Thứ 7, 04/01/2025, 17:08[GMT+7]

Gian nan tìm kiếm “ngọc thô”

Thứ 7, 03/01/2015 | 15:40:05
1,601 lượt xem
Năm 2014, hai đội bóng đá U10, U11 thuộc Trường Năng khiếu thể dục thể thao Thái Bình tiếp tục nối dài truyền thống giành thành tích cao tại các giải vô địch toàn quốc khi xuất sắc mang về 2 huy chương bạc.

Trường Năng khiếu thể dục thể thao tỉnh tổ chức tuyển sinh khóa mới môn bóng đá.

Ít ai biết rằng, đằng sau thành công ấy là biết bao tâm huyết, mồ hôi, công sức của gia đình, nhà trường và bản thân các em. Đối với những người thầy nói riêng, để có được một đội tuyển bóng đá nhi đồng có chất lượng, họ phải đối diện muôn vàn khó khăn mà trở ngại xuất phát ngay từ khâu đầu tiên: tìm kiếm nhân tài.

 

Có trực tiếp tham gia công tác tuyển sinh cùng các thầy giáo phụ trách môn bóng đá Trường Năng khiếu thể dục thể thao mới thấu hiểu được hết những khó khăn, vất vả mà họ phải trải qua. Do mục tiêu tiên quyết của nhà trường là tìm những cầu thủ nhí xuất sắc nhất đại diện cho thế hệ nhi đồng của tỉnh tham gia tranh tài tại các giải toàn quốc tổ chức hàng năm, bởi vậy quá trình tuyển sinh, phân loại diễn ra gần như liên tục.

 

Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi được tham gia một buổi chung kết tuyển sinh như vậy tại cụm sân cỏ nhân tạo Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Để được góp mặt tại vòng chung kết này, hơn 200 thí sinh đã phải vượt qua vòng sơ tuyển ở các huyện, thành phố. Điều đó đồng nghĩa với việc những ngày trước đó, đoàn tuyển sinh đã phải xuống tận cơ sở, phối hợp chặt chẽ với phòng giáo dục các địa phương tổ chức cho các em tham gia thi tuyển. Bước vào vòng chung kết, giữa cái nắng oi ả cuối hè, các bậc phụ huynh, thầy cô lại tất tả đưa con em lên thành phố tranh tài cùng chúng bạn. Vòng chung kết được sắp xếp công phu, diễn ra trong 5 giờ đồng hồ liên tục dưới sự điều hành chính của hai huấn luyện viên Đặng Thế Dũng và Lê Trung Dũng. Từ hơn 200 thí sinh, sinh vào các năm 2004, 2005 được các huấn luyện viên gộp, tách, phân loại, sàng lọc từ nhóm lớn đến nhóm nhỏ, từ hai đối hai đến một đối một… một cách khá phức tạp mà chỉ những người có chuyên môn mới hiểu được.

 

Bằng con mắt tinh tường của những người có thâm niên làm công tác tuyển sinh, đào tạo, việc tìm ra những “viên ngọc thô” có tố chất, năng khiếu đá bóng với các huấn luyện viên không khó, chỉ có điều biết “ngọc thô” đang ở đâu mới là vấn đề. Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Đặng Thế Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Năng khiếu thể dục thể thao Thái Bình, người bao năm qua đã và đang say mê với công tác tuyển chọn, phát hiện, bồi dưỡng các tài năng bóng đá trẻ cho biết: Vất vả lắm mới chọn được vài cháu từ hàng trăm, hàng nghìn cháu dự tuyển nhưng việc thuyết phục các phụ huynh giao các cháu cho nhà trường dạy dỗ, quản lý không phải là việc dễ. Do đặc thù là trường năng khiếu thể dục thể thao nên các cháu phải sinh hoạt nội trú để bảo đảm vừa học văn hóa vừa học chuyên môn. Nhiều trường hợp mặc dù rất tiếc những tài năng thực sự nhưng chúng tôi không thể thuyết phục cha mẹ, gia đình các cháu nên đành ngậm ngùi buông tay.

 

Bố mẹ đồng ý, ông bà nói “không”

Khoảng 10 ngày sau khi có kết quả tuyển sinh, chúng tôi gặp lại huấn luyện viên Đặng Thế Dũng để hỏi thông tin về việc tổ chức nhập học khóa mới cho các cháu vừa trúng tuyển, ông Dũng vò đầu bứt tai: Nan giải và đau đầu lắm, mấy hôm nay chúng tôi bận bịu tối ngày xung quanh việc này. Đến tận nhà cũng có, nhờ các đầu mối tác động cũng có, gọi điện mọi lúc có thể để thuyết phục cũng có… nhưng xem ra không ăn thua. Có cháu chúng tôi thuyết phục mãi bố mẹ các cháu mới đồng ý, chưa kịp phấn khởi vui mừng thì ông bà các cháu xuất hiện, kiên quyết không cho các cháu đi học xa nhà, xa gia đình. Thế là biết bao công sức đổ bể, anh em chưng hửng ra về.

 

Có thể thông cảm cho các bậc phụ huynh khi họ không muốn cho con em phải sống xa gia đình, tự lập từ khi còn quá nhỏ. Tuy nhiên, mỗi khi nghĩ đến câu chuyện những “viên ngọc thô” không được đặt đúng chỗ để được “mài sáng”, quả thật thấy tiếc lắm thay!

 

Văn Du

  • Từ khóa