Chủ nhật, 28/04/2024, 08:21[GMT+7]

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục

Thứ 3, 15/08/2023 | 16:04:34
3,321 lượt xem
Sáng ngày 15/8, đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ 700.000 giáo viên trên cả nước để chia sẻ, động viên các nhà giáo. Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết nối với hơn 400 điểm cầu trên cả nước. Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự chương trình.

Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự chương trình tại điểm cầu Thái Bình.

Tín hiệu đáng mừng theo chỉ đạo đổi mới

Cùng với các ý kiến về chế độ tiền lương, nhiều nhà giáo cho biết thực trạng việc tổ chức dạy học và giáo dục học sinh theo những chỉ đạo đổi mới của ngành trong thời gian vừa qua đã thu được những kết quả nổi bật trên nhiều phương diện. Các trường học, cơ sở giáo dục khắc phục khó khăn, tích cực thực hiện xã hội hóa, tận dụng các nguồn đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc, đổi mới phương thức quản trị điều hành, quản lý chuyên môn theo hướng dân chủ, tập trung, hướng tới nâng cao chất lượng hiệu quả công việc của mỗi cá nhân. Giáo viên các cấp học đã nỗ lực cố gắng nâng cao năng lực ứng đáp với yêu cầu đặt ra.  Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội để giáo viên được biết rõ và hiểu thêm một cách chính thống các thông tin về công việc, các quan điểm chỉ đạo của ngành, các lý giải về khoa học giáo dục trong tiến trình đổi mới. Đặc biệt, hy vọng chương trình tạo cơ hội cho giáo viên cả nước biết thêm về những cách làm mới, cách làm hay, những sáng tạo của đồng nghiệp trong quá trình đối mặt với thách thức, khó khăn của đổi mới giáo dục trước những yêu cầu của xã hội, trong bối cảnh đa dạng hóa thông tin như hiện nay.

Các đại biểu dự chương trình tại điểm cầu Thái Bình. 

Hơn 2.000 ý kiến của cán bộ, giáo viên, nhân viên về tiền lương

Tại chương trình, đồng chí Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam chia sẻ: Trước buổi gặp gỡ có trên 6.500 ý kiến của khối mầm non và phổ thông được gửi về; trong đó gần 4.000 ý kiến của giáo viên, hơn 1.300 ý kiến của nhân viên trường học, còn lại là ý kiến của cán bộ quản lý. Về nội dung ý kiến, có tới 2.000 câu hỏi liên quan đến các vấn đề  về lương, phụ cấp của nhà giáo, mong muốn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đến chế độ đãi ngộ với nhà giáo, nhất là giáo viên đang làm việc ở các vùng sâu, vùng xa. Có trên 500 ý kiến đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có kiến nghị để tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 55 tuổi thay vì 60 tuổi bởi cấp học này có những đặc thù, áp lực khác với những cấp học khác nhưng chính sách đãi ngộ chưa phù hợp và còn quá chênh lệch so với giáo viên ở các cấp học khác. Cùng với đó, có 160 ý kiến về thiếu trường, lớp học, thiếu nhà công vụ giáo viên, cơ sở vật chất các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đề nghị nâng cấp cơ sở vật chất các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để giáo viên yên tâm công tác, nâng cao chất lượng dạy và học. Có 41 ý kiến phản ảnh về việc thiếu giáo viên cục bộ ở vùng sâu, vùng xa và giáo viên dạy một số bộ môn khi thực hiện chương trình GDPT mới.

Đặc biệt, nhiều giáo viên góp ý cần có giải pháp tăng cường chống bệnh thành tích, trong đó, đề nghị bỏ các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, bỏ việc tính thi đua cho giáo viên bằng thành tích học tập của học sinh vì chưa thỏa đáng, dễ dẫn đến việc đối phó, hình thức.

Thái Bình: Việc triển khai chương trình mới còn gặp nhiều khó khăn

Tại chương trình, thay mặt hơn 27.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục Thái Bình, cô giáo Bùi Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Trung An (Vũ Thư) bày tỏ ý kiến đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, Chương trình GDPT 2018 được xây dựng tổng thể, toàn diện, đồng bộ nhằm hướng đến phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình mới còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, theo định mức giáo viên/lớp của chương trình GDPT 2018, các trường tiểu học, THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; số tiết học hiện nay tăng so với trước đây. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của một số môn bắt buộc, hoạt động giáo dục, hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi. Vì vậy, định mức 2 buổi/ngày như hiện nay dù thực hiện tối đa nhưng chưa phù hợp. 

Cô giáo Bùi Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Trung An (Vũ Thư) phát biểu tại chương trình. 

Cô giáo Bùi Thị Thanh Huệ mong muốn và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hơn nữa đến vấn đề bạo lực học đường và có giải pháp phù hợp để cải thiện tình trạng bạo lực học đường hiện nay. Đối với vấn đề tiền lương, bên cạnh lương thưởng, chế độ làm thêm giờ, phụ cấp đứng lớp cho nhà giáo, hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo có định hướng chiến lược, thể hiện sự quan tâm đến đội ngũ nhà giáo. Trong đó, có thể tăng cường việc giáo dục chính trị tư tưởng cho giáo viên nhằm khơi dậy tình yêu nghề trong đội ngũ nhà giáo, xây dựng tinh thần tâm huyết trách nhiệm trong công việc.

Dự kiến tăng thêm phụ cấp ưu đãi 10% cho giáo viên mầm non, 5% cho giáo viên tiểu học

Tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã tiếp thu, trực tiếp trả lời, giải đáp nhiều ý kiến quan trọng của cán bộ, nhà giáo, nhân viên ở nhiều cấp học. Qua việc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo để phục vụ công tác quản lý, điều hành, hoàn thiện và có những định hướng phù hợp về chính sách cho phát triển đội ngũ, tháo gỡ từng bước những khó khăn thực tế, góp phần thực hiện thành công đổi mới giáo dục.

Chia sẻ những vất vả, khó khăn của các nhà giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo thời gian qua cũng là vấn đề được Chính phủ quan tâm và đã có nhiều chính sách cho giáo viên mầm non. Bước đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Tuy nhiên, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ thì quy định sẽ được thực hiện. Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học. Về kiến nghị độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, hiện Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội. Trong phần góp ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi hưu.

Đối với ý kiến đề cập định mức giáo viên trên lớp của ngành giáo dục Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh khi chúng ta thực hiện chương trình GDPT 2018, số môn học được điều chỉnh, thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, hoạt động của các nhà giáo trong nhà trường có nhiều đổi mới, vì thế chúng ta cần điều chỉnh về định mức giáo viên/lớp và định mức số người làm việc trong cơ sở giáo dục. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì sửa đổi quy định liên quan đến vấn đề này.

Cũng tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trao đổi, trả lời trực tiếp các vấn đề về cơ sở vật chất, chế độ chính sách, đổi mới giáo dục… Đồng chí mong muốn thời gian tới có thể gần hơn, hiểu hơn các nhà giáo để toàn ngành đồng tâm, hiệp lực, từng bước tháo gỡ những khó khăn để đáp ứng mục tiêu phát triển giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Đặng Anh