Nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng
Tham dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Dương Trung Ý cùng đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước.
Ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu nhấn mạnh, Đảng bộ tỉnh luôn xác định, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng là một nhiệm vụ có ý nghĩa to lớn, nhằm phát huy truyền thống vẻ vang, tạo động lực và sức mạnh nội sinh để toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh khắc phục mọi khó khăn; nêu cao tính chủ động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ và vận hội mới, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu mà nghị quyết của Đảng các cấp đã đề ra.
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cùng các đại biểu tham quan gian sách trưng bày Lịch sử Đảng bộ các địa phương.
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 20 của Ban Bí thư là một việc làm hết sức quan trọng, không chỉ góp phần đánh giá những kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng trong thời gian qua, những hạn chế, kinh nghiệm của các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai Chỉ thị 20-CT/TW, mà còn góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống thấm sâu trong tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, giúp bạn bè quốc tế hiểu ngày càng chân thực và sâu sắc hơn về Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời, qua đó góp phần đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.
Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Dương Trung Ý cho rằng, Chỉ thị số 20-CT/TW là một chủ trương lớn của Đảng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
“Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW cho thấy, các cấp ủy quan tâm, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng. Công tác tuyên truyền lịch sử Đảng, nhất là đối với thế hệ trẻ đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị chỉ đạo thực hiện với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội…”, ông Dương Trung Ý nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội nghị, các đại biểu khẳng định, 5 năm qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW đã đạt nhiều kết quả ấn tượng, thể hiện ở 5 điểm nổi bật:
Thứ nhất, các cấp ủy quan tâm, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, có sự đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất và con người, tạo điều kiện quan trọng nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong hệ thống chính trị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng, góp phần gia tăng tính hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, cơ sở.
Thứ hai, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng được các cấp ủy coi trọng, xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Kết quả nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu của nhiệm kỳ Đại hội XII và bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát huy tính ứng dụng trong công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị tại các trường chính trị tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện và các trường phổ thông, góp phần tích cực vào công tác chính trị, tư tưởng, lý luận của Đảng trong tình hình mới.
Thứ ba, công tác sưu tầm tài liệu được đẩy mạnh, trong đó nổi bật là nguồn tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng qua các kênh ngoại giao văn hóa. Công tác lưu trữ, bảo quản tư liệu lịch sử được tổ chức, sắp xếp khoa học theo hướng đẩy mạnh số hóa theo quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng.
Thứ tư, công tác tuyên truyền lịch sử Đảng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị chỉ đạo thực hiện một cách hệ thống, bài bản với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Thứ năm, công tác giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương đã được đẩy mạnh thực hiện lồng ghép trong các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và giáo dục quốc dân. Thông qua việc tích cực đổi mới phương pháp dạy học, lấy người học làm trung tâm, coi trọng phẩm chất, năng lực của người học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng linh hoạt nhiều hình thức tổ chức dạy học, chất lượng và hiệu quả giáo dục được cải thiện đáng kể.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu định hướng tại hội nghị.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị số 20
Bên cạnh những mặt tích cực, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra: việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Đó là, một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm về công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Số lượng các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống được nghiên cứu, biên soạn và xuất bản tuy nhiều, nhưng chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, nội dung rộng nhưng chưa sâu.
Việc khai thác, sử dụng tài liệu tham khảo gặp nhiều khó khăn do nguồn tư liệu bị thất lạc, hư hỏng. Nguồn kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử Đảng cơ bản thấp, hạn chế khả năng khuyến khích, thu hút các nhà khoa học, chuyên gia tham gia…
Chỉ đạo định hướng tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu, hội nghị tập trung phân tích, làm rõ về tầm quan trọng, ý nghĩa, vai trò của việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị “trong sạch, vững mạnh”, đáp ứng yêu cầu mới.
Trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW; chất lượng nghiên cứu, biên soạn và khả năng ứng dụng của các công trình lịch sử Đảng; những vấn đề liên quan đến giải pháp và hiệu quả của công tác đổi mới nội dung và cách thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
Với tinh thần đó, đại biểu các cơ quan ban, bộ, ngành, địa phương, các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học đã cùng nhau phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những đóng góp nổi bật của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII của Đảng; những mặt tồn tại, hạn chế; trên cơ sở đó xác định phương hướng, tầm nhìn, đề xuất, kiến nghị những giải pháp khả thi, hữu hiệu, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW trong thời gian tới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Kết luận tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đánh giá, các cấp ủy đã quan tâm, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, đưa nhiệm vụ này vào công việc thường xuyên của Đảng bộ các cấp. Đến nay, hàng ngàn công trình Lịch sử Đảng đã được xuất bản và công bố, từ lịch sử toàn Đảng cho đến Lịch sử Đảng bộ địa phương các cấp; đặc biệt, cơ bản các địa phương đã biên soạn Lịch sử Đảng bộ địa phương đến năm 2000.
Để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, thường xuyên, sâu rộng, sáng tạo và hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị, tư tưởng của cấp ủy các cấp, nhằm khơi dậy khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, phấn đấu đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các địa phương, đơn vị cần xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, xác định trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy trong chỉ đạo và thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị.
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng không chỉ chú ý đến công tác nghiên cứu, biên soạn mà phải quan tâm cả việc thẩm định tính xác thực lịch sử; tổ chức các lớp tập huấn về công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng; đa dạng nội dung và cách thức tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII; tiến hành số hóa Lịch sử Đảng để lưu trữ tư liệu lâu dài.
Hội nghị lần này nhằm phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
Các địa phương, đơn vị cần xây dựng đề án sưu tầm tư liệu, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử; kiện toàn, sắp xếp, bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác lịch sử. Có cơ chế, chính sách thu hút những người có năng lực, có trình độ cao, đúng chuyên ngành phục vụ công tác.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình; phát huy, nhân rộng những sáng kiến, mô hình, cách làm hay, tạo sức lan tỏa trong xã hội, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả 05.11.2024 | 14:15 PM
- Chống lãng phí - Thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm 30.10.2024 | 15:58 PM
- Triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác tuyên giáo 30.09.2024 | 17:56 PM
- Nhiều giải pháp sáng tạo nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền đại hội Đảng các cấp 28.09.2024 | 18:29 PM
- Thành phố: Phổ biến Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị cho đội ngũ báo cáo viên 24.07.2024 | 16:49 PM
- Thành phố: Tổng giá trị sản xuất tăng 5,7% 09.07.2024 | 16:10 PM
- Khai giảng lớp thứ nhất bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV 09.07.2024 | 09:02 AM
- Quy định 144-QĐ/TW: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới 04.07.2024 | 08:58 AM
- Giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác định giá tài sản 02.07.2024 | 17:14 PM
- Đảng ủy Công an tỉnh: Tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng 06.06.2024 | 17:45 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025