Chủ nhật, 19/01/2025, 22:06[GMT+7]

“Mỗi người dân khỏe mạnh là góp phần cho cả nước mạnh khỏe”

Thứ 6, 27/03/2020 | 09:24:44
2,864 lượt xem
Trong thế nước muôn vàn khó khăn, với bộn bề công việc cấp bách phải giải quyết, ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Nha Thanh niên - Thể dục thuộc Bộ Quốc gia giáo dục, là cơ quan tham mưu của Chính phủ về thể dục thể thao. Cùng ngày, trên Báo Cứu quốc, Người kêu gọi toàn dân tập thể dục qua bài “Sức khỏe và thể dục”. Bởi ý nghĩa to lớn đó, năm 1991, Chính phủ quyết định lấy ngày 27/3 hàng năm là ngày Thể thao Việt Nam.

Màn biểu diễn võ thuật. Ảnh tư liệu

Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục


Chỉ 170 từ, lời kêu gọi của Bác ngắn gọn, súc tích với văn phong bình dị, gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ nhưng đó là những định hướng cho ngành thể dục thể thao (TDTT) và cho toàn dân ta dưới chế độ mới. Mở đầu lời kêu gọi, Bác chỉ rõ ý nghĩa, mục đích cũng như lợi ích của việc tập thể dục, rèn luyện sức khỏe. Bác khẳng định: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công” và “mỗi người dân khỏe mạnh tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe”. Bởi có sức khỏe mới có thể lao động, công tác, chiến đấu, mới có thể đem lại cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc. Bác khuyên mỗi người: “Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục. Ngày nào cũng tập, khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe...”.


Lời kêu gọi của Bác Hồ có ảnh hưởng sâu sắc đến tình cảm, tinh thần và hành động của nhân dân. Ngay từ những ngày đầu chính quyền cách mạng cho đến những năm dài kháng chiến, hòa bình xây dựng đất nước, lời kêu gọi của Bác đã cổ vũ, động viên toàn dân, toàn quân ta khắp mọi miền đất nước, dấy lên phong trào luyện tập, bồi bổ sức khỏe sâu rộng.

Hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa cho lứa tuổi thanh thiếu nhi.

Thái Bình noi gương Bác


Theo sách “Địa chí Thái Bình”, trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào “Khỏe vì nước” do Trung ương phát động, Thái Bình là một trong những tỉnh của miền Bắc có phong trào TDTT phát triển sớm, có nhiều điển hình tiên tiến. Trong đó, có những thời kỳ, các phong trào như “Toàn đơn vị biết bơi”, “Toàn đơn vị biết kỹ thuật bóng chuyền cơ bản”, “Toàn đơn vị có phong trào chạy vì sức khỏe”... phát triển mạnh ở các xã, phường, trường học, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang.


Trong thời kỳ miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, phong trào chạy phát triển rộng khắp toàn tỉnh, phong trào bóng bàn, bóng đá, đua xe đạp phát triển sôi nổi ở thị xã. Năm 1962, tổ rèn luyện thân thể xã Thụy Bình (Thái Thụy) là đơn vị dẫn đầu phong trào rèn luyện thân thể toàn miền Bắc. Ngoài ra, phong trào bơi lội phòng, chống lụt, bão cũng phát triển rộng khắp ở các xã ven sông và một số xã nội đồng. Nhờ hoạt động sôi nổi, Thái Bình được Ban Thể dục thể thao trung ương chọn làm địa điểm tổ chức các hội toàn quốc về TDTT như Hội tổng kết phong trào thể dục vệ sinh năm 1962, triển khai Chỉ thị số 180 của Ban Bí thư Trung ương về chuyển hướng công tác TDTT trong tình hình mới...
Thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước, phong trào TDTT phát triển mạnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, trong đó đặc biệt là các môn thể thao quốc phòng như nhảy, bơi, võ... Sôi nổi hơn cả là phong trào chạy vũ trang “luyện vai trăm cân, rèn chân ngàn dặm” để “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã phát triển sâu rộng ở các địa phương trong suốt những năm đánh Mỹ.


Điều đáng tự hào, năm 1966, xã Hồng Thái (Kiến Xương) là đơn vị dẫn đầu phong trào thể dục vệ sinh toàn miền Bắc, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba đầu tiên trong các xã ở miền Bắc. Trước đó, vào năm 1964, Trường cấp II Tán Thuật (Kiến Xương) là đơn vị tiên tiến xuất sắc dẫn đầu công tác thể dục vệ sinh của miền Bắc. Đến năm 1966, nhờ giữ vững những thành tích đạt được, Trường cấp II Tán Thuật được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Từ năm 1972, phong trào thi đua học và làm theo điển hình Tán Thuật về thể dục vệ sinh được thực hiện rộng khắp trong toàn tỉnh và cả ở những tỉnh lân cận.
Trong thời kỳ đất nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, phong trào học và làm theo Tán Thuật phát triển thành cao trào thi đua sôi nổi, đến năm 1979 - 1980 Thái Bình đã “Tán Thuật hóa” các trường học trong toàn tỉnh. Ngoài ra, bên cạnh các phong trào tập luyện bóng đá, bóng chuyền, vật, bóng bàn... phát triển mạnh thì phong trào bơi lội phòng, chống lụt, bão cũng nhận được sự tham gia tích cực từ các địa phương. Từ đó, 16 xã với 240 chi đoàn đã được Tổng cục Thể dục thể thao, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng cờ “Toàn đơn vị biết bơi”.

Phong trào thể dục thể thao quần chúng chính là nơi phát hiện những tài năng thể thao thành tích cao.   

Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ


Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào TDTT quần chúng của Thái Bình ngày càng phát triển sâu rộng. Đến nay, số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt 35%, số gia đình thể thao đạt 25%. Bên cạnh đó, trong năm 2019, toàn tỉnh có 1.120 giải thi đấu thể thao quần chúng cấp xã, 109 giải cấp huyện và 9 giải cấp tỉnh. Không những vậy, hoạt động TDTT trong trường học được duy trì bền vững và ổn định với nhiều hoạt động ngoại khóa diễn ra sôi nổi; 100% trường học bảo đảm chương trình giáo dục thể chất nội khóa có chất lượng.


Là một trong những địa phương có phong trào thể thao quần chúng phát triển, huyện Quỳnh Phụ hiện có tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên đạt gần 40%. Nhờ việc thường xuyên tổ chức các giải thi đấu thể thao quần chúng ở cấp xã, cấp huyện, Quỳnh Phụ đã tuyển chọn, bồi dưỡng những vận động viên có năng khiếu tham gia thi đấu tại những giải thể thao cấp tỉnh và đạt nhiều thành tích cao. Ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Phong trào TDTT quần chúng gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trong thời gian qua đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, qua đó đáp ứng nhu cầu rèn luyện, nâng cao sức khỏe của nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh cho cán bộ và nhân dân.


Sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng tại các địa phương trong toàn tỉnh đã góp phần quan trọng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đẩy lùi tệ nạn xã hội cũng như thiết thực xây dựng nông thôn mới. Cũng chính từ những sân chơi như vậy, các vận động viên tiêu biểu của tỉnh như Đoàn Văn Hậu, Trần Minh Vương, Nguyễn Tuấn Anh (môn bóng đá), Phạm Thị Thảo, Tạ Thanh Huyền (môn Rowing), Bùi Trường Giang (môn Wushu)...  có cơ hội được hun đúc niềm đam mê, được phát hiện, bồi dưỡng và trở thành những tài năng trẻ mang về niềm tự hào không chỉ cho thể thao thành tích cao của Thái Bình mà còn là niềm hy vọng của cả nước trên đấu trường quốc tế.

Tú Anh