt Nam niềm tự hào lớn.

“Cô gái vàng” cũng được nhận xét là một người khá kín tiếng và luôn nhẫn nại. Trong quá trình luyện tập, Hà Thanh luôn đặt sự khát vọng và cống hiến lên hàng đầu để vượt qua những khó khăn, thậm chí cũng chưa bao giờ đòi hỏi về chuyện lương, thưởng của mình. Đấy là một trong những điều khiến cô trở thành một trong những nữ VĐV đặc biệt nhất.

Nguyễn Thị Ánh Viên: “Kình ngư” vươn mình ra biển lớn

Ánh Viên là nữ VĐV thuộc đội tuyển Bơi lội quốc gia Việt Nam. Dù mới chỉ 15 tuổi, nhưng cô đã tự hào mang về cho thể thao Việt Nam 5 HCV tại Cuộc thi vô địch Bơi lội Đông Nam Á tại Singapore. Ánh Viên cũng là gương mặt đại diện cho Việt Nam với 6 lần đoạt chuẩn B tham dự Thế vận hội Olympic diễn ra tại London, Anh quốc vào năm 2012 vừa qua. Cô đã đạt thành tích đứng đầu 2 lượt bơi vòng loại ở Thế vận hội.

"Kình ngư" Nguyễn Thị Ánh Viên (ảnh: thethaovietnam)

Sau đó, ở Giải vô địch Bơi lội Châu Á diễn ra tại Dubai (UAE), cô tiếp tục mang về một HCB và một HCĐ, đặc biệt cô đã đi vào lịch sử khi trở thành VĐV bơi lội đầu tiên của Việt Nam giành huy chương ở đấu trường châu lục. Ngoài ra, Ánh Viên còn tiếp tục tạo nên dấu ấn đáng nhớ khi phá vỡ kỷ lục quốc gia nội dung 200m bơi ngửa nữ với thành tích 2’12’’92, tiến tới xếp hạng 24/41 thế giới ở nội dung này.

Những thành tích bất ngờ kể trên khiến người ta không khỏi nể phục, nhưng càng đáng nể hơn khi Ánh Viên vẫn chỉ là một cô gái nhỏ ở tuổi 16. “Kình ngư” trẻ của thể thao Việt Nam thực sự đã vượt qua nhiều những  gương mặt khác để vượt vũ môn, vươn ra với biển lớn thế giới.

Nguyễn Thị Thanh Phúc: “Cô gái đi bộ” vượt qua chính mình

Nhắc đến điền kinh Việt Nam, không thể không nhắc đến gương mặt nữ VĐV Nguyễn Thị Thanh Phúc. Vào tháng 3/2012, cô gái 23 tuổi người Đà Nẵng đã đạt thành tích 1h35’, phá sâu chuẩn B Olympic tới 2’30’’ để mang về tấm HCĐ tại Giải vô địch đi bộ Châu Á ở Nhật Bản. Thành tích này cũng đưa cái tên Thanh Phúc trở thành tên tuổi tiêu biểu của bộ môn điền kinh khi trở thành VĐV điền kinh Việt Nam đầu tiên sau 32 năm đoạt được tấm vé chính thức tham dự Olympic.  

 

VĐV điền kinh Nguyễn Thị Thanh Phúc (ảnh: thethaovanhoa)

Góp mặt tham dự trong Thế vận hội Olympic London 2012, dù không thể cạnh tranh với các đối thủ để giành được huy chương, nhưng cô lại lưu được ấn tượng mạnh khi tự phá vỡ kỷ lục của chính mình với thành tích 1h33’36’’. Thanh Phúc được đánh giá cao là một trong số ít các VĐV Việt Nam tham dự đã chiến thắng được chính bản thân, không tự hài lòng mà vượt qua chính “đỉnh vinh quang” mà mình tạo ra được.

Chỉ trong vòng khoảng 2 năm, Thanh Phúc đã không ngừng nỗ lực luyện tập để nâng cao thành tích thi đấu của mình, rút ngắn thời gian. Dù chưa thực sự khẳng định rõ tên mình trên trường thế giới, nhưng những đóng góp của cô gái 23 tuổi cũng đã giúp cô tiếp cận với thành tích Châu Á, góp phần khẳng định bộ môn điền kinh Việt Nam ở đấu trường ngoài nước.

Đặng Thị Kiều Trinh: “Người hùng” khiêm tốn của bóng đá

Tại buổi họp của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) diễn ra vào tháng 2/2013 vừa qua tại thủ đô của Malaysia, cái tên của thủ thành Đặng Thị Kiều Trinh của ĐT Bóng đá nữ Việt Nam đã được giới chuyên môn đề cập đến. Cô đã vinh dự đón nhận danh hiệu nữ cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á năm 2012.

 

"Nữ người hùng" Đặng Thị Kiều Trinh (ảnh: Bongdaplus)

Cô gái Đồng Tháp 27 tuổi đã có một mùa giải thành công khi cùng ĐT Bóng đá nữ Việt Nam giành được chức vô địch Đông Nam Á và danh hiệu Đội bóng xuất sắc nhất năm. Về thành tích cá nhân, bản thân Kiều Trinh vào tháng 4 năm 2012 cũng đã được trao tặng danh hiệu Quả Bóng Vàng Việt Nam.

Khả năng của Kiều Trinh luôn được chính cô tự khẳng định, trong khoảng 5 năm trở lại đây, cô luôn giữ vững phong độ với vị trí thủ môn số 1 của khu vực Đông Nam Á. Những người đồng đội luôn dành cho cô sự yêu mến và không ngần ngại gọi cô là “nữ người hùng của ĐT Việt Nam”. Mặc dù vậy, Kiều Trinh lại tỏ ra rất khiêm nhường. Cô không tự mãn trước những thành tích của chính mình, Kiều Trinh luôn chỉ mỉm cười thổ lộ với cô tất cả chỉ là may mắn và khẳng định thành công có được là nhờ sự gắn kết với những người đồng đội.

Châu Hoàng Tuyết Loan: Cô gái ung thư vẫn nâng tạ

Góp mặt tham dự lần thứ 3 tại Thế vận hội Người khuyết tật (Paralympics) 2012, cô gái 37 tuổi đã gây ấn tượng mạnh mẽ về những gì cô thể hiện ở bộ môn cử tạ hạng cân 52kg nữ. Paralympics vẫn được coi là một sân chơi quá tầm với các VĐV Việt Nam nên dường như với Tuyết Loan ở thời điểm đó, mục tiêu cô đặt ra không phải chỉ là tiến tới thành tích mà còn để vượt qua bản thân, vượt qua số phận, khẳng định được những điều mà một cô gái có thể làm được với bi kịch về bệnh tật.

 

Cuộc đời, số phận và nghị lực của Châu Hoàng Tuyết Loan đã trở thành một câu chuyện đầy xúc động và được truyền hình BBC của Anh dựng thành một phóng sự kể lại chính câu chuyện của cô. Bị mất đi đôi chân từ khi mới chỉ là đứa trẻ 1 tháng tuổi, đến năm 2010 cô tiếp tục bị phát hiện mắc bệnh ung thư vòm họng. Bi kịch nối tiếp, dù phải di chuyển bằng tay và bị mắc căn bệnh mà mình không ngờ nhưng Tuyết Loan luôn thể hiện mình là một cô gái độc lập, và không ngừng theo đuổi niềm đam mê với bộ môn cử tạ.

Theo đuổi hơn 10 năm với cử tạ, thậm chí, cô còn không ngừng bổ sung cho bảng thành tích của chính mình, từ các HCV giải toàn quốc, tới các danh hiệu ASEAN, Para Games, danh hiệu vô địch Châu Á. Cuộc sống cũng chỉ bám trụ nhờ trợ cấp và những đồng tiền thưởng từ các danh hiệu giành được, nhưng chưa khi nào Tuyết Loan buông tạ, đi đến quyết định từ bỏ vì những thiệt thòi về thể chất cũng như điều kiện khó khăn mình gặp phải. Ước mơ lớn nhất của nữ VĐV khuyết tật ung thư cũng chỉ là những cống hiến, biến những đam mê thể thao luôn thành sự thật./.

Theo VOV

  • Từ khóa