Đưa dừa xiêm Bến Tre về quê lúa
Trước kia, toàn bộ vườn dừa của gia đình ông Hoàng Văn Tâm chỉ là cánh đồng trũng, cấy lúa kém hiệu quả nên bà con bỏ hoang. Năm 2013, gia đình ông Tâm nhận sản xuất, cải tạo 5.000m2 ở vùng đất này. Những năm đầu, ông Tâm trồng nhiều loại cây ăn trái khác nhau như ổi, mít, đu đủ nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, ông mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây dừa xiêm, một loại trái đặc sản của tỉnh Bến Tre và phổ biến ở miền Tây Nam Bộ nhưng rất mới lạ đối với vùng đất lúa như Thái Bình.
Ông Tâm chia sẻ, rất nhiều khó khăn đặt ra như chưa có mô hình nào trồng dừa xiêm ở quê hương để ông học hỏi kỹ thuật; điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu miền Bắc có nhiều điểm không phù hợp với đặc tính sinh trưởng, phát triển của cây dừa xiêm. Đặc biệt, khó nhất là công tác phòng, trừ sâu bệnh cho cây dừa giai đoạn cây non. Cây dừa dễ bị sâu đục nõn phá hoại, hoặc rệp tấn công phần ngọn, lá non, mỗi cây dừa lại chỉ có 1 ngọn, nếu không chủ động phòng, trừ sâu bệnh kịp thời, cây sẽ bị hỏng hẳn, thiệt hại lớn. Tuy nhiên, kiên trì và đam mê, sau 5 năm trồng, 3 năm tính từ ngày bắt đầu cho thu hoạch, gia đình ông Tâm đã được hưởng trái ngọt từ cây dừa xiêm.
“Năm đầu tiên thu hoạch, cả vườn chỉ được khoảng mấy trăm quả, sang năm thứ hai thì vườn có hơn 1.000 quả. Năm nay là năm thứ ba, ở lứa đầu tiên cũng là lứa quả chính, gia đình tôi đã thu hoạch được hơn 10.000 quả dừa, đã thu về hơn 100 triệu đồng. Cây dừa xiêm này từ năm thứ bảy trở đi sẽ cho năng suất cao gấp 1,5 - 2 lần hiện tại, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn” - ông Tâm cho biết thêm.
Từ khi gia đình ông Tâm có vườn dừa, chị Phạm Thị Huệ, thôn Nhật Tân, xã Tân Hòa có thêm nghề phụ là bán quả dừa xiêm vào vụ hè, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Chị Huệ cho biết: Lúc đầu, tôi đến vườn dừa của gia đình ông Tâm chỉ vì tò mò muốn thử xem dừa xiêm trồng ở quê mình có ngon bằng dừa miền Nam hay không. Sau nhiều lượt thưởng thức, tôi thấy chất lượng nước dừa rất tốt, nước ngọt đậm, giá thành bình dân. Đến nay, tôi đã tiêu thụ khá nhiều dừa nhà ông Tâm ra thị trường, phản hồi của khách hàng về chất lượng dừa rất tốt. Tôi thấy rằng, mô hình trồng dừa của gia đình ông Tâm giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, giá thành sản phẩm rẻ hơn, tạo thuận lợi cho đông đảo người dân thưởng thức nước dừa trồng ngay tại địa phương.
Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu miền Bắc, ông Tâm có bí quyết riêng để cây dừa không chỉ ra trái, cho năng suất cao mà còn cho chất lượng nước dừa tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
“Định kỳ hàng tháng, mỗi vụ, sau thu hoạch quả, tôi phải vệ sinh sạch sẽ thân cây, bổ sung phân bón với 100% phân hữu cơ. Đặc biệt, tôi phải khoan giếng sâu 50m để lấy nguồn nước lợ, hàng ngày bơm lên để cây dừa ăn nguồn nước này, trên mỗi ngọn cây dừa, tôi ủ các bọc vải đựng muối để muối dần thẩm thấu vào cây, mục đích để khi dừa ra trái, nước dừa mới ngọt đậm” - ông Tâm chia sẻ.
Vụ hè năm 2023, gia đình ông Tâm đã thu hoạch hơn 10.000 quả dừa, thu về hơn 100 triệu đồng.
Với 5.000m2 vườn, hiện gia đình ông Tâm trồng hơn 200 cây dừa xiêm lùn với giống dừa lửa, dừa xanh quả nhỏ, dừa xanh quả to. Mỗi năm dừa xiêm cho thu hoạch 2 - 3 đợt, kéo dài trong 6 tháng cuối năm. Đến nay, dừa cho năng suất trung bình 200 quả/cây/năm, giá bán trung bình đạt 10.000 đồng/quả, trừ chi phí đầu tư, gia đình ông Tâm thu về gần 150 triệu đồng/năm.
Ông Vũ Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hòa khẳng định, mô hình cải tạo đất hoang hóa để trồng dừa xiêm là một hướng đi mới, khẳng định sự sáng tạo, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm và tinh thần học hỏi cao của hội viên Hoàng Văn Tâm. Đến nay, mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu ổn định, nâng cao thu nhập cho gia đình ông Tâm và cũng là mô hình, động lực để những hội viên nông dân khác học hỏi, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đưa vào sản xuất các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn cấy lúa truyền thống.
Mạnh dạn chuyển đổi trồng dừa xiêm trên đất hoang hóa, gia đình ông Hoàng Văn Tâm không chỉ nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nước dừa mùa nắng nóng ngay tại thị trường địa phương.
Quỳnh Lưu
Tin cùng chuyên mục
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo triển khai dự án đường dây 500kV qua địa phận tỉnh Thái Bình 16.11.2023 | 17:24 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Hơn 260 doanh nghiệp huyện Hưng Hà tham gia khảo sát Bộ chỉ số DDCI 15.08.2023 | 16:03 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh