Thứ 6, 22/11/2024, 04:42[GMT+7]

Phát triển nhanh, bền vững vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Chủ nhật, 13/08/2023 | 07:31:13
1,350 lượt xem
“Thay mặt Hội đồng Vùng, Phó Thủ tướng cam kết sẽ làm tốt công việc, quyết tâm cam kết cao để thực hiện để các công việc trong thời gian sớm, có hiệu quả, tận dụng tối đa lợi thế của mỗi địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh, tiểu vùng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị.

Ngày 12/8, Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ lần thứ I đã diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và phát biểu chỉ đạo.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc thành lập Hội đồng vùng là cơ sở pháp lý để các thành viên cùng nhau giải quyết những vấn đề liên ngành, địa phương và vùng. Đây là lần đầu tiên cả nước có Hội đồng điều phối vùng với cơ chế pháp lý cần thiết để thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng của đất nước. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, các thành viên trong Hội đồng tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp, quy hoạch để phát triển địa phương theo tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Với những định hướng đó, các thành viên trong Hội đồng vùng đã đưa ra các giải pháp cụ thể theo từng lĩnh vực, ngành nghề và đặc thù của mỗi địa phương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần định hướng phát triển vùng theo hướng tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, đảm bảo phát triển năng lượng xanh, công nghiệp công nghệ cao, xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, phát triển vùng trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước, phát triển trung tâm, logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu. Đồng thời vùng cần mở rộng, xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu, năng lượng quốc gia; phát triển chính quyền số nhằm rút ngắn thời gian, thu hút đầu tư cho các địa phương và trong vùng. Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực cũng quan trọng, ưu tiên các chương trình giáo dục chất lượng cao, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy nêu lên những khó khăn, thách thức về nguồn lực trong quá trình quy hoạch phát triển vùng, qua đó đề xuất trong quá trình quy hoạch cần xác định theo tiềm năng của mỗi tỉnh, tránh sự triệt tiêu lẫn nhau. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương khi quy hoạch cảng biển, sân bay… Đối với hệ thống sân bay, trong vòng 100km sẽ quy hoạch một sân bay nội địa nhằm tận dụng tối đa nguồn khách liên kết vùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, 14 tỉnh trong vùng đều có biển, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển, thủy sản. Để giảm áp lực khai thác thủy sản trong tự nhiên trong khi tài nguyên biển đang giảm, việc nuôi biển liên vùng cũng là một giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế biển, góp phần tháo gỡ thẻ vàng của EU với việc ngư dân đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Cảng cá liên vùng, khu neo đậu liên vùng cũng sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị để phát triển.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao các ý kiến phát biểu với tư duy tổng thể, chiến lược, giá trị cao, thiết thực, đóng góp cho quốc gia. Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên trong Hội đồng vùng phải thực hiện ngay các phần việc được giao và sớm có kết quả báo cáo tại Hội nghị Quy hoạch vùng vào tháng 9 tới; cần xác định cơ chế làm việc, thể hiện trách nhiệm nhiệt huyết, xác định những công việc đã đặt ra phải làm ngay, việc trong kế hoạch thì phải thực hiện.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nhanh chóng thực hiện một ứng dụng (app) cơ sở dữ liệu để Hội đồng vùng trao đổi thông tin; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ngành, tỉnh trong Hội đồng vùng sẽ thiết lập nội hàm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựa trên ý kiến đóng góp của các thành viên, xây dựng Quy hoạch vùng dựa trên các tiềm năng lợi thế, tối ưu lợi thế của mỗi tỉnh, tiểu vùng, vùng. Bộ Công Thương xem xét đến vấn đề năng lượng xanh, Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch tư duy mới về phát triển cảng biển, hàng không. Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Bộ Y tế xem xét về thành lập trung tâm giáo dục, trung tâm y tế vùng. Bộ Tài chính hình thành quỹ của vùng, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy hoạch về tài nguyên biển...

“Thay mặt Hội đồng Vùng, Phó Thủ tướng cam kết sẽ làm tốt công việc, quyết tâm cam kết cao để thực hiện để các công việc trong thời gian sớm, có hiệu quả, tận dụng tối đa lợi thế của mỗi địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh, tiểu vùng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN).

Dịp này, Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Chủ tịch đã ra mắt. Lãnh đạo của các bộ, ngành và 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận là Phó Chủ tịch và thành viên.

Trước đó, ngày 11/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận), có diện tích tự nhiên 95,86 nghìn km2 (chiếm 28,9% diện tích cả nước). Đây là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, đối ngoại và quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế...

Vùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển với gần 2.000 km bờ biển (chiếm 60% bờ biển cả nước), có 11 trong 18 khu kinh tế ven biển của cả nước (chiếm 61,1%); là cửa ngõ ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối Hành lang Kinh tế Đông - Tây với tuyến đường hàng hải quốc tế.

Việc lập quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo sự thống nhất, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia. Đồng thời, quy hoạch sẽ bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và bền vững với trọng tâm là phát triển nhanh, bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường với nền tảng là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa vùng với các vùng khác trong nước; coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng. Nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 462/QĐ-TTg ngày 14/4/2022; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng nội dung về quan điểm, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển của vùng, làm cơ sở việc xây dựng quy hoạch vùng.../.

Theo: dangcongsan.vn



 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày