Chủ nhật, 19/01/2025, 16:20[GMT+7]

Dấu ấn Jujitsu Việt Nam tại Giải vô địch thế giới

Thứ 5, 20/07/2023 | 20:59:15
2,828 lượt xem
Đoàn Jujitsu Việt Nam để lại ấn tượng mạnh mẽ cho thế giới, đặc biệt là với Ban tổ chức, khán giả sở tại bởi kỹ thuật, phong cách và tinh thần quyết tâm, thi đấu hết mình, không lùi bước trước những đối thủ dày dặn kinh nghiệm.

Các thành viên Đoàn Jujitsu Việt Nam tham dự Giải vô địch Jujitsu Thế giới lần thứ 20.

Giải vô địch Jujitsu Thế giới lần thứ 20 (20th Jujitsu World Championship) được tổ chức tại Thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ từ ngày 15 đến 20/7. Tham dự giải có hơn 500 vận động viên đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đoàn Jujitsu Việt Nam với 11 thành viên tranh tài tại giải đấu lần này. Đoàn do ông Trần Văn Thạch, Phó Chủ tịch Liên đoàn Jujitsu Việt Nam, Trưởng bộ môn Jujitsu, Cục Thể dục Thể thao làm Trưởng Đoàn; cùng với đó là huấn luyện viên trưởng Bùi Đình Tiến, huấn luyện viên Nguyễn Thị Hằng và 9 vận động viên.

Giải đấu quy tụ nhiều vận động viên đẳng cấp thế giới đến tham dự, với chất lượng chuyên môn được đánh giá rất cao. Đây không những là cơ hội để Việt Nam giao lưu, học hỏi mà còn để quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.

Với thành tích xuất sắc, vận động viên Phùng Thị Huệ, nhà vô địch SEA Games 31 đã giành được tấm Huy chương Bạc đầu tiên cho Việt Nam tại nội dung Newaza-Gi hạng cân 45kg nữ ngay trong ngày khai mạc.

Tại các ngày còn lại của giải đấu, vận động viên Đặng Thị Huyền đã giành được 1 Huy chương Đồng hạng 52kg nữ.

Trong khi đó, cặp đôi vận động viên Nguyễn Ngọc Bích-Trịnh Kế Dương đã giành 1 Huy chương Đồng tại nội dung biểu diễn.

Jujitsu là một môn võ đỉnh cao của nghệ thuật chiến đấu kết hợp trí tuệ và tinh thần, thể lực và ý chí; là môn võ được đánh giá rất tiềm năng phát triển tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Trưởng đoàn Trần Văn Thạch


Vận động viên Phùng Thị Huệ giành Huy chương Bạc, hạng cân 45kg. 

Vận động viên Đặng Thị Huyền giành Huy chương Đồng, hạng cân 52kg. 

Mặc dù không đạt được thành tích cao nhất, nhưng việc tham dự giải vô địch Jujitsu thế giới “Ulaanbaatar 2023” của Đoàn Việt Nam lần này đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho thế giới, đặc biệt là đối với Ban tổ chức, khán giả sở tại bởi kỹ thuật, phong cách và tinh thần quyết tâm, thi đấu hết mình, không lùi bước trước những đối thủ dày dặn kinh nghiệm hơn.

Trưởng đoàn Trần Văn Thạch cho biết: Jujitsu là một môn võ đỉnh cao của nghệ thuật chiến đấu kết hợp trí tuệ và tinh thần, thể lực và ý chí; là môn võ được đánh giá rất tiềm năng phát triển tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Giải vô địch Jujitsu Thế giới tại Mông Cổ lần này là cơ hội để các vận động viên của ta cọ xát, tích lũy kinh nghiệm hướng đến Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19), dự kiến được tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc từ ngày 23/9 đến ngày 8/10 tới đây.

Tại cuộc tiếp xúc ngắn sau Lễ khai mạc giữa Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Doãn Khánh Tâm, Trưởng đoàn Trần Văn Thạch với Chủ tịch Liên đoàn Jujitsu Mông Cổ Munkhsukh Sukhbaatar, phía Mông Cổ cảm ơn cũng như đánh giá cao việc phía Việt Nam đã cử đoàn tham dự giải đấu, bày tỏ mong muốn được tổ chức các cuộc thi song phương giữa Việt Nam với Mông Cổ.

Tóm tắt lịch sử Jujitsu

Jujitsu là môn võ chiến đấu có nguồn gốc từ Nhật Bản, là sự tổng hợp các nghệ thuật chiến đấu đỉnh cao của nhiều môn phái võ thuật truyền thống Nhật Bản.

Trong quá trình phát triển của mình, Jujitsu có hàng trăm chi phái, trong đó chi phái lâu đời nhất là Taken Ouchi Ryu do một người ở Sukushu (Nhật Bản) sáng lập năm 1532.

Jujitsu du nhập vào Việt Nam từ trước những năm 1945, nhưng mọi người biết tới nhiều hơn kể từ Indoor Games 2009, khi Jujitsu được đưa vào chương trình biểu diễn, giới thiệu.

Thích ứng với xu thế chung của thế giới, thể thao Việt Nam cũng nhanh chóng có đội tuyển Jujitsu tham gia sân chơi châu lục, với giải thi đấu lần đầu ngay từ Đại hội Thể thao Bãi biển lần thứ 4 ASIAN (Asian Beach Games 2014) diễn ra tại Thái Lan và Giải vô địch Jujitsu thế giới năm 2015 tại Thái Lan.


Theo nhandan.vn

  • Từ khóa