Thứ 6, 03/05/2024, 14:51[GMT+7]

Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8 Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Thứ 5, 10/08/2023 | 08:49:31
3,535 lượt xem
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ song nỗi đau da cam vẫn hiện hữu trong không ít gia đình. Chất độc da cam (CĐDC) không chỉ tàn phá hình hài, sức khỏe của những người trở về từ cuộc chiến mà còn để lại di chứng qua nhiều thế hệ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, những năm qua, các cấp hội nạn nhân CĐDC/Điôxin trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ, giúp đỡ, trở thành điểm tựa vững chắc giúp các nạn nhân CĐDC vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.

Nạn nhân chất độc da cam được hướng dẫn làm nghề giấy xuất khẩu tại Trung tâm Chăm sóc và dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam.

Nỗi đau xuyên thế kỷ

Một ngày mới bắt đầu với bà Trần Thị Phượng, thôn La Uyên, xã Minh Quang (Vũ Thư) bằng việc dậy từ 5 giờ sáng nấu nồi cháo cho người con trai Phạm Văn Tân năm nay hơn 40 tuổi, bị ảnh hưởng CĐDC từ bố. Suốt hơn 40 năm qua anh chỉ nhìn, nghe thấy mẹ nhưng không gọi được. Chồng mất sớm do ảnh hưởng của CĐDC, gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai bà Phượng. Bà trải lòng: Vợ chồng tôi sinh được 3 con. May mắn con trai đầu và con gái thứ ba đều khỏe mạnh, lành lặn còn Tân sinh ra đã bị thiểu năng trí tuệ, chân dị tật. Suốt một thời gian dài, tôi ròng rã đưa con đi chữa bệnh khắp nơi nhưng không có tiến triển, đến khi gia đình không còn đủ sức lực và kinh tế tôi đành chấp nhận để con sống chung với bệnh tật. Nhìn con đã ngoài 40 tuổi nhưng trí tuệ không được như người bình thường tôi đau xót lắm nhưng chẳng thể làm gì. Bây giờ tuổi tôi đã cao, lại hay đau ốm, chẳng biết sẽ sống được bao lâu để nuôi con. Khi tôi mất đi ai sẽ chăm sóc con hàng ngày.

Cũng như gia đình bà Phượng, nỗi đau của gia đình ông Đỗ Trung Mạnh, tổ 10, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình khó có thể diễn tả hết thành lời. Như bao lớp thanh niên yêu nước, năm 1971, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Mạnh nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị và hành quân chiến đấu liên miên, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Năm 1975, ông trở về và lập gia đình. Niềm hạnh phúc ngày đoàn tụ cũng chính là khởi đầu của nỗi bất hạnh. Ông đã nhiễm phải thứ chất độc nguy hiểm hơn cả cái chết - CĐDC/Điôxin. 

Ông Mạnh kể: Trong 3 con trai thì con trai đầu Đỗ Vũ Nhật bị ảnh hưởng bởi CĐDC từ tôi. Nhật đẻ ra rất yếu ớt, không biết lẫy, không biết bò, chỉ suốt ngày khóc. Một đứa trẻ bình thường, chỉ 10 - 12 tháng đã biết đi nhưng con tôi đến tận năm 17 tuổi mới biết đi. Thế nhưng, chân tay cháu dần co quắp, thần kinh không ổn định, suốt ngày la hét, đập phá đồ đạc, nhất là những khi trái gió trở trời. Mọi sinh hoạt hàng ngày Nhật đều không thể tự chủ, vợ chồng tôi phải thay nhau chăm sóc con. Giờ Nhật đã 48 tuổi nhưng lúc nào cũng chỉ như một đứa trẻ. Hiện tại vợ tôi buôn bán ngoài chợ, tôi ở nhà vừa chăm con vừa tranh thủ nhận sửa chữa  đồ điện gia dụng, chỉ mong để dành được khoản tiền nho nhỏ để lo thuốc thang cho con và cuộc sống của hai vợ chồng sau này.

Gia đình bà Phượng, ông Mạnh chỉ là hai trong hàng chục nghìn gia đình trên địa bàn tỉnh phải gánh chịu nỗi đau da cam - nỗi đau của bao người bố, người mẹ phải chứng kiến những đứa con của mình sinh ra với hình hài, trí óc không nguyên vẹn. Hàng ngày, hàng giờ họ dành hết sức lực, tình yêu thương vô bờ bến cho những người con bị ảnh hưởng bởi thứ chất độc quái ác.

Chung tay xoa dịu nỗi đau

Thái Bình là một trong những tỉnh có số lượng nạn nhân CĐDC cao trong cả nước. Nhiều trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật; nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn khi làm vợ, làm mẹ; bao người khác đang chết dần chết mòn, từng ngày, từng giờ quằn quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến CĐDC.

Xác định việc trợ giúp các nạn nhân không chỉ dừng lại ở sự đồng cảm, tình yêu thương mà còn mang tính trách nhiệm pháp lý, Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh được thành lập năm 2004, là hội cấp tỉnh đầu tiên của cả nước. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân, gần 20 năm qua Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh đã khẳng định vai trò điểm tựa vững chắc cho nạn nhân CĐDC. Các cấp hội đã kết nối, vận động xã hội hóa hàng trăm tỷ đồng để tổ chức các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân như xây mới, sửa chữa hơn 400 ngôi nhà tình nghĩa; trợ cấp khó khăn, tặng quà cho hơn 300.000 lượt nạn nhân; trao tặng hàng chục sổ tiết kiệm cho gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; trao học bổng cho hàng trăm cháu là nạn nhân CĐDC gián tiếp; cấp 400 xe lăn, xe lắc, 150 máy trợ thính và nhiều đồ dùng sinh hoạt khác cho nạn nhân CĐDC trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức dạy nghề cho hơn 500 nạn nhân CĐDC, tạo việc làm thường xuyên cho từ 10 - 15 con, cháu các nạn nhân. Đặc biệt, gần 13 năm qua, hoạt động của Trung tâm Tẩy độc thuộc Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh đạt hiệu quả cao, trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều nạn nhân CĐDC. Trung tâm đã tẩy độc cho hơn 4.000 nạn nhân bằng phương pháp Hubbard. Sau khi hoàn thành đợt tẩy độc, sức khỏe của các nạn nhân đều được cải thiện.

Bên cạnh việc chăm lo sức khỏe, đời sống cho hội viên, Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh còn tích cực tham gia cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC. Hội đã cung cấp nhân chứng, vật chứng cho Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin Việt Nam để phục vụ cho việc kiện các công ty hóa chất của Mỹ, thu thập hàng triệu chữ ký kêu gọi công luận thế giới ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân CĐDC, tổ chức 2 cuộc mít tinh và ủng hộ 100 triệu đồng cho vụ kiện.

Bà Nguyễn Thúy Hoàn, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh cho biết: Để tiếp tục chăm lo tốt hơn cho nạn nhân CĐDC, các cấp hội tiếp tục tuyên truyền, vận động các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ quỹ nạn nhân CĐDC, đồng thời tăng mức hỗ trợ cho các nạn nhân CĐDC trong toàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục hội viên chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Chủ động tham gia cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC theo hướng dẫn của Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin Việt Nam. Thời gian tới, Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin tỉnh sẽ đề xuất các cơ quan có thẩm quyền việc thực hiện chế độ, chính sách cho thế hệ thứ ba, thứ tư bị ảnh hưởng bởi CĐDC.

Thu Trang

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày