Chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: Hiểu đúng, thực hiện nghiêm Kỳ 1: Chấn chỉnh, sửa sai
Chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH được triển khai thực hiện từ năm 2000. Đến năm 2020, toàn tỉnh có gần 26.000 người được thụ hưởng các chế độ, quyền lợi từ chính sách này. Tuy nhiên, sau quá trình thanh tra, rà soát, thực chứng, từ năm 2020 đến nay đã có quyết định ngừng trợ cấp đối với gần 4.000 trường hợp.
Nhiều thay đổi, chậm hướng dẫn tạo kẽ hở cho người trục lợi
Hơn 20 năm thực hiện chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH đã có nhiều đợt thay đổi về các quy định và hướng dẫn trong thực hiện. Cụ thể, giai đoạn 2000 - 2004, người nhiễm CĐHH hưởng chế độ như đối tượng bảo trợ xã hội và hưởng phụ cấp từ ngân sách tỉnh. Giai đoạn này, Thái Bình giải quyết hưởng chính sách cho hơn 7.000 trường hợp. Giai đoạn 2004 - 2006, Thái Bình xác nhận cho hơn 5.100 hồ sơ nhưng chưa ban hành quyết định hưởng chế độ. Giai đoạn 2006 - 2009, chính sách đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH chuyển từ đối tượng bảo trợ xã hội sang đối tượng người có công với cách mạng, trong đó tháng 2/2008 có quyết định của Bộ Y tế ban hành danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến CĐHH. Thái Bình đã giải quyết hưởng chính sách cho hơn 11.600 trường hợp (trong đó có nhiều trường hợp đã lập hồ sơ từ năm 2004 - 2006 nhưng chưa được giải quyết). Giai đoạn từ năm 2009 đến nay, thời điểm này đã có đầy đủ các văn bản, hướng dẫn của các bộ, ngành đặc biệt là có danh mục hướng dẫn 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến CĐHH, toàn tỉnh có hơn 7.000 trường hợp được giải quyết hưởng chính sách.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh phân tích: Nguyên nhân dẫn đến tồn tại, bất cập trong thực hiện chính sách có một phần không nhỏ từ việc ban hành chính sách có phần vội vàng, chưa có sự tính toán kỹ. Khi chưa có rà soát sơ bộ về số lượng người nhiễm CĐHH đã ban hành chính sách. Khi ban hành, không đề ra các tiêu chí cụ thể. Trong giai đoạn đầu (2000 - 2004) không có quy định về danh mục bệnh tật, chỉ có quy định chung; giai đoạn 2004 - 2006 thực hiện theo Thông tư liên tịch số 14 của liên Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội - Y tế - Tài chính quy định 144 bệnh liên quan đến nhiễm CĐHH; giai đoạn 2006 - 2007 chưa ban hành danh mục bệnh tật; từ tháng 2/2008 mới có hướng dẫn cụ thể theo Quyết định số 09 của Bộ Y tế về danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến nhiễm CĐHH. Từ quy định 144 bệnh xuống còn 17 bệnh, từ diện rộng xuống diện hẹp dẫn đến việc có nhiều người cùng HĐKC như nhau, bệnh tật như nhau nhưng người làm trước được hưởng, người làm sau không được hưởng nên nảy sinh bức xúc.
Không chỉ liên tục sửa đổi, quy định về thủ tục, hồ sơ hưởng chính sách ở giai đoạn đầu có nội dung còn chưa rõ ràng, các văn bản hướng dẫn chưa được đồng bộ, kịp thời dẫn đến lúng túng, khó khăn cho địa phương khi thực hiện. Cụ thể, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 54 vào tháng 5/2006 về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (trong đó có hướng dẫn về người HĐKC bị nhiễm CĐHH tại các điều 22, 25), đến tháng 2/2008 Bộ Y tế mới có Quyết định số 09 ban hành danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến nhiễm CĐHH. Chính trong khoảng 20 tháng chờ hướng dẫn của trung ương đã gây khó khăn cho tỉnh. Trước yêu cầu thực hiện chính sách, với chỉ đạo của UBND tỉnh, năm 2007, Sở Y tế ban hành Hướng dẫn số 06 danh mục 125 bệnh, tật (nằm trong 144 bệnh của Thông tư liên tịch số 14) làm cơ sở thực hiện chính sách tại Thái Bình. Song khi có Quyết định số 09 Thái Bình lại không triển khai thực hiện ngay mà vẫn áp dụng theo Hướng dẫn số 06 cho đến hết năm 2009, dẫn đến việc vừa đi trước vừa đi sau trung ương. Giai đoạn này chỉ trong 3 năm 2006 - 2009 đã có hơn 11.600 trường hợp được giải quyết hưởng chính sách.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan về quy định hướng dẫn, thủ tục hồ sơ, không thể phủ nhận ở giai đoạn đầu 2000 - 2009 kéo dài gần chục năm, việc lập, xác nhận hồ sơ ở các cấp chưa được thực hiện chặt chẽ. Trong giai đoạn này đã có hơn 19.000 trường hợp được giải quyết hưởng chính sách, chiếm hơn 70% tổng số trường hợp hưởng chính sách người nhiễm CĐHH trên toàn tỉnh. Việc thực hiện ồ ạt, đặc biệt khi chuyển hơn 7.000 hồ sơ (giai đoạn 2000 - 2006) từ đối tượng bảo trợ xã hội sang đối tượng người có công cơ quan chuyên môn lại không thực hiện rà soát hồ sơ để hưởng đúng chính sách theo quy định mới đã dẫn đến việc hưởng sai ở nhiều trường hợp.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin huyện Vũ Thư trao xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh tư liệu
Quyết tâm chấn chỉnh, sửa sai
Với nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan trong quá trình triển khai đã để chính sách bị trục lợi nhiều năm, trên diện rộng và phải mất nhiều thời gian, công sức để giải quyết tồn đọng. Trước những ồn ào và cả những vụ khiếu kiện vượt cấp diễn ra, trong hai năm 2014 và 2017 các cuộc thanh tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã được tiến hành tại một số huyện trên địa bàn tỉnh và có kiến nghị Thái Bình rà soát lại hồ sơ người nhiễm CĐHH hưởng chế độ giai đoạn 2000 - 2009. Thực hiện kết luận của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chiến dịch rà soát hồ sơ trên địa bàn toàn tỉnh đối với hơn 19.000 hồ sơ giai đoạn 2000 - 2009 đã được triển khai, tập trung vào 2 nội dung trọng tâm là rà soát giấy tờ chứng minh tham gia chiến trường và rà soát về bệnh, tật, dị dạng, dị tật của con đẻ người đang hưởng chế độ người HĐKC bị nhiễm CĐHH. Qua rà soát đã phát hiện hàng trăm hồ sơ không có giấy tờ chứng minh tham gia chiến trường. Tháng 8/2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có quyết định dừng hưởng chế độ đối với 354 trường hợp không đủ điều kiện giấy tờ chứng minh chiến trường.
Việc rà soát hồ sơ được thực hiện thận trọng, khách quan. Sau đó, đối với những trường hợp do nguyên nhân mất giấy tờ hoặc chưa có giấy tờ chứng minh chiến trường, nếu bổ sung được giấy tờ chứng minh chiến trường đều được hưởng lại chính sách theo đúng quy định.
Đối với việc rà soát về bệnh, tật, dị dạng, dị tật, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp nhằm loại bỏ đối tượng trục lợi, bảo đảm công bằng trong thực thi chính sách, yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc giải quyết dứt điểm tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách đối với người nhiễm CĐHH trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục các năm 2019 - 2022, việc dừng chính sách đã được thực hiện đối với gần 4.000 trường hợp. Qua các đợt rà soát và dừng thực hiện chính sách cộng với số giảm cơ học, từ chỗ toàn tỉnh có gần 26.000 người hưởng chính sách đến nay còn hơn 19.000 người hưởng chính sách này.
Để chính sách được thực hiện nghiêm, đúng quy định song phải bảo đảm đúng, đủ quyền lợi cho người HĐKC nếu bị nhiễm CĐHH, sau rà soát và dừng hưởng chính sách, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị, khiếu nại; hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp có kiến nghị, khiếu nại về hồ sơ, trình tự thủ tục. Sau các đợt rà soát và dừng hưởng chính sách, năm 2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành liên quan thành lập các tổ công tác liên ngành tổ chức thực chứng, kiểm tra, đánh giá lại tình trạng dị dạng, dị tật của con đẻ người HĐKC và thẩm định, đánh giá lại hồ sơ y tế của 444 trường hợp có kiến nghị tại 8 huyện, thành phố nhằm bảo đảm chính sách được thực hiện nghiêm nhưng không để mất quyền lợi chính đáng của người HĐKC nếu có. Sau các đợt rà soát và dừng hưởng chính sách, đến nay đã có nhiều trường hợp bổ sung hồ sơ và giám định sức khỏe đủ điều kiện được hưởng lại chính sách.
Cùng với nghiêm túc thực hiện rà soát hồ sơ, thực chứng tình trạng bệnh, tật, dị dạng, dị tật, để việc thực hiện chính sách đúng người, đúng quy định, các ngành chức năng trong tỉnh cũng vào cuộc xử lý đúng người, đúng tội những đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi. Từ năm 2010 đến năm 2021, Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố, điều tra 20 vụ với 49 bị can liên quan đến hoạt động “chạy” chế độ, chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình điều tra, xét xử, một số vụ án liên quan đến nhiều người, ở nhiều ngành, nghề tham gia vào các đường dây “chạy” chế độ da cam, trong đó đáng chú ý có 5 cán bộ ngành lao động - thương binh và xã hội đã bị xét xử, kết án.
Ông Phí Ngọc Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định quá trình triển khai thực hiện chính sách có xảy ra sai sót. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành lao động - thương binh và xã hội đã và đang phối hợp tích cực với các ngành liên quan để chấn chỉnh, sửa sai, bảo đảm chính sách được thực hiện nghiêm minh, đúng quy định, bảo đảm quyền lợi cho người HĐKC.
Tạo việc làm cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam tại Trung tâm Chăm sóc và Dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam.
(còn nữa)
Trần Hương - Nguyễn Cường
Tin cùng chuyên mục
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” 03.08.2024 | 20:28 PM
- LỜI CẢM TẠ 05.06.2024 | 12:40 PM
- Lấy ý kiến nhân dân đối với các tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, Huân chương các loại, các hạng 06.03.2024 | 11:06 AM
- Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm, chúc tết một số địa phương, đơn vị 06.02.2024 | 18:43 PM
- Thăm hỏi, động viên gia đình chiến sĩ công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ 23.09.2023 | 15:05 PM
- Hướng dẫn cách thay ảnh đại diện có kèm avatar frame ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2023 21.09.2023 | 16:00 PM
- Chuyển đổi số báo chí, bài học và kinh nghiệm rút ra 09.08.2023 | 22:20 PM
- Ngày đón anh trở về 26.07.2023 | 16:31 PM
- Hội LHPN huyện Vũ Thư: Tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ 23.07.2023 | 09:50 AM
Xem tin theo ngày
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội tiếp tục thảo luận về các dự án luật
- Chống lãng phí - Thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm
- Hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Họp thống nhất nội dung đề xuất phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tuyến đường bộ cao tốc CT.08
- Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
- UBND tỉnh làm việc với các nhà đầu tư Hàn Quốc
- Sớm triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
- Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Luật Công chứng